Pharmacity đặt mục tiêu có 1.000 cửa hàng vào năm 2021

16/11/2020 16:30 PM | Kinh doanh

Pharmacity đang nhắm tới trở thành người dẫn đầu trong thị trường cửa hàng thuốc ở Việt Nam.

Họp tại một resort biển ở Việt Nam vào năm 2018, nhà sáng lập Pharmacity Chris Blank và các đồng nghiệp của mình lên kế hoạch sẽ đánh dấu kỷ niệm 10 năm sắp tới của công ty bằng việc mở cửa hàng thuốc thứ 1.000.

Nếu họ đạt được mục tiêu này trong năm 2021, Pharmacity – chuỗi nhà thuốc lớn nhất Việt Nam sẽ có gần gấp đôi số lượng cửa hàng so với hiện tại. Sau đó, mục tiêu sẽ là 90% người Việt Nam sẽ chỉ cần 10 phút lái xe là ra được nhà thuốc Pharmacity gần nhất.

Chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe đang dự kiến tăng đáng kể nhờ vào tầng lớp trung lưu bùng nổ ở Việt Nam cũng như lo ngại về dịch Covid-19. Khi các cửa hàng thuốc nhỏ điều hành bởi gia đình đang tụt lại phía sau so với những chuỗi mới, Pharmacity đang nhắm tới trở thành người dẫn đầu trong thị trường. Lĩnh vực thuốc trị giá 7 tỷ USD vẫn đang được thống trị bởi gần 57.000 cửa hàng nhỏ lẻ.

"Một dự án kinh doanh sẽ không đáng làm trừ khi bạn trở thành một con voi", theo Blank.

Điểm mấu chốt để mở rộng là trung tâm phân phối mới của Pharmacity – nằm ở phía đông TP Hồ Chí Minh bắt đầu hoạt động vào mùa hè này và một trung tâm khác sắp mở tại Hà Nội. Công ty lên kế hoạch sẽ tổ chức thêm những vòng huy động vốn mới sau khi đã đốt 31,8 triệu USD huy động được vào đầu năm 2020 để đầu tư vào phân phối và nâng số cửa hàng.

Việt Nam là nền kinh tế lớn ở Đông Nam Á – nơi chi tiêu tiêu dùng sẽ tăng vào năm nay, ở mức 3,3%. Phần lớn trong số đó là liên quan tới sức khỏe.

"Về mặt tăng trưởng, chi tiêu cho sức khỏe ở Việt Nam đang tăng vượt bậc trong khu vực. Trong giai đoạn 2020 và 2024, chúng tôi dự kiến chi tiêu cho sức khỏe ở Việt Nam sẽ tăng trung bình 10,9% một năm so với mức 6,2% trung bình toàn châu Á".

Pharmacity không phải là công ty duy nhất nhận thấy tiềm năng này. Tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực chi tiêu sức khỏe của đất nước cũng thu hút những nhà đầu tư nước ngoài như Matsumotokiyoshi – đơn vị đã mở cửa hàng thuốc đầu tiên ở Việt Nam vào tháng 10.

Ngoài ra, thị trường thuốc Việt Nam đang chứng kiến sự nổi lên của những chuỗi cửa hàng nội địa như Long Châu – thuộc sở hữu của FTP và Phano – tập trung vào bán thuốc và vitamin.

Hiện tại, những đối thủ cạnh tranh lớn của Pharmacity gồm 100 cửa hàng của Long Châu, 90 cửa hàng của Medicare và 60 cửa hàng của Phano. Tuy nhiên, các siêu thị và cửa hàng tiện lợi cũng đã tham gia vào thị trường. VinMart+ là một ví dụ, cửa hàng này có quầy thuốc VinFa.

"Chúng tôi có lợi thế là người đi đầu", theo nhà sáng lập Blank. Công ty cũng sử dụng quy mô kinh tế để chọn nguồn sản phẩm và thu thập dữ liệu 3,5 triệu người trong chương trình điểm thưởng.

"Một lợi thế lớn với một vài chuỗi là có hệ thống quản lý dữ liệu người dùng tốt", theo một tư vấn viên. Cô này nói rằng các nhà thuốc có thể sử dụng dữ liệu để tiếp cận khách hàng, từ đó tạo ra doanh thu.

Tháng 4, Việt Nam đã phong tỏa đất nước để chiến đấu với dịch Covid-19. Điều này khiến các doanh nghiệp nói chung và Pharmacity nói riêng phải giảm chi tiêu. Khi được hỏi liệu điều đó có buộc Pharmacity phải nghĩ lại về mục tiêu 1.000 cửa hàng trong năm 2021 không, Blank phủ nhận và bày tỏ sự lạc quan: "Tương lai thật sự sáng sủa với 500 cửa hàng mới sắp tới của công ty".

Phương Linh

Từ khóa:  pharmacity
Cùng chuyên mục
XEM