[Phim hay] Hoàng đế cuối cùng

06/01/2013 22:30 PM |

(CafeBiz) Bộ phim là cuốn sử thi kể về cuộc đời một người đàn ông nhưng phản ánh cả quá trình chuyển đổi đau thương từ phong kiến sang nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

Thông tin:

Tên phim: Hoàng đế cuối cùng

Đạo diễn: Bernardo Bertolucci

Kịch bản: Mark Peploe,Bernardo Bertolucci

Diễn viên: John Lone,Joan ChenPeter O'Toole

Sản xuất: 1987

Giải thưởng: 9 giải Oscar, 4 quả cầu vàng...

Ngôn ngữ: Tiếng Anh

Giới thiệu:

Bộ phim miêu tả cuộc đời của vị Hoàng đế cuối cùng của Trung Quốc, Phổ Nghi. Đó là chuỗi tháng ngày bị giam trong cung khi chỉ là một đứa trẻ cho tới lúc trưởng thành bị giam trong nhà tù rồi được quân đội Cộng hòa nhân dân Trung Hoa phóng thích và những năm cuối đời cay đắng.

Lần đầu tiên vào cung diện kiến Lão Phật gia và trở thành tân Hoàng đế ngay trong đêm đó

Phổ Nghi và người phụ nữ quyền lực nhất triều đình Mãn Thanh

Mở đầu bộ phim là hình ảnh Hoàng đế Phổ Nghi cố gắng tự tử, giải thoát cuộc đời mình khỏi năm năm giam giữ giày vò. Nhưng nỗ lực “được chết” đó bất thành, rồi những hình ảnh về cả cuộc đời Phổ Nghi lần lượt hiện về như một cuốn hồi ký.

Từ giây phút đầu tiên nhập cung, lên ngôi báu khi còn là một đứa trẻ gần 3 tuổi, Phổ Nghi đã sống như một con rối trong lồng son. Cậu chỉ dám khóc trong tay nữ tì và lẳng lặng làm theo các động tác của thái giám. Gánh nặng làm “con trời” đã đè lên vai cậu rồi.

Cậu bé chưa đầy 3 tuổi chỉ biết ôm mặt khóc trong tay tì nữ khi bị đón đi

Phổ Nghi bước vào cuộc sống cung cấm, học lễ nghi để trở thành một vị Hoàng đế chính thống. Bản thân ông là một nhân chứng lịch sử rõ nét nhất trong giai đoạn trung chuyển chế độ Trung Hoa: trải qua thời kỳ thăng trầm mạnh mẽ của triều đại Mãn Thanh và lịch sử đầy biến động của đất nước Trung Hoa với những cuộc bạo động, biểu tình của giới học sinh sinh viên, những lần đánh phá o ép của liên quân châu Âu, những vụ bắt bớ xả súng của Nhật Bản...

Khi còn là Hoàng đế nhà Thanh, Phổ Nghi luôn nhìn mọi thứ với đôi mắt u buồn có chút thất thần

Đêm động phòng, Hoàng hậu phải chủ động hết thảy

Phổ Nghi là Hoàng đế nhưng không được phép đưa ra ý kiến của mình, không được sống với quyền lực tuyệt đối như tổ tiên, mà phải chịu hết áp lực này tới trói buộc khác. Một người đàn ông đứng ở thế cuộc của kẻ mất nước đã đủ nhục nhã đau khổ rồi, Phổ Nghi còn là một ông vua, một kẻ cầm quyền có tiếng mà không có miếng, điều đó khiến chàng thanh niên có dự mưu càng trở nên đau thương.

Trong phim, diễn viên John Lone cũng như ba diễn viên nhí còn lại (vào vai Phổ Nghi lúc nhỏ và khi thiếu niên) đã thể hiện rất tốt nỗi đau nội tâm mà không phải ai cũng có thể thấu hiểu. Nỗi đau đó lên dần theo sự trưởng thành. Không còn là tủi thân vì xa mẹ, vì không được ăn những thứ mình thích, không được nói những gì mình nghĩ, không được làm những thứ mình muốn... mà nó trở thành một thứ vượt khỏi sự đau đớn về thể xác giống như linh hồn bị cầm tù, cố gắng vùng vẫy thoát khỏi những đọa đày của một kiếp bù nhìn. Ông trở thành một quân cờ mặc cho người khác lợi dụng, chà đạp, một thế thân của tòa đế chế để người ta hô hào phải tiêu diệt.

