Thi công chức: Không phải cứ học nước ngoài là giỏi

14/05/2015 09:40 AM | Pháp luật

Người đi học nước ngoài không nhất thiết phải giỏi, chỉ cần có tiền là đi học được, ngoài ra, bằng cấp ở một số nước cũng cần xem xét kỹ.

Không ít người trước khi nộp hồ sơ thi công chức đều đã ngấm hoặc đã từng nghe về sức mạnh khó vượt nổi của bốn chữ C là:  “con cháu các cụ” hay thứ tự ưu tiên, tiền tệ trước trí tuệ. Đã từng có những người dần mất niềm tin, đã từng có những đề xuất phải minh bạch, quy trách nhiệm cá nhân rõ ràng của những người tổ chức thi.

Thế nhưng, quả thực, trước mỗi kỳ thi tuyển công chức, những nỗi băn khoăn, những nỗi lo quay trở lại. Chủ đề này chúng tôi muốn đề cập trong câu chuyện thời sự hôm nay. Khách mời của chương trình là  Tiến sĩ Đinh Văn Minh, Phó viện trưởng Viện khoa học thanh tra - Thanh tra Chính phủ.

- Phiên họp lần thứ 39 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội đang diễn ra, có một thông tin khiến nhiều người rất chú ý, đó là việc ông Nguyễn Đình Quyền -  Phó chủ nhiệm Ủy ban tư pháp cho biết: ông  chấm thi chuyên viên cao cấp 5 năm nay nhưng chất lượng bài rất kém. Toàn cấp vụ trưởng, giám đốc sở mà thi vấn đáp không nắm được các nội dung quản lý nhà nước của ngành mình, làm bài nguệch ngoạc vài câu… Thưa ông Đinh Văn Minh, phải chăng những câu chuyện vừa dẫn chiếu là hậu quả của việc thi tuyển công chức theo kiểu thi chỉ để mà thi?

TS Đinh Văn Minh: Thực sự tôi không quá ngạc nhiên về nhận xét của ông Quyền. Cá nhân tôi cũng có nhiều dịp để tham gia vào việc chấm thi, thi nâng ngạch… thì hiện trạng những bài làm, bài viết của các cán bộ, công chức lãnh đạo ở các cấp khác nhau không thể hiện được năng lực xứng đáng vị trí đó. Đây là chuyện khá phổ biến chứ không phải ít.

Chuyện này có liên quan đến đầu vào, phải chăng chúng ta làm không tốt nên hậu quả chúng ta có những cán bộ, thậm chí là cán bộ lãnh đạo các vị trí khác nhau mà không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Trong khi những vị trí đó lại có tác động rất lớn đến quá trình xây dựng và thực hiện chính sách, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Theo tôi, đây chỉ là một phần thôi, vì chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là lãnh đạo, liên quan đến một loạt vấn đề thuộc công tác cán bộ, trong đó có việc thi tuyển.

Chúng ta có thể hình dung: Muốn có một trái ngọt, trái thơm chất lượng tốt thì bắt nguồn từ nhiều khâu (khâu giống, chăm bón, thời tiết…). Tôi cũng nhắc lại là chuyện đầu vào ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ cán bộ công chức hiện nay, nhất là đội ngũ lãnh đạo, việc thi tuyển không thể hiện được năng lực của mình cũng là một phần khá quan trọng.

- Thưa ông, việc một số thạc sĩ giỏi trượt kì thi sát hạch công chức ở Hà Nội vẫn đang gây ồn ào dư luận. Ông lý giải thế nào về chuyện này?

TS Đinh Văn Minh: Hiện nay có rất nhiều ồn ào qua chuyện này, phía dư luận cho rằng việc này là không bình thường. Ngược lại, phía cơ quan tổ chức thi lại coi là bình thường.

Theo tôi là mọi người vẫn nhìn ở phía ngoài câu chuyện, chúng ta phải nhìn nhiều khía cạnh một chút. Ví dụ, khái niệm người giỏi được đào tạo bài bản ở nước ngoài. Khái niệm này cũng không rõ lắm đâu, vì việc đi học ở nước ngoài hiện nay không khó khăn như trước kia. Trước kia những người giỏi đi học nước ngoài bằng tiền ngân sách hoặc bằng sự hỗ trợ của nước bạn. Nhưng bây giờ, người đi học nước ngoài không nhất thiết phải giỏi, chỉ cần có tiền là đi học nước ngoài.

Thứ hai, việc đi học nước ngoài thì bằng cấp ở các nước chúng ta phải rất cẩn thận. Vì cũng có nhiều nước, đặc biệt khu vực châu Âu đã chuẩn hóa nên bằng cấp bảo đảm, nhưng có nhiều nước các trường rất khác nhau, thậm chí ngay Mỹ có những trường rất danh giá, chất lượng, nhưng có những trường không phải là không có chuyện, chất lượng thì vừa phải . Cho nên, bằng giỏi ở nước ngoài thì cũng phải xem lại giỏi ở nước nào, như thế nào.

Và cái thứ ba nữa là, ngay cả bằng nước ngoài chúng ta dịch ra từ tiếng Tây sang tiếng Việt nhiều khi cũng không kiểm soát được, cho nên là bằng khá, giỏi, ưu tú… cũng phải tùy trường hợp cụ thể.

