Những điều doanh nghiệp nước ngoài cần biết khi sở hữu nhà ở tại Việt Nam

10/09/2014 12:13 PM | Pháp luật

Tùy vào ngành nghề hoạt động kinh doanh mà pháp luật có quy định khác nhau về điều kiện, thời hạn, hình thức sở hữu, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

1. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp) hoạt động kinh doanh bất động sản tại Việt Nam thông qua hình thức đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê hoặc cho thuê mua.

+ Trường hợp doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở để bán, sau khi hoàn thành việc xây dựng theo dự án, chủ đầu tư được quyền bán nhà ở này cho các đối tượng thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của Luật Nhà ở Luật Kinh doanh bất động sản. 

Người mua nhà ở của doanh nghiệp sẽ được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi tắt là Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở)

Chủ đầu tư có trách nhiệm làm thủ tục đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho người mua trong thời hạn 50 ngày kể từ ngày bàn giao nhà ở cho người mua nhà, trừ trường hợp người mua nhà tự nguyện làm thủ tục.

+ Trường hợp doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở để cho thuê tại Việt Nam thì doanh nghiệp sẽ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở đối với nhà ở đó. Thời hạn được sở hữu nhà ở là thời hạn quy định trong Giấy chứng nhận đầu tư và được ghi rõ trong Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.

Khi Giấy chứng nhận đầu tư hết hạn, doanh nghiệp có trách nhiệm bàn giao nhà ở để cho thuê và số lượng nhà ở chưa bán hết mà không thuộc diện phải phá dỡ cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà ở đó. 

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định xác lập sở hữu nhà nước và giao cho doanh nghiệp có chức năng quản lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước quản lý sử dụng nhà ở đó theo quy định của pháp luật.

Lưu ý, đối với doanh nghiệp không thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam hoặc thuộc diện được sở hữu căn hộ chung cư trong dự án phát triển nhà ở thương mại, khi được tặng cho hoặc được thừa kế nhà ở không phải là căn hộ chung cư trong dự án phát triển nhà ở thương mại, doanh nghiệp chỉ được hưởng giá trị của nhà ở đó sau khi trực tiếp hoặc ủy quyền cho người khác bán nhà ở này khi có đầy đủ giấy tờ theo quy định.

2. Đối với doanh nghiệp không hoạt động kinh doanh bất động sản, khi có nhu cầu về nhà ở cho những người đang làm việc tại doanh nghiệp đó ở thì doanh nghiệp được mua và sở hữu một hoặc một số căn hộ chung cư trong dự án phát triển nhà ở thương mại và không thuộc khu vực hạn chế hoặc cấm người nước ngoài cư trú, đi lại tại Việt Nam.

+ Doanh nghiệp chỉ được sử dng nhà ở vào mục đích để ở, không được dùng để cho thuê, làm văn phòng hoặc sử dụng vào mục đích khác.

+ Thời hạn sở hữu nhà ở tại Việt Nam của doanh nghiệp tương ứng với thời hạn ghi trong Giấy chứng nhận đầu tư của doanh nghiệp, bao gồm cả thời gian được gia hạn. Thời hạn sở hữu được tính từ ngày doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và được ghi trong Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. 

Trường hợp khi hết hạn đầu tư hoặc khi giải thể, phá sản thì nhà ở của doanh nghiệp sẽ được xử lý theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về phá sản và các quy định khác của pháp luật Việt Nam.

+ Lưu ý, trường hợp doanh nghiệp được tặng cho hoặc được thừa kế nhà ở khác thì chỉ được chọn sở hữu căn hộ chung cư trong dự án phát triển nhà ở thương mại

Nếu nhà ở không phải là căn hộ chung cư trong dự án phát triển nhà ở thương mại thì doanh nghiệp được quyền tặng cho hoặc bán nhà ở đó cho các đối tượng thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam để hưởng giá trị.

>> Những chính sách nổi bật có hiệu lực đầu tháng 9

Công ty Luật PLF

vandoan

Cùng chuyên mục
XEM