Quyền sở hữu trí tuệ: Thay đổi thói quen “xài đồ chùa”

19/05/2015 08:53 AM | Pháp luật

Việc Đà Nẵng lần đầu tiên xử lý vụ kiện vi phạm bản quyền ảnh là thông điệp rất mạnh mẽ đến các DN và người dân về việc tôn trọng bản quyền của tác giả.

Bức xúc vì một DN trên địa bàn TP Đà Nẵng ngang nhiên sử dụng ảnh của mình phục vụ cho việc kinh doanh, cho rằng việc làm này của DN vi phạm bản quyền, ảnh hưởng giá trị của bức ảnh nên một cá nhân đã đưa sự việc ra Tòa án để đòi quyền lợi.

Hội đồng xét xử tuyên buộc Cty TNHH MTV tư vấn giải pháp CNTT Toàn Cầu Xanh (trụ sở tại Đà Nẵng) phải bồi thường 14 triệu đồng cho ông Mạc Bảo Khánh vì đã “vi phạm quyền tác giả đối với tác phẩm nhiếp ảnh”.

“Của Ceasar trả về Ceasar”

Ngày 12/5, Tòa án nhân dân quận Hải Châu, TP Đà Nẵng mở phiên Tòa sơ thẩm, xét xử công khai vụ án dân sự về việc ông Mạc Bảo Khánh (trú tại đường Ông Ích Khiêm, Đà Nẵng) kiện Cty TNHH một thành viên tư vấn giải pháp CNTT Toàn Cầu Xanh (trụ sở tại quận Hải Châu, Đà Nẵng) vì đã “Vi phạm bản quyền tác giả đối với bức ảnh của ông Khánh”.

Giải trình tại phiên tòa, ông Mạc Thanh Sơn (đại diện hợp pháp của ông Khánh) cho biết, ngày 20/7/2014 ông Khánh phát hiện Cty Toàn Cầu Xanh sử dụng ảnh có chữ ký chìm của mình và tự ý đổi tên “Đà Nẵng hướng đến tương lai” thành “Đà Nẵng và những cây cầu” đăng trên website: http://m.wifi.danang.gov.vn quảng bá cho dự án “Cổng thông tin điện tử TP Đà Nẵng”.

Sau đó, ông Khánh chủ động đến Cty Toàn Cầu Xanh liên hệ với ông Lê Trí Hải (Giám đốc Cty) để làm việc nhưng không gặp ông Hải. Đến ngày 1/8/2014, Cty Toàn Cầu Xanh đã gỡ bỏ bức ảnh của ông Khánh  xuống khỏi website.

Cũng trong ngày này ông Nguyễn Hồng Bích (người tự xưng là đại diện hợp pháp của Cty Toàn Cầu Xanh) liên lạc với ông Khánh để gặp và làm việc. Tại đây, ông Bích thừa nhân Cty Toàn Cầu Xanh đã vi phạm bản quyền tác giả đối với tác phẩm của ông Khánh và hẹn sẽ thỏa thuận giải quyết sự việc. Tại buổi làm việc, hai bên không thống nhất điều kiện thương lượng và phương án bồi thường nên ông Khánh đã nộp đơn khởi kiện ra tòa án quận Hải Châu.

Sau khi tiếp nhận đơn, Tòa án quận Hải Châu đã triệu tập các bên liên quan và tổ chức 2 buổi hòa giải nhưng không mang lại kết quả. Lý do là ông Khánh yêu cầu bồi thường 25 triệu đồng/bức ảnh nhưng không được Cty Toàn Cầu Xanh đồng ý.

Ngày 9/3, TAND quận Hải Châu thành lập Hội đồng thẩm định, thống nhất giá trị bức ảnh là 20 triệu đồng. Cuối tháng 3, tòa án tổ chức buổi hòa giải thứ 3 nhưng vụ việc không được giải quyết. Cty Toàn Cầu Xanh cho rằng kết quả của Hội đồng thẩm định bao gồm Hội nhiếp ảnh gia Đà Nẵng, Bảo tàng mỹ thuật Đà Nẵng, Sở Văn hóa thể thao và du lịch, Sở Khoa học và công nghệ, phòng Tài chính quận Hải Châu là không có cơ sở.

