Nguyên Kiểm soát viên Techcombank lĩnh án vì tham ô tiền tỷ, lừa cả mẹ đẻ

17/04/2013 09:45 AM | Pháp luật

Ngày 15/4, TAND TP Hà Nội mở phiên xét xử Phạm Thị Thu Hà – nguyên kiểm soát viên Ngân hàng Techcombank chi nhánh Đống Đa, Hà Nội về tội: Sử dụng trái phép tài sản và tội Tham ô tài sản quy định tại Điều 142 và điều 278 Bộ Luật hình sự.

Theo thông tin từ cơ quan tố tụng, ngày 2/3/2011, Công an TP Hà Nội nhận được công văn trình báo của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) về việc mất số tiền 375 triệu tại quỹ Phòng giao dịch Techcombak Đống Đa có liên quan đến Kiểm soát viên Phạm Thị Thu Hà và các giao dịch viên Vũ Thị Lan, Khuất Thị Hường.

Ngày 26/5/2011, Cán bộ Ngân hàng Eximbank – Chi nhánh Láng Hạ đề nghị Phòng giao dịch Techcombank Đống Đa phong tỏa 2 sổ tiết kiệm của khách hàng Hà Lan Thanh do Techcombank phát hành khi bà Thanh làm thủ tục đặt cầm cố tại Ngân hàng Eximbank do ngân hàng này phát hiện 1 sổ tiết kiệm có dấu hiệu giả mạo. Việc giả mạo sổ tiết kiệm liên quan đến kiểm soát viên Phạm Thị Thu Hà.

Bị cáo Phạm Thị Thu Hà trước phiên tòa

Từ những cơ sở này, cơ quan điều tra vào cuộc và xác định, trong quá trình làm việc tại Techcombank Đống Đa, Phạm Thị Thu Hà đã lợi dụng quyền hạn nhiệm vụ được giao để thực hiện các hành vi sử dụng trái phép tài sản và tham ô tài sản. Các giao dịch viên Vũ Thị Lan, Khuất Thị Hường đã có hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Về hành vi sử dụng trái phép tài sản, cáo trạng cho biết, tháng 11/2010, Hà nhận của mẹ đẻ là bà Lê Thị Hảo 400 triệu đồng gửi tiết kiệm; của khách hàng là chị Hà Lan Thanh hơn 4,7 tỷ đồng nhờ Hà chuyển khoản.

Số tiền này được Hà sử dụng vào mục đích cá nhân như: mua nhà đất, kinh doanh, chứng khoán. Để tránh bị phát hiện, Hà đã nộp tiền vào ngân hàng để mở 4 sổ tiết kiệm trong đó có hai sổ mang tên mẹ đẻ chỉ có số dư lần lượt là 3 triệu đồng và 2 triệu đồng. Hai sổ còn lại mang tên bạn của Hà và có số dư 3 triệu đồng.

Sau đó lợi dụng giao dịch viên không có mặt tại vị trí làm việc, Hà đã tự hoạch toán trên máy bằng username của giao dịch viên và khi in sổ tiết kiệm, Hà đã che giấy phần sổ dành cho khách hàng để được phần sổ trắng, tách phần thẻ lưu đưa giao dịch viên để lưu tại ngân hàng hoặc Hà tự viết tay vào phần thẻ lưu sổ tiết kiệm đưa cho giao dịch viên hoạch toán và ký, còn phần sổ dành cho khách hàng để trắng không viết.

4 phôi tiết kiệm này được Hà làm giả thành sổ tiết kiểm có số dư lần lượt là 21.000USD; 1 tỷ đồng, hơn 4,7 tỷ đồng và 1 tỷ đồng.

Như vậy bằng việc làm giả các sổ tiết kiệm nêu trên, Phạm Thị Thu Hà đã chiếm giữ và sử dụng trái phép tài sản của Ngân hàng Techcombank với tổng số tiền hơn 6,1 tỷ đồng.

Đối với hành vi tham ô tài sản, cáo trạng nêu rõ, ngày 20/9/2010, phát sinh giao dịch khách hàng Nguyễn Hữu Thọ nộp số tiền 375 triệu đồng vào tài khoản của Bùi Thị Thủy và phát sinh giao dịch Bùi Thị Thủy rút số tiền 374 triệu đồng. Hệ thống dữ liệu ghi nhận bút toán nộp tiền là giao dịch viên Vũ Thị Loan và bút toán rút tiền là giao dịch viên Khuất Thị Hường. Tuy nhiên thực tế không có khách hàng Nguyễn Hữu Thọ, và chị Bùi Thị Thủy cũng khai nhận không rút khoản tiền trên. Bùi Thị Thủy khai nhận là Hà nhờ Thủy ký nhận. Hà còn hướng dẫn Thủy gặp lãnh đạo để xác nhận theo hướng dẫn của Hà đẻ rút số tiền hơn 1 triệu đồng trong tài khoản.

Phạm Thị Thu Hà đã ký các chứng từ nộp, rút tiền do giao dịch viên Vũ Thị Lan và Khuất Thị Hường làm giả để hợp thức hóa nộp lưu chi nhánh, không tiến hành kiểm tra làm rõ đối với tính xác thực của giao dịch, không báo cáo với lãnh đạo ngân hàn về các giao dịch bất thường, việc làm giả chứng từ che giấu sự phát hiện, kiểm tra của ngân hàng.

Phạm Thị Thu Hà được lãnh đạo Techcombank Đống Đa giao nhiệm vụ quản lý mảng kế toán, quản lý, theo dõi hàng tháng, tiến hành sao kê các tài khoản trung gian để làm báo cáo về các số dư phát sinh cho bộ phận kế toán tài chính hội sở. 

Do đó, Hà đã biết các loại tài khoản trung gian này, nhưng trong báo cáo tháng từ tháng 9/2010- 11/2010 (riêng tháng 12/2010 không nộp báo cáo) đã gửi đều không thể hiện các giao dịch phát sinh có dấu hiệu bất thường. Hà biết rõ theo quy định không được hoạch toán giao dịch nộp tiền mặt vào các tài khoản trung gian nếu hoạch toán tại các tài khoản này thì tùy từng tài khoản trung gian sẽ có hoặc không hiển thị trên nhật ký quỹ. Hà đã chủ động tạo dụng các chứng cứ, tài liệu giả để che giấu việc kiểm tra phát hiện của ngân hàng đối với việc mất khoản tiền 375 triệu đồng.

Tại cơ quan điều tra, Phạm Thị Thu Hà khai nhận hành vi sử dụng tài sản trái phép và khai không có mục đích chiếm đoạt số tiền trên 6 tỷ đồng mà chi sử dụng tạm thời để giải quyết nhu cầu cá nhân, đến hạn sẽ trả lại tài khoản. Thực tế Hà đã thanh toán cả gốc lẫn lãi đối với khoản vay 950 triệu đồng cho ngân hàng, thanh toán số tiền hơn 4,1 tỷ đồng cho chị Ha Lan Thanh.

Đối với tội danh tham ô tài sản, Hà không thừa nhận việc chiếm đoạt số tiền 374 triệu đồng nhưng cũng không chứng minh được người đã rút số tiền này. Đối với giao dịch này, Ngân hàng Techcombank xác nhận: “Các bút toán được lập hợp lệ, không có ghi nhận về sự thay đổi, sửa chữa đối với các bút toán này, hệ thống T24 của ngân hàng được giám sát liên tục và chưa phát hiện bất kỳ sự xâm nhập trái phép nào từ bên ngoài từ thời điểm phát sinh các loại bút toán này”.

Tài liệu điều tra, chứng cứ thu thập của được đều có đủ cơ sở xác định Phạm Thị Thu Hà đã lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn được giao để thực hiện hành vi chiếm đoạt số tiền 374 triệu đồng.

Trên các cơ sở này, Hội đồng xét xử tuyên án bị cáo Phạm Thị Thu Hà 15 năm tù về tội tham ô tài sản, 1 năm tù về tội Sử dụng trái phép tài sản. Tổng hợp hai mức phạt là 16 năm tù giam.

Đối với Vũ Thị Lan và Khuất Thị Hường do thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện kiểm quỹ, nhưng đã tự nộp số tiền 125 triệu đồng/người bồi thường ngân hàng, xét trên tính chất vi phạm, nhân thân chưa có tiền án tiền sự, ngày 12/9/2012, Viện kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội đã quyết định đình chỉ điều tra.

Tại phiên tòa, mẹ chồng của bị cáo Phạm Thị Thu Hà cho rằng, gia đình sẽ thực hiện kháng cáo và đề nghị điều tra lại vụ án. Theo Hội đồng xét xử, trong vòng 15 ngày sau phiên tòa, bị cáo có quyền kháng án.

Theo Trấn Việt

duchai

Cùng chuyên mục
XEM