Những văn bản hài hước chỉ có ở Việt Nam: Nuôi heo thì nước thải phải uống được

22/12/2015 13:46 PM | Pháp luật

Một trại heo 10.000 con thì phải đáp ứng chất lượng nước thải đạt loại A, tức tương đương nước uống bình thường. Đây là một trong những quy định trong một thông tư của Bộ Tài nguyên Môi trường.

Tại hội thảo khởi động Cuộc bình chọn các quy định pháp luật tốt nhất và tồi nhất sáng 22/12, một số quy định pháp luật mà nhiều hiệp hội doanh nghiệp thời gian qua đã phản ứng gay gắt, bao gồm:

Kinh doanh ngành in phải tốt nghiệp cao đẳng ngành in

Nghị định 60/2014/NĐ-CP quy định, người đứng đầu cơ sở in phải tốt nghiệp cao đẳng ngành in. Trong khi đó, 3.000 doanh nghiệp ngành in hiện tại có người đứng đầu không có bằng cấp như quy định, và đang phát triển rất tốt.

“Có ông tiến sỹ ngành in chỉ kinh doanh một doanh nghiệp bé cũng thua lỗ, nhưng cũng có ông chủ doanh nghiệp đạt doanh số vài ngàn tỷ nhưng bằng cấp không có”, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp lý của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết.

Để gọi là tạo điều kiện cho doanh nghiệp, Bộ đã bỏ quy định bằng cấp, thay bằng việc yêu cầu học một khóa học chuyên ngành ngắn hạn, 3 ngày, học phí 5 triệu đồng.

1 doanh nghiệp chỉ được đăng ký 1 dạng hợp chất

Năm 2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành một thông tư quy định mỗi tổ chức, cá nhân chỉ đăng ký 1 dạng hợp chất bảo vệ thực vật.

Doanh nghiệp cho rằng quy định này không phù hợp thực tế, vì với các chu kỳ sinh trưởng khác nhau, cần 1 loại sản phẩm khác nhau. Không có sản phẩm nào ấn định một cách cứng ngắc như vậy cho vòng đời của 1 loại thực vật.

Quy định này đã gây ảnh hưởng nhiều trong kinh doanh của ngành thuốc bảo vệ thực vật

Nuôi heo số lượng lớn thì nước thải phải tương đương nước uống

Một thông tư của Bộ Tài nguyên Môi trường quy định: Một trại heo 10.000 con phải đáp ứng chất lượng nước thải đạt loại A, tương đương nước uống bình thường.

Với quy định này, ông Tuấn cho biết, nhiều doanh nghiệp đầu tư chục tỷ đồng mà vẫn loay hoay mãi về quy định chất lượng nước thải. Chất lượng nước thải trong quy định trên cao hơn yêu cầu chất lượng nước thải của Nhật Bản, Thái Lan tới 7 - 8 lần.

“Theo kinh nghiệm của tôi, tìm kiếm 10 quy định xấu nhất thì có quá nhiều, nhưng tìm kiếm 10 quy định tốt nhất hơi khó”, TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) – nhận định.

Ông Cung cũng đưa ra những quy định vô lý của các văn bản quy phạm pháp luật khi đặt ra một loạt các điều kiện phải có phương tiện này, nhân lực kia, trình độ nọ…

“Nếu đặt điều kiện ai đó muốn kinh doanh xuất khẩu gạo phải có kho 10.000 tấn, nhà máy xay thì rõ ràng những người không đạt không thể gia nhập thị trường. Hiện người ta đang sáng tạo nhằm hạn chế kho tàng, bến bãi, sao cho phương thức kinh doanh hạn chế chi phí. Còn quy định chúng ta đặt ra lại làm tăng chi phí. Người ta có nhiều cách kinh doanh, nhiều cách để làm. Còn chúng ta lại hạn chế sáng tạo, thui chột sáng tạo”, ông Cung nói.

“Tư tưởng của Sharing Economy (nền kinh tế chia sẻ) là tận dụng hết nguồn lực sẵn có để kinh doanh. Đấy là những phương thức kinh doanh hoàn toàn mới và rất sáng tạo. Chúng ta lại không khuyến khích được như vậy vì theo quy định hiện tại, làm như thế là vi phạm luật pháp”.

Cuộc bình chọn các quy định pháp luật tốt nhất và tồi nhất là sáng kiến của VCCI nhằm chỉ ra 10 quy định tốt nhất và 10 quy định tồi nhất đối với môi trường kinh doanh.

Đối tượng được bình chọn là các quy định pháp luật liên quan đến doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh nằm trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật. Đối tượng đề cử là tất cả mọi cá nhân, tổ chức, cơ quan Nhà nước.

Các đề cử có thể gửi về cho Ban tổ chức thông qua website của VCCI, fax, email, hoặc qua đường bưu điện. Việc nhận đề cử sẽ diễn ra đến hết ngày 22/1/2016.

Dự kiến kết quả sẽ được tổng hợp và công bố vào tháng 4/2016.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM