Thành lập công ty tư vấn: Khi nào, như thế nào?

14/12/2015 08:23 AM | Pháp luật

Nếu bạn muốn mở một công ty không đòi hỏi quá nhiều vốn đầu tư ban đầu, nếu bạn có khả năng giúp các doanh nghiệp khác giải quyết những vấn đề của họ thì bạn có thể nghĩ đến việc thành lập một công ty tư vấn.

Nhưng những công việc thực sự của một công ty tư vấn là gì? Và cần làm gì để thành lập nên một công ty tư vấn? Business Know-How có một số gợi ý hữu ích sau đây:

Công ty tư vấn thường làm gì?

Các công ty tư vấn thường được các công ty/tổ chức thuê để:

- Xác định các vấn đề: Đôi khi nhân viên của chính công ty/tổ chức đó đã “sống chung với lũ” quá lâu nên không thể nhìn nhận được vấn đề mình đang mắc phải cũng như giải pháp để giải quyết vấn đề đó.

- Hỗ trợ tạm thời: Nhiều công ty thuê công ty tư vấn để hỗ trợ họ trong một quãng thời gian nhất định thay vì tuyển dụng nhân viên chính thức (việc này có thể tốn nhiều chi phí hơn).

- Mang lại sức sống mới cho một công ty/tổ chức: Công ty tư vấn cũng thường là lựa chọn phù hợp giúp thổi một làn gió mới vào môi trường làm việc của những công ty/tổ chức đã đi vào lối mòn sau một thời gian dài hoạt động.

- Truyền đạt một kỹ năng mới: Đây thường là chức năng chính của các công ty tư vấn lĩnh vực công nghệ. Khách hàng thường nhờ họ hướng dẫn cách thức sử dụng các trang thiết bị mới hoặc các tiện ích công nghệ hiện đại.

Công việc đa dạng đòi hỏi một chuyên gia tư vấn cần phải sở hữu những kỹ năng cần thiết sau đây:

- Lắng nghe: Khi khách hàng nói, nhà tư vấn sẽ lắng nghe. Việc tập trung tối đa vào các vấn đề của khách hàng mới có thể giúp họ tìm ra giải pháp hợp lý.

- Nghiên cứu: Một chuyên gia tư vấn giỏi phải có kỹ năng nghiên cứu tốt để tìm ra những dữ liệu cần thiết nhằm đáp ứng mục tiêu của khách hàng.

- Hành động: Hành động hợp lý hoặc đôi khi phải chấp nhận liều lĩnh để hoàn thành nhiệm vụ là trách nhiệm của nhà tư vấn.

Tại sao bạn nên trở thành một chuyên gia tư vấn?

Mặc dù tiền bạc thường là yếu tố quan trọng khiến một người muốn trở thành nhà tư vấn, tuy nhiên, vẫn còn một số lý do khác như:

- Được làm việc cho chính mình: Nếu bạn có ước mơ được trở thành ông/bà chủ của chính mình thì trở thành chuyên gia tư vấn là lựa chọn phù hợp, vì với nghề này, bạn chỉ phải chịu trách nhiệm cho sự nghiệp của chính mình chứ không phải của bất kỳ ai khác.

- Bạn sở hữu tài năng giúp hái ra tiền: Bạn là một “chuyên gia” kêu gọi tài trợ, một “phù thủy” máy tính hoặc một bậc thầy marketing? Chỉ cần nhận ra tài năng đặc biệt của mình, bạn sẽ tìm được khách hàng sẵn sàng chi tiền để được bạn tư vấn.

- Bạn tin rằng mình có khả năng tạo ra sự khác biệt: Nhiều người trở thành chuyên gia tư vấn vì thể hiện được sự xuất sắc trong một lĩnh vực cụ thể hơn bất kỳ ai khác trong lĩnh vực đó và luôn tạo ra sự khác biệt, dù là trong một tổ chức kinh doanh hay tổ chức phi lợi nhuận.

Các bước để thành lập công ty tư vấn

- Đánh giá và lựa chọn kỹ năng, sở trường của mình: Để gắn bó với sự nghiệp tư vấn, bạn phải nhận thức rõ về thế mạnh lẫn điểm yếu của mình một cách trung thực. Đặc biệt, đừng bao giờ chọn một chuyên môn tư vấn chỉ vì nó đang “hot” trên thị trường, mà phải chọn đúng lĩnh vực mà bạn có thể tạo ra sự khác biệt.

- Nghiên cứu sâu về lĩnh vực mà mình sẽ tư vấn: Nếu muốn trở thành một chuyên gia tư vấn về máy tính, hãy nghiên cứu cẩn thận tất cả mọi thứ về lĩnh vực máy tính. Ai sẽ sử dụng dịch vụ tư vấn máy tính? Việc tư vấn sẽ mang lại khoảng bao nhiêu tiền? Lĩnh vực này có dễ tìm kiếm khách hàng?...

- Xác định khách hàng mục tiêu: Dù hoạt động trong lĩnh vực nào, bạn cũng phải xác định rõ khách hàng mục tiêu ngay từ đầu. Ví dụ, họ là những công ty/tập đoàn lớn hay các tổ chức phi lợi nhuận, hay chỉ là khách hàng cá nhân?

- Thành lập công ty: Sau khi bạn tin rằng mình đã sẵn sàng, bước cuối cùng cần phải thực hiện là nhanh chóng hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết. Đừng xem nhẹ bước này, dù là khi bạn chọn cách đơn giản nhất là làm việc trong chính ngôi nhà mình.

10 lĩnh vực tư vấn tiềm năng

- Kế toán: Mỗi doanh nghiệp đều cần có một đội ngũ kế toán giỏi. Vì thế, nhu cầu tư vấn trong lĩnh vực này rất lớn.

- Quảng cáo: Giá quảng cáo ngày càng đắt đỏ nên nhiều công ty mong muốn có thể đầu tư tiền sao cho hiệu quả nhất trong việc quảng bá thương hiệu/sản phẩm/dịch vụ.

- Hướng nghiệp: Nhu cầu tư vấn hướng nghiệp nảy sinh từ thực trạng ngày càng nhiều nhân viên bị sa thải vì nhiều doanh nghiệp muốn thu hẹp quy mô hoạt động.

- Máy tính: Từ phần mềm đến phần cứng và rất nhiều kiến thức/kỹ năng khác có liên quan đến máy tính là nhu cầu của rất nhiều công ty/tổ chức. Nếu là bậc thầy trong lĩnh vực này, bạn sẽ không cần phải lo lắng nhiều đến việc tìm kiếm khách hàng.

- Tìm kiếm nhân sự cấp cao: Mặc dù xu hướng hiện nay là tinh giản bộ máy quản lý, các công ty tư vấn về “săn đầu người” vẫn luôn ăn nên làm ra.

- Nguồn nhân lực: Miễn là doanh nghiệp/tổ chức còn gặp vấn đề về con người, lĩnh vực tư vấn này sẽ còn được săn đón.

- Quan hệ công chúng (PR): Gần như doanh nghiệp nào cũng có nhu cầu xây dựng quan hệ hợp tác tốt với các cơ quan truyền thông, báo chí.

- Quản lý: Nếu bạn có khả năng giúp một doanh nghiệp quản lý việc kinh doanh và giải quyết các vấn đề khó khăn của họ, họ sẽ tìm mọi cách để có được sự tư vấn của bạn.

- Bảo hiểm: Mọi công ty đều cần mua bảo hiểm, và nếu đây là chuyên môn của bạn, hãy tận dụng nó.

- Giáo dục: Lĩnh vực này luôn có nhu cầu khá lớn, chẳng hạn như nhiều bậc phụ huynh muốn được tư vấn để tìm học bổng phù hợp cho con em hoặc các trường học cũng muốn được tư vấn để cắt giảm chi phí hợp lý.

Theo BÍCH TRÂM

Cùng chuyên mục
XEM