Vụ thế chấp lăng mộ: Vietinbank không thẩm định, không biết lăng mộ là sai

26/04/2013 11:50 AM | Pháp luật

Thẩm định tài sản thế chấp là một nghiệp vụ bắt buộc của ngân hàng trước khi quyết định cho khách hàng vay tiền. Trường hợp cán bộ ngân hàng không đi thẩm định mà vẫn cho vay là sai quy trình nghiệp vụ.

Liên quan đến vụ việc gia đình ông Vũ Hồng Khánh khiếu nại Ngân hàng Vietinbank Chi nhánh Lê Chân - Hải Phòng đòi siết nợ khu lăng mộ của gia đình ông mà trước đó con trai ông Khánh là Vũ Đức Hòa đã mang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đi thế chấp, PV Báo Đất Việt đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Thanh Điệp, Văn phòng Luật sư Khang Dân (Đoàn luật sư Hải Phòng) về vụ việc này.

"Khi khách hàng có nhu cầu vay tiền thì phải có phương án vay và tài sản thế chấp. Sau khi nhận hồ sơ, cán bộ tín dụng của ngân hàng sẽ đi thẩm tra xem tài sản đó có thật hay không, nằm ở đâu và đánh giá xem tài sản đó trị giá bao nhiêu tiền. Trên cơ sở đánh giá giá trị tài sản và căn cứ vào mức khách hàng muốn vay, ngân hàng sẽ cân đối và thường chỉ cho vay tối đa 70 - 75% giá trị tài sản để đảm bảo khi có vấn đề xảy ra thì ngân hàng còn bán tài sản đó.

Vì vậy, trước khi quyết định cho khách hàng vay tiền thì khâu thẩm định tài sản thế chấp là một trong các bước nghiệp vụ bắt buộc của ngân hàng. Phải có biên bản thẩm định giá thì ngân hàng mới giải ngân. Trường hợp cán bộ ngân hàng không đi thẩm định mà vẫn có biên bản, vẫn cho vay là sai quy trình nghiệp vụ. Do đó tùy theo mức độ và tính chất của sai phạm có thể xử lý kỷ luật sa thải, xử lý hình sự đối với cán bộ ngân hàng.

Còn đối với ngân hàng phải gánh chịu rủi ro đối với khoản tiền đã giải ngân và tài sản thế chấp chưa được thẩm định (Do tài sản thế chấp không tồn tại hoặc có giá trị thấp hơn món vay...)

Thực tế khi thế chấp tài sản là quyền sử dụng đất và sở hữu nhà thì ngân hàng chỉ cầm giấy tờ bản chính còn tài sản thì người thế chấp và bảo lãnh vẫn tiếp tục quản lý sử dụng, được thu hoa lợi, lợi tức từ tài sản đó. Có nghĩa vụ bảo quản và phát triển tài sản đó (có thể được xây dựng thêm hoặc sửa chữa tài sản cầm cố thế chấp nếu có sự đồng ý của Ngân hàng)" - Luật sư Điệp cho biết.

Cũng theo Luật sư Điệp, hiện nay Pháp luật không có điều nào cụ thể cấm thế chấp lăng mộ. Tuy nhiên,  pháp luật có quy định các nguyên tắc mà nếu người nào cố tình thực hiện sẽ dẫn đến giao dịch vô hiệu như: trái đạo đức xã hội, vi phạm thuần phong mỹ tục....

"Đối với vụ việc của gia đình ông Khánh và Ngân hàng Vietinbank chi nhánh Lê Chân - Hải Phòng, theo ý kiến cá nhân tôi thì cần phải làm rõ vấn đề: Cán bộ tín dụng ngân hàng có đi thẩm định tài sản hay không?

Vì trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông Vũ Đức Hòa thì là tài sản của ông Hòa. Ông Hòa có thể mang đi thế chấp hay bán là quyền của ông ấy, ông Khánh (bố ông Hòa) không có quyền can thiệp. Và trong trường hợp đó, Ngân hàng Vietinbank nhận thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là đúng. Còn nếu sai là ở khâu thẩm định và khi đó cán bộ tín dụng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm như tôi đã phân tích ở trên" - Luật sư Điệp cho biết.

Đồng ý với ý kiến của Luật sư Điệp, Luật sư Nguyễn Văn Tú, Giám đốc Công ty luật Fanci cho biết: "Theo đánh giá của tôi, cái sai của Ngân hàng trong trường hợp này cũng giống như vô vàn vụ sai khác. Chuyện nhận tài sản thế chấp là sổ đỏ là đúng, nhưng nếu nhận thế chấp mà lại không đi thẩm định thì hoàn toàn sai. Đây là sự tắc trách của cán bộ tín dụng, vì vậy cần phải xác minh chính xác xem Ngân hàng có đi thẩm định hay không. Không đi thẩm định mà nhận thế chấp là vi phạm quy tắc của ngân hàng và cán bộ tín dụng phải chịu trách nhiệm.

Vào tháng 9/2012, ông Vũ Đức Hòa (con trai trưởng của ông Vũ Hồng Khánh) đã ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng Vietinbank cho nhánh Lê Chân - Hải Phòng vay 990 triệu đồng cho Công ty Hoàng Đại. Sau đó, tổng số nợ gốc và lãi vay đã phát sinh lên hơn 1 tỷ đồng.

Đến ngày 10/4/2013 là hạn cuối cùng để trả nợ, nhưng ông Hòa đã “biến mất” không rõ lý do. Do đó, ngân hàng đã khởi kiện doanh nghiệp này để tiến hành thủ tục xử lý tài sản đảm bảo, thu hồi khoản nợ xấu.

Tuy nhiên, trong hợp đồng ký với ngân hàng Vietinbank, ông Hòa đã thế chấp cho ngân hàng mảnh đất rộng 350,2m2 tại Khu dân cư số 2, phường Quán Trữ, quận Kiến An, Hải Phòng cũng chính là khu lăng mộ bằng đá mà gia đình ông Khánh đã xây dựng.

“Mặc dù tôi đã trao quyền sử dụng đất cho anh Hoà từ năm 2004 để anh ấy có trách nhiệm với nơi thờ tự của gia đình nhưng anh ấy lại mang đi thế chấp. Đã vậy, khi nhận thế chấp, Ngân hàng Vietinbank chi nhánh Lê Chân - Hải Phòng lại không hề đến thẩm định, kiểm tra một lần nào cả. Trong khi đó, tôi xây dựng lăng mộ này từ những năm 1999 - 2001, trước thời điểm mà con tôi mang giấy tờ đi thế chấp ngân hàng” - Ông Vũ Hồng Khánh cho biết.


Theo Duyên Duyên

thuyntt

Cùng chuyên mục
XEM