Những chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 8/2015

01/08/2015 10:07 AM | Pháp luật

Công chức phạm luật bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ, Lãng phí phạt 60 triệu đồng, Lái tàu làm việc không quá 9 tiếng một ngày... là những chính sách có hiệu lực từ 8/2015.

Công chức phạm luật bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ

Cũng từ ngày 1/8, Nghị định 56 về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức có hiệu lực. Cán bộ được đánh giá ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi gương mẫu chấp hành tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; Cán bộ có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt và có lối sống, tác phong, lề lối làm việc chuẩn mức, lành mạnh; Có sáng kiến, giải pháp cụ thể được áp dụng, nâng cao hiệu quả hoạt động cơ quan.

Cán bộ, công chức được đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ khi không thực hiện hoặc vi phạm đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng hoặc pháp luật của Nhà nước bị cấp có thẩm quyền nghiêm khắc phê bình hoặc xử lý kỷ luật theo quy định; Cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật, kỷ cương hoặc quy chế làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Với công chức, hoàn thành dưới 70% nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch công tác năm cũng bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ.

Hướng dẫn cách tính tiền lương làm thêm giờ

Ngày 23/6/2015, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn một số điều về tiền lương của Nghị định 05/2015/NĐ-CP. Theo đó:

Tiền lương làm thêm giờ = Tiền lương giờ thực trả của ngày làm việc bình thường hoặc Đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường X Mức ít nhất 150% hoặc 200% hoặc 300% X Số giờ làm thêm hoặc Số sản phẩm làm thêm.

Mức 150% hoặc 200% hoặc 300% theo quy định tại Điều 97 Bộ luật Lao động 2012.Ngoài nội dung trên, Thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH còn hướng dẫn cách tính tiền lương làm việc vào ban đêm, tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm.

Thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH có hiệu lực kể từ ngày 08/8/2015 và các chế độ tại Thông tư này được thực hiện kể từ ngày 01/3/2015.

Lãng phí phạt 60 triệu đồng

Nghị định số 58 của Chính phủ có hiệu lực từ 1/8, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 192/2013/NĐ-CP quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Theo Nghị định 58, với hành vi sử dụng quỹ có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước sai mục đích, tôn chỉ của quỹ do cấp có thẩm quyền ban hành, sẽ bị phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng. Hành vi sử dụng quỹ có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước không đúng quy chế hoạt động, cơ chế tài chính của quỹ được cấp có thẩm quyền ban hành cũng bị phạt từ 20 đến 30 triệu đồng.

Nghị định 58 cũng bổ sung quy định phạt tiền từ 50 đến 60 triệu đồng với hành vi gây lãng phí trong sử dụng vốn đầu tư không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn, vượt định mức, đơn giá theo quy định của pháp luật.

Với hành vi sử dụng xăng, dầu, tổ chức hội nghị, hội thảo, chi phí tiếp khách, đi công tác trong và ngoài nước bằng kinh phí ngân sách nhà vượt tiêu chuẩn, định mức sẽ bị phạt từ 1 đến 2 triệu đồng.

Phạt tiền từ 1 đến 5 triệu đồng đối với hành vi cản trở trái phép việc thực hiện nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, thực hiện các dự án sử dụng tài nguyên tái chế. Phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng đối với hành vi khai thác, sử dụng tài nguyên không đúng quy hoạch, kế hoạch, quy trình đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Lái tàu làm việc không quá 9 tiếng một ngày

Ngày 5/6 vừa qua, Bộ GTVT ban hành Thông tư 21, quy định thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc có tính chất đặc biệt trong vận tải đường sắt.

Thông tư này quy định rõ, lái tàu, phụ lái tàu, thời gian làm việc không quá 9 tiếng trong một ngày và không quá 156 tiếng trong một tháng.

Với trưởng tàu, nhân viên và công nhân đường sắt làm việc trực tiếp trên các đoàn tàu, thời gian làm việc không quá 12 tiếng trong một ngày và không quá 208 tiếng trong một tháng. Trường hợp hành trình chạy tàu dài hơn 12 tiếng thì áp dụng theo chế độ làm việc: thời gian lên ban 8 tiếng, thời gian nghỉ tại chỗ 8 tiếng. Tại các ga đông khách theo quy định thì nhân viên đang nghỉ tại chỗ có trách nhiệm tăng cường đón, tiễn khách.