John Lone đã diễn rất chân thực về một vị Hoàng đế bị mất vương triều của mình

Những năm cuối đời, Phổ Nghi sống hòa với quần chúng nhưng mang nặng tâm trạng đau buồn

Tháng ngày ấu thơ Phổ Nghi còn chút trẻ con, tùy hứng, muốn phá phách và nổi loạn trong tâm tưởng, nhưng khi bước vào thời kỳ hỗn loạn mất trị an từ ngoài lan vào cung cấm và bùng nổ cách mạng, Phổ Nghi đã học được cách trầm tĩnh, cam chịu và biết nhẫn nhục. Một vị vua đứng đầu một đất nước phải im lặng cho tên tay sai Nhật Bản quát mắng vào mặt, phải cúi đầu dùng phấn viết tên mình dưới mũi giày của hắn, chỉ được nói khi bọn chúng cho nói, phải chọn lọc câu từ. Đó không phải sự hèn nhát, không phải sự ham sống sợ chết bởi ông cũng có lòng tự trọng của mình, nhún nhường nhưng không nịnh bợ lấy lòng...

Vua Phổ Nghi trong phim The Last Emperor không còn giống một vị vua tươi cười hớn hở, vô tâm vô tính chịu sự an bài của kẻ khác như trong một số phim, mà giống một người đàn ông chịu chung vận mệnh lên xuống của đất nước.

Vị Hoàng đế trẻ tuổi dứt khoát cắt đứt mái tóc của mình trước sự can ngăn và lo sợ của đám quan, cung

Chất liệu mà đạo diễn Bernardo Bertoluccisử dụng trong phim mang đậm nét Trung Hoa cận đại. Từ màu sắc đỏ vàng phảng phất bóng dáng hào quang cổ xưa, đến màu trắng ảm đạm của một đất nước “thay da đổi thịt” trong máu lửa. Âm nhạc dân gian và cách sử dụng tiếng động cũng rất độc đáo: Tiếng nhị kéo da diết hòa lẫn tiếng guốc mộc, tiếng tù xen lẫn tiếng đọc kinh của các Đạt Ma trong đêm tiểu Hoàng đế được đón đi đăng quang, trong bầu không khí tĩnh lặng đến ma quái chỉ nghe thấy giọng khàn khàn trăn trối của Từ Hy Thái hậu, rồi đến lễ cưới Hoàng gia lập Hậu của Phổ Nghi, cảnh hoành tráng, âm nhạc sôi trào, tiếng kèn, cồng vang lên đúng chất phương Đông...

Bernardo Bertolucci còn khéo léo trong việc cắt cảnh, nối đoạn để sự việc diễn ra dù bị nhảy cách thời gian nhưng không làm mất đi trật tự và chuỗi ý nghĩa cùng sự kiện vốn có. Hơn nữa, ông còn thêm vào cuộc đời Hoàng đế Phổ Nghi một trang đời éo le khi vợ ông nghiện thuốc phiện và sa vào mối quan hệ tình cảm với một người phụ nữ khác! Rồi bản thân Hoàng đế cũng lao xuống vực thẳm , mặc cho đời trôi nổi...

Phổ Nghi nhìn theo đoàn thanh niên rước ảnh của Mao Chủ tịch diễu hành trên phố

Bernardo Bertolucci là đạo diễn người Ý, ảnh hưởng của Trào lưu Tân hiện thực quá mạnh mẽ nên phim của Bertolucci cũng mang hơi hướng đặc tính của lối làm phim thuộc Trào lưu này. Ông sử dụng nhiều cảnh đặc tả, góc máy đuổi bắt hoặc đón sẵn chờ nhân vật trung tâm xuất hiện. Không tô vẽ hào quang, cốt cách cho nhân vật mà để cho mọi sự tự nhiên được diễn ra...

Khánh Sơn

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM