Làm sao để rút lại tiền trong tài khoản đầu tư chứng khoán?

23/04/2013 20:00 PM | Pháp luật

Câu hỏi: Tôi là một nhà đầu tư chứng khoán. Hiện tôi có một thắc mắc cần sự tư vấn của Luật sư như sau:

Tôi mở tài khoản đầu tư chứng khