Philipinnes sẽ "xuất khẩu" người giúp việc sang Nhật?

13/01/2017 15:23 PM | Kinh doanh

Hiện nay Nhật mới có khoảng 2.600 y tá và điều dưỡng viên đến từ các nước Đông Nam Á. Có lý do để hy vọng trong tương lai sẽ có thêm y tá, điều dưỡng nước ngoài đến Nhật và được xã hội Nhật chào đón.

Bên trong một căn hộ kiểu Nhật, cô Maria Del Bago đang học cách cúi chào, lau dọn sàn tatami cũng như sử dụng toilet công nghệ cao. Cô và nhiều người bạn cùng công ty đang ôm mộng đi làm kiếm lương cao.

Nghe có vẻ như cô đang ở Nhật mà thực tế câu chuyện trên lại đang xảy ra tại Manila – Philippines.

Cô Del Bago có học vấn khá tốt. Trước đây cô tốt nghiệp ngành khoa học máy tính, đi làm tại Manila vài năm sau đó cô đi làm quản gia cho một gia đình người Arab. Sau khi về nước, cô lại tiếp tục tìm kiếm cơ hội đi nước ngoài. Mới đây, khi tập đoàn Pasona của Nhật sang tuyển người giúp việc đưa sang Nhật, cô đã đăng ký tham gia và được lựa chọn.

Tập đoàn tổ chức khóa học tiếng Nhật 400 giờ cho những người được lựa chọn. Dự kiến vào mùa xuân năm tới họ sẽ bắt đầu công việc tại Nhật.

“Tôi muốn học nhanh hơn. Tôi tin rằng khóa học sẽ mang đến cho tôi cơ hội trải nghiệm để tránh những cú sốc sau này”, cô Del Bago nói.

Chương trình tuyển dụng người giúp việc mà Pasona đang tổ chức nằm trong nỗ lực của Thủ tướng Shinzo Abe và chính phủ Nhật để giúp giảm thiểu tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng tại Nhật. Thế nhưng khi mà tâm lý người Nhật vẫn không cởi mở với việc đón người nhập cư ồ ạt, chính phủ Nhật đành chọn cách gián tiếp để tiếp cận vấn đề.

Nhiều chuyên gia chỉ trích cách giải quyết tình trạng thiếu lao động của chính phủ Nhật. “Họ đang giải quyết vấn đề rất không đúng cách. Tuy nhiên, vẫn có lý do để tin mọi chuyện sẽ tốt hơn bởi ít nhất họ đang cố gắng tìm giải pháp và thử nghiệm các cách làm khác nhau”, chuyên gia kinh tế trưởng tại Morgan Stanley MUFG, ông Robby Feldman, nhận xét.

Kanagawa là tỉnh đầu tiên tại Nhật đón nhận giúp việc người nước ngoài, sau đó đến Osaka và Tokyo. Tình trạng quá thiếu giúp việc người nước ngoài đã cản trở phụ nữ Nhật rất nhiều trong việc tìm người chia sẻ công việc nhà để đi làm. Lực lượng lao động Nhật được dự báo sẽ ngày càng “teo nhỏ”, đến năm 2060, con số 65 triệu người trong độ tuổi lao động hiện nay dự kiến sẽ giảm khoảng 40%, theo một nghiên cứu mới đây của chính phủ Nhật.

Chủ tịch tập đoàn Pasona trước đây từng giữ chức Bộ trưởng Kinh tế Nhật, ông Heizo Takenaka, khẳng định chương trình “nhập khẩu” người giúp việc vào Nhật là một trong những nỗ lực đầu tiên của chính phủ Nhật trong mục tiêu thu hút thêm người gia nhập thị trường lao động.

Lấy ví dụ Singapore, một nước có tỷ lệ nhập cư cao nhưng tỷ lệ tội phạm rất thấp, ông tin rằng điều tương tự có thể xảy ra tại Nhật bởi Nhật đang mở cửa đón người nhập cư một cách thận trọng chứ không ồ ạt thiếu lựa chọn như Hồng Kông.

Theo quy định của chính sách visa mới áp dụng với riêng một số tỉnh đã bắt đầu đón nhận người giúp việc nước ngoài, người giúp việc cần phải được doanh nghiệp tuyển dụn toàn thời gian cố định, được trả lương tương đương với các đồng nghiệp người Nhật. Thay cho việc sống chung với gia đình nhà chủ, người giúp việc cần có nơi ở riêng và phải nói được tiếng Nhật căn bản.

“Thái độ làm việc cũng quan trọng như kỹ năng. Tôi dạy cho những học viên của tôi giá trị của sự trung thực, phẩm giá và sự lịch sự. Ngoài việc làm chăm chỉ, bạn cũng cần phải rất lịch sự và tử tế. Đã có những học viên bị loại vì thái độ không đúng đắn”, chuyên gia đào tạo tại Magsaysay Global Services, bà Contessa Tadena, chia sẻ.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe từng nói đến việc sẽ tuyển dụng thêm người giúp việc người nước ngoài trong bài phát biểu của ông tại Davos vào tháng 1/2014. Thế nhưng khi mà rào cản pháp lý còn quá nhiều, mất đến 3 năm, chương trình mới có thể thực sự được triển khai.

Ngay cả đến hiện tại, việc khung pháp lý quá chặt chẽ và cứng nhắc vẫn đang cản trở sự phát triển của những nỗ lực tuyển dụng thêm lao động người nước ngoài. Nhà sáng lập của công ty chuyên dịch vụ tuyển dụng người giúp việc nước ngoài, ông Yuki Takahashi, lo lắng: “Nếu quy định không được nới lỏng, chắc chắn những công ty đang tham gia trong ngành sẽ chịu nhiều tổn thất trong kinh doanh. Những người quản gia quốc tịch Nhật đâu có cần bằng cấp để làm việc tại Nhật, tại sao chúng ta không thể làm tương tự với người lao động trong các ngành nghề khác?”

Tại rất nhiều nước/vùng lãnh thổ như Singapore hay Hồng Kông, việc thuê giúp việc nước ngoài đã trở thành điều bình thường nhưng ở Nhật vẫn còn quá hiếm. Chính vì vậy, nhiều phụ nữ Nhật buộc phải từ bỏ sự nghiệp ngay sau khi sinh đứa con thứ nhất. Dù từ khi Thủ tướng Nhật Shinzo Abe lên nắm quyền vào năm 2012, tỷ lệ phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động tăng đáng kể nhưng phần lớn họ vẫn chỉ làm những công việc bán thời gian lương thấp.

Hiện nay, công dân Nhật không được phép tuyển giúp việc người nước ngoài làm giúp việc. Tính đến cuối tháng 6/2016, Nhật mới chỉ có khoảng 1.000 giúp việc nước ngoài, những người này chủ yếu đi theo người nước ngoài đến Nhật làm việc. Trong khi đó, với tổng dân số chỉ chưa bằng nửa dân số Tokyo, Hồng Kông đang có đến 300 nghìn giúp việc nước ngoài.

Trong khoảng thời gian từ năm 2008 đến năm 2015, số lượng người lao động nước ngoài tại Nhật tăng gấp đôi lên con số cao kỷ lục 908 nghìn người thế nhưng phần lớn trong số họ làm việc trong lĩnh vực sản xuất, vốn có rất ít tương tác với người Nhật. Theo nhiều chuyên gia trên thị trường lao động, Nhật không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải mở cửa thị trường dịch vụ, lao động nếu không muốn nền kinh tế đóng băng.

Trong ngành y tại Nhật, đã từng có không ít người lao động nước ngoài đến Nhật thành công với lựa chọn của mình. Một nam y tá người Philippin 31 tuổi, anh John Denmark Pineda, đến Nhật từ năm 2009 và nay đang rất thành công trong công việc của mình tại bệnh viên. Anh nói chuyện với các bệnh nhân lớn tuổi bằng cả tiếng Anh và tiếng Nhật.

Hiện nay Nhật mới có khoảng 2.600 y tá và điều dưỡng viên đến từ các nước Đông Nam Á. Có lý do để hy vọng trong tương lai sẽ có thêm y tá, điều dưỡng nước ngoài đến Nhật và được xã hội Nhật chào đón.

Ngọc Thanh

Cùng chuyên mục
XEM