Xây dựng khẩn cấp công trình bảo vệ chủ quyền quốc gia

Từ ngày 5/8 tới, Nghị định về quản lý dự án đầu tư xây dựng sẽ có hiệu lực. Đáng chú ý, Nghị định quy định rõ công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp, cấp bách gồm công trình nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm an ninh quốc gia, an toàn sinh mạng cộng đồng; Công trình có yêu cầu triển khai xây dựng ngay để tránh gây thảm họa trực tiếp đến sinh mạng, sức khỏe và tài sản của cộng đồng hoặc để không ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến công trình lân cận.

Thủ tướng cho phép người quyết định đầu tư xây dựng công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp, có tính cấp bách hoặc ủy quyền cho chủ đầu tư quyết định, chịu trách nhiệm về tổ chức quản lý thực hiện dự án đầu tư xây dựng và được giao thầu.

Hướng dẫn bảo lãnh bán nhà ở hình thành trong tương lai

Ngày 25/6/2015, Ngân hàng nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 07/2015/TT-NHNN về bảo lãnh NH, trong đó hướng dẫn cụ thể về bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai.

Theo đó, NHTM khi thực hiện việc bảo lãnh cho chủ đầu tư dự án bất động sản (BĐS) để bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải tuân thủ một số quy định như: Nhà ở hình thành trong tương lai phải đủ điều kiện được bán, cho thuê mua theo quy định; Trong hợp đồng bán, cho thuê mua phải quy định CĐT có nghĩa vụ hoàn lại tiền cho bên mua, bên thuê mua khi CĐT vi phạm nghĩa vụ bàn giao nhà ở theo tiến độ đã cam kết; NHTM phải được thực hiện hoạt động bảo lãnh NH; Cam kết bảo lãnh phải có hiệu lực đến thời điểm ít nhất sau 30 ngày kể từ ngày bàn giao nhà cho bên mua, bên thuê mua theo thỏa thuận giữa CĐT và bên mua, bên thuê mua nhà.

Thông tư 07/2015/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 9/8/2015 và thay thế Thông tư 28/2012/TT-NHNN.

Ô tô nhà ở lưu động được phép đưa vào Việt Nam du lịch

Ngoài loại xe có tay lái ở bên trái từ 9 chỗ trở xuống, bắt đầu từ tháng 1/8/2015, Chính phủ chấp thuận cho người nước ngoài mang thêm ôtô nhà ở lưu động vào Việt Nam với mục đích du lịch.

Bên cạnh việc cho phép người nước ngoài mang xe ô tô chở khách có tay lái bên trái từ 9 chỗ ngồi trở xuống, xe mô tô vào Việt Nam du lịch như hiện nay theo Nghị định 152/2013/NĐ-CP.

Nghị định 57/2015/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 152/2013/NĐ-CP, theo đó, bổ sung loại xe người nước ngoài được phép mang vào Việt Nam du lịch là xe ô tô nhà ở lưu động có tay lái ở bên trái.

Chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần

Đây là nội dung quan trọng tại Quyết định 22/2015/QĐ-TTg ngày 22/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Quyết định này áp dụng cho đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương...

Đơn vị được chuyển đổi phải thuộc danh mục chuyển đổi và tự đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên trong năm gần nhất với thời điểm thực hiện chuyển đổi hoặc tự đảm bảo toàn bộ kinh phí sau khi chuyển đổi.

Việc chuyển đổi có thể thực hiện theo các hình thức: giữ nguyên vốn nhà nước hiện có tại đơn vị sự nghiệp công lập, phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, bán một phần vốn nhà nước hiện có hoặc kết hợp vừa bán bớt một phần vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Phương pháp bán cổ phần lần đầu: bán đấu giá công khai, bảo lãnh phát hành và thỏa thuận trực tiếp. Quyết định 22/2015/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 10/8/2015.

Theo Mai Mai

Cùng chuyên mục
XEM