Tại phiên xử sơ thẩm, TAND quận Hải Châu xác định nguyên đơn Khánh là chủ sở hữu hợp pháp của bức ảnh "Đà Nẵng hướng đến tương lai". Cty Toàn Cầu Xanh đã sử dụng trái phép bức ảnh này cho mục đích thương mại, vi phạm quyền sở hữu của tác giả. Tòa cho rằng mức yêu cầu bồi thường là cao so với thực tế nên buộc Cty Toàn Cầu Xanh trả cho ông Khánh 14 triệu đồng (70% so giá trị được Hội đồng định giá đưa ra).

Thông điệp về tôn trọng bản quyền

Việc Đà Nẵng lần đầu tiên xử lý vụ kiện vi phạm bản quyền ảnh là thông điệp rất mạnh mẽ đến các DN và người dân về việc tôn trọng bản quyền của tác giả.

Mặc dù Luật Sở Hữu Trí Tuệ với đầy đủ các quy định, biện pháp, chế tài đã được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/7/2006, bên cạnh đó Việt Nam cũng đã ký và tham gia công ước Berne về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ từ ngày 26/7/2004, tuy nhiên, trên thực tế việc thực thi các bộ luật và công ước này ở Việt Nam vẫn còn hạn chế, quyền của tác giả đối với tác phẩm nghệ thuật nói chung và nhiếp ảnh nói riêng vẫn còn bị xem nhẹ.

Vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đã quá phổ biến và dường như đã trở thành một thói quen. Tuy nhiên, việc dắt nhau ra hầu tòa dường như rất ít xảy ra, có chăng là các đơn vị liên quan trình bày bức xúc của mình trên măt báo: Có thể kể đến một số trường hợp điển hình như  Cty TNHH Lịch xuân Phương Nam đã khiếu nại về việc Cty CP Truyền thông Khang (quận Tân Bình, TP HCM) tự ý sử dụng nhiều bức tranh của họ mà không xin phép hay việc nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) hội viên nhiếp ảnh ở Đồng Tháp đã rất bức xúc khi bị Cty Truyền thông Saycheese sử dụng ảnh… “chùa” trong cuốn brochure “Đồng Tháp, tiềm năng và cơ hội đầu tư” thực hiện năm 2011.

Trong khi đó, nhìn ra thế giới, việc các bên liên quan đưa nhau ra tòa vì sử dụng ảnh không phép rất phổ biến và nhiều đơn vị sử dụng ảnh không phép đã chịu mức phạt rất cao. Nhiếp ảnh gia Colorado Louis Psihoyos từng hai lần đã kiện Apple vào năm 2007 và 2009 vì đã vi phạm bản quyền tấm ảnh “1000TV” miêu tả hình ảnh một ngân hàng rộng lớn và xung quanh nó là cảnh nhiều người đang ngồi trong những góc tối.

Apple đã sử dụng trên kênh tuyền hình iTV với nội dung hướng dẫn sử dụng iPhone. Bức ảnh này cũng đã xuất hiện trên chương trình Future is TV-shaped, Says Intel trên đài BBC vào cuối tháng 9 dù chưa từng được Psihoyos đồng ý cho sử dụng.

Kết thúc vụ việc, Psihoyos được bồi thường 2 triệu USD. Mới đây nhất, hãng này cũng bị Sabine Liewald, một nhiếp ảnh gia Thụy Sĩ vừa đâm đơn kiện vì đã sử dụng bức ảnh nghệ thuật chụp một con mắt được trang điểm cầu kì để quảng cáo cho dòng sản phẩm MacBook mới của hãng mà không xin phép.

Trở lại việc Đà Nẵng lần đầu tiên xử lý vụ kiện vi phạm bản quyền ảnh, có thể nói đây là tín hiệu tích cực của cơ quan chức năng trong việc vận dụng toàn bộ những biện pháp có thể để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền, đồng thời truyền tải thông điệp rất mạnh mẽ đến người dân và DN về việc chúng ta cần sống và làm việc theo pháp luật, tôn trọng bản quyền của tác giả, đặc biệt việc sử dụng nhiều ảnh “chùa” trong các hoạt động quảng bá kinh doanh và truyền thông của DN hiện nay.

Theo Nguyễn Phước

Cùng chuyên mục
XEM