Chúng ta phải rất khách quan để công bằng chứ không phải cứ tốt nghiệp ở nước ngoài là giỏi.

Về phía tuyển thì với thi tuyển hiện nay thì kể cả người giỏi thật ở nước ngoài thi cũng khó. Vì cách thi của chúng ta phân biệt bây giờ thi đầu vào khác. Các em chưa thể có kinh nghiệm công việc… thì phải thi khác chứ không thể đòi hỏi họ phải biết những việc mà họ chưa từng làm. Khi họ vào cơ quan rồi thì còn có thời gian thực tập. Còn nếu thi vào vị trí lãnh đạo thì thi kiểu khác. Hiện nay chúng ta thi đầu vào các vị trí lãnh đạo cũng có khi người giỏi cũng trượt.

- Như vậy, chúng ta cần phải nhìn nhận lại bằng cấp từ ở nước ngoài, thưa ông?

TS Đinh Văn Minh: Đúng là như vậy. Chúng ta phải rõ rang từng trường hợp cụ thể. Trong câu chuyện này, tôi thấy rằng vai trò của ngành giáo dục rất quan trọng, phải đưa ra được hệ thống các trường được thừa nhận ở Việt Nam, bằng tương đương… Vì không phải bất cứ trường nào trên thế giới bằng cấp cũng bảo đảm. Trách nhiệm của Bộ GD là mỗi khi có bằng cấp nước ngoài thì phải có sự đánh giá, thừa nhận ở Việt Nam thì lúc đó mới yên tâm đấy là bằng thật, bằng giả.

- Liên quan đến kỳ thi này thì có ý kiến phản ánh có những câu hỏi không năm trong nội dung ôn tập mà Hội đồng sát hạch công bố trước đó cùng nhiều thiếu sót khác. Ý kiến của ông về vấn đề này?

TS Đinh Văn Minh: Theo tôi hiểu và theo tôi nghĩ thì chắc chắn ở các nơi khi đã tổ chức thi thì bao giờ cũng cố gắng thực hiện theo các qui trình vì chúng ta đều biết các cơ quan Nhà nước cũng nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng và tính chất phức tạp của các kỳ thi. Cho nên các vấn đề về thủ tục, qui trình họ phải cố gắng làm. Tuy nhiên, trong quá trình đó tôi nghĩ cũng có thể xảy ra những sai sót, không chính xác như mong muốn. Tôi nghĩ đó là chuyện dễ xảy ra mà không kiểm soát hết được. Các thông tin đó, theo tôi, các cơ quan Nhà nước không khó khăn trong việc xác định lại là thực hư thế nào.

Chất lượng, cách hỏi, tính công khai, minh bạch, sự bình đẳng trong thi cử… tôi nghĩ chúng ta cũng cần xem lại. Vì với qui trình hiện nay thì tính công khai, minh bạch chưa thật sự được bảo đảm. Các ban bệ, qui trình đều có cả nhưng sự công khai, minh bạch làm sao đấy để người dân hoặc xã hội, cơ quan chức năng có thể kiểm soát được tính khách quan, công bằng của kỳ thi thì đang có vấn đề.

Còn các câu hỏi, như tôi nói, nhiều khi chỉ là học thuộc lòng, dẫn đến câu chuyện khó đánh giá năng lực thực sự vì câu trả lời sẽ giống nhau, nguy cơ quay bài… Nên cách thi phải khác vì cách thi hiện nay rất có nguy cơ tiêu cực, vi phạm có thể xảy ra.

- Nếu như so sánh với cách thức thi tuyển công chức ở các nước và thực tiễn ở Việt Nam, liệu chúng ta có thể xây dựng một quy trình nào công bằng, khoa học, có tính khả thi và đánh giá đúng thực chất năng lực người tài hơn không, thưa ông?

TS Đinh Văn Minh: Tôi nghĩ là có. Thế giới làm được thì không có lý gì chúng ta không làm được, mặc dù mỗi nước có những điều kiện, hoàn cảnh khác nhau. Trước hết, chúng ta phải có qui trình hoàn chỉnh. Cần xem lại qui trình hiện nay có gì chưa hợp lý thì chỉnh sửa. Thứ hai, phải xây dựng việc đánh giá khách quan, có nghĩa là làm sao khi hệ thống câu hỏi như vậy thì câu trả lời của thí sinh phải đánh giá được khả năng, năng lực đến đâu. Điều quan trọng nữa là đảm bảo công khai, minh bạch trong quá trình thi, đặc biệt làm được cái đó thì phải có sự kiểm soát. Chúng ta cần tạo điều kiện để công luận, báo chí giám sát thì rất tốt.

Mặc dù việc đó rất khó khăn, nhưng bây giờ các kỳ thi chúng ta đặt camera thì cho báo chí vào quan sát, tất nhiên phải đảm bảo không để ồn ào, ảnh hưởng đến trường thi, thì sự giám sát từ bên ngoài rất quan trọng. Còn như hiện nay, chúng ta cũng làm hợp lệ nhưng vẫn là “quân ta với quân mình” nên nhiều khi nhiều thứ tế nhị, khó khăn. Cho nên, đã là giám sát thì phải từ bên ngoài và tăng cường thêm tính trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong quá trình thực thi.

>> Chính phủ chi gần 500 tỷ đồng giữ đất lúa

Cùng chuyên mục
XEM