[Phim hay] Châu Tinh Trì và Tây du Giáng ma thiên

16/03/2013 19:00 PM |

Một bộ phim mới rất đặc sắc, hài hước và cảm động của vua hài Hong Kong Châu Tinh Trì.

Châu Tinh Trì (Stephen Chow) tham gia vào ngành công nghiệp điện ảnh từ rất sớm, cuối thập niên 1980 và nổi đình đám với những bộ phim thuộc thể loại “hài nhảm”. Nhưng cái “hài nhảm” của Châu lại có một dấu ấn rất riêng biệt, khiến người xem nhận ra “chất Châu Tinh Trì” trong phim mà không thể lẫn lộn với bất kỳ một diễn viên, một đạo diễn Hong Kong nào.

Phim của Châu có sự tham gia của rất nhiều tên tuổi nổi tiếng như Lưu Đức Hoa, Củng Lợi, Trương Mạn Ngọc, Chung Lệ Đề, Trương Mẫn, Huỳnh Thánh Y, Triệu Vy, Trương Bá Chi, Mạc Văn Úy... Và đặc biệt những ngôi sao này đều vào vai những nhân vật rất thê thảm. 

Chẳng hạn Lưu Đức Hoa vai anh trai của Châu trong phim Chuyên gia xảo quyệt, hoàn toàn bị “thằng em rơi” dắt mũi, chơi xỏ đến mức mất hình tượng. Hay Triệu Vy lại đảm nhận vai cô gái bán bánh bao có khuôn mặt xấu xí, bốc mùi khiến ruồi bay xung quanh trong Đội bóng Thiếu Lâm, Trương Bá Chi vai cô gái bán hoa chịu đủ tủi nhục từ khách làng chơi, trơ lỳ cảm xúc trong phim Vua hài kịch, cả vai Thu Hương cô nương của Củng Lợi cũng chịu cảnh sưng mặt méo mồm vì bị tay đấm chân đá trong phim Đường Bá Hổ Điểm Thu Hương...

Triệu Vy cũng là một trong những nữ diễn viên đóng cặp với Châu và trở nên vô cùng xấu xí nhờ ý tưởng của Châu (Nguồn ảnh: searchcelebrity.blogspot)

Châu luôn muốn vươn tới cái gọi là “cảnh giới tối cao” trong khả năng, kỹ năng của con người: Đó chính là tuyệt học lý sự, cãi nhau tới tú bà lầu xanh phải bốc hỏa chịu thua, cây cột phải cong, cá tôm phải nhảy lên bờ (phim Quan xẩm xử kiện). Đó chính là Đệ nhất xảo quyệt không ai có thể nhận ra những trò bịp bợm, lừa đảo ở mức xuất quỷ nhập thần (phim Chuyên gia xảo quyệt, Trạng sư xảo quyệt). Đó chính là tuyệt đỉnh kungfu (trong bộ phim cùng tên) khiến cả người tỏa ánh hào quang chói lọi như từ biển lửa niết bàn đi ra, đạp lên chim ưng, nhẹ nhàng đáp xuống, vứt bỏ hết danh lợi.

Năm 2013, một lần nữa Châu đem đến cho người xem “cảnh giới tối cao” của sự giác ngộ - đắc đạo. Đó là lúc bản thân phải trải qua nỗi đau đớn về thể xác và tinh thần mới có thể thấu hiểu nỗi đau của nhân loại, phải vượt qua được những cám dỗ, ngọt ngào và man trá, mới có thể dứt được bụi hồng trần, có như vậy mới phổ độ được chúng sinh, mới cứu vớt được những kẻ lầm than, sai đường ngược lối ở đời.

Đó cũng chính là những sân, si, hỷ, nộ, ái, ố mà Trần Huyền Trang đã trải qua trước khi xuống tóc trở thành cao tăng Đại Đường mà Châu muốn đề cập tới trong Tây Du ngoại truyện.

Thông tin phim:

Tên phim: Journey To The West: Conquering The Demons – Tây Du Ký Mối tình ngoại truyện – Tây Du giáng ma thiên.

Thể loại: Hài, tình cảm, kiếm hiệp, thần thoại.

Ngay từ poster của phim Châu đã để hình tượng Đức Phật và Ác Ma (Tôn Ngộ Không khi chưa ngộ đạo) ở thế đối lập cùng nhìn xuống chúng sinh

Đó là thời gian từ rất lâu, rất lâu trước khi nhà sư Trần Huyền Trang nhìn ra bể khổ nhân gian, trở thành đệ tử của Phật giáo Đại Thừa, ngài phải lòng một cô gái - một cô gái làm nghề bắt quái trừ ma.

Tình cảm đó không được thừa nhận, bị chôn dấu tận cùng và trốn tránh bằng sự thờ ơ lãnh đạm, chỉ đến khi người con gái đó sắp chết đi mới chịu thổ lộ, cho tới khi nàng nhận một đấm của Tôn Ngộ Không hôi phi yên diệt (hóa thành tro bụi) thì Huyền Trang mới thực sự giác ngộ được tình yêu lớn ở đời.

Hai bộ phim mượn đề tài Tây Du Ký trước của Châu (Nguyệt Quang Bảo Hạp, Thiên lý kỳ duyên) mới ra đời không hề được đón nhận như mong đợi. Nhưng một thời gian dài sau lại trở thành một trong những bộ phim được giới trẻ Trung Quốc yêu thích nhất, được chiếu rộng rãi và phổ biến trong các trường đại học. Bởi phim ngoài sự hài hước và “khó hiểu” còn mang theo một tình yêu vượt ngàn dặm đất trời và ngàn năm thời gian. Tình yêu của Tôn Ngộ Không trước khi trở thành đệ tử của Tam Tạng Pháp Sư và sau thành Đấu Chiến Thắng Phật cũng đau đớn chẳng kém tình yêu của Trần Huyền Trang.

Tôn Ngộ Không nghênh đón bàn tay Phật Tổ, một bàn tay mang theo lửa nóng như muốn thiêu hủy hết mọi cái ác và sự ngông cuồng trên đời

Trí tưởng tượng của Châu quả là vô biên giới!

Mọi rào cản xã hội, mọi điều phi lý trong tư tưởng đạo đức của con người, mọi quan niệm đúng sai đều được xé bỏ và lật ngược. Xem phim có lẽ khán giả sẽ nhận thấy bốn nhân vật chính của bộ truyện Tây Du Ký do Ngô Thừa Ân viết đã bị Châu biến đổi hoàn toàn trong các phiên bản Tây Du Ký của Châu.

Một con khỉ đá biết yêu, biết lưu luyến, biết tiếc hận, một tiên nữ dũng cảm gạt bỏ tất cả thiên pháp chờ hàng ngàn năm đợi một nụ hôn tiễn biệt... Và lần này là một Trần Huyền Trang ngây ngô cố gắng trốn tránh những xúc cảm trong “tình kiếp”.

Văn Chương vai Trần Huyền Trang với một mái tóc rối bù và bộ quần áo rách nát

Huyền Trang bị đánh tả tơi vì “dám” múa khiêu gợi

Phong cách làm phim của Châu Tinh Trì vẫn vậy, hài hước, sáng tạo, nhảm nhưng lại rất xúc động. Những điều đó càng ngày càng được thể hiện một cách nhuần nhuyễn, tinh tế và khéo léo trong việc miêu tả nội tâm nhân vật.

Con thủy quái khiến cả làng chài sợ hãi đã từng vì cứu một đứa trẻ mà bị giết chết không thương tiếc. Con yêu quái ra tay sát hại dã man khách qua đường đã từng là một gã đàn ông chung tình, yêu say đắm hết mình, còn con yêu quái điên cuồng hủy diệt tất thảy hư vinh, tình ái của một đời người trong một chớp mắt đã giúp Huyền Trang đắc đạo.

Bên cạnh sự ma quái, liêu trai đó là một thế giới kiếm hiệp với những con người “tài cao chí lớn”, võ công vô địch.

Cách xây dựng hình tượng và tính cách nhân vật trong phim rất đặc sắc và sáng tạo.

Sa Tăng xuất hiện trong bộ dạng hoàn toàn trần truồng, ngơ ngác sợ hãi, bị “bài ca siêu độ” của Huyền Trang làm cho mất bình tĩnh đến mức dồn toàn lực đấm “sư phụ”. Trư Bát Giới ra mắt bằng vẻ ngoài và động tác của một diễn viên kinh kịch với khuôn mặt đẹp trai bóng nhẫy và nụ cười không bao giờ tắt.

Hư Không công tử được khiêng tới từ đám sương mù, bốn “mỹ nữ” trong những bộ váy trắng tung hoa bên cạnh, khuôn mặt bợt bạt, đôi mắt thâm, cứ hễ nói một câu là kèm theo những tiếng ho khụ khụ đến xót thương làm liên tưởng tới một công tử bệnh tật cô đơn ngồi ở ngôi cao trong chốn giang hồ. Thiên tàn cước lão nhân tóc trắng xóa với đôi chân to nhỏ khác nhau như một vị cao thủ thâm trầm, quỷ dị khó đoán. 

La Chí Tường trong vai Hư Không công tử - đi đâu cũng có bốn “mỹ nữ” theo sau

Huỳnh Bột vai Tề Thiên Đại Thánh – kẻ chỉ đánh gãy một cây mía cũng đã làm bàn tay máu chảy đầm đìa

Nhân vật không thể không nói đến là Tôn Ngộ Không lại xuất hiện trong bộ dáng của một tên cà lơ lừa đảo, mê gái, dụ dỗ “sư phụ” gỡ bỏ phong ấn cho hắn. Điệu bộ đắc ý của Ngộ Không lúc hang đá sắp sụp đã cứu vãn được những thất vọng lúc đầu nhân vật này gây ra cho khán giả.

Lối diễn xuất kiểu “kể chuyện hài một cách nghiêm túc” của Châu tạo một hiệu quả gây cười cho khán giả đặc biệt thành công. Từ cái nhìn, động tác, biểu cảm đến câu nói của nhân vật đều toát lên nét hài hước pha trò. Chẳng hạn cảnh Hư Không công tử điều khiển kiếm giao chiến với Tôn Ngộ Không được quay rất lãng mạn, mang màu sắc thần tượng nhưng vẫn gợi lên sự “cố tình ra vẻ” hào hoa phong nhã của nhân vật. Hay cảnh Huyền Trang bị dán rối điều khiển, múa khiêu gợi trước mặt hai gã đàn ông cho thấy rõ sự pha trò của đạo diễn, nhưng rất nhanh cảnh sau đã tạo được kịch tính cho trường đoạn khiến nó không còn trở nên “vô duyên” trong chuỗi phim.

Ngoài ra kỹ xảo và những cảnh đồ họa tuyệt đẹp trong phim sẽ khiến người xem có cảm giác lạc vào thế giới liêu trai với những chi tiết được chăm chút hết sức tỉ mỉ.

Cảnh chiến đấu với thủy quái

Một trong những trường đoạn đẹp nhất phim: Người con gái váy trắng múa hát dưới ánh trăng khiến Huyền Trang mê mải ngắm nhìn

Thư Kỳ vai nữ khu ma nhân (người bắt ma) “Tình kiếp” của Huyền Trang

Thường Ngọc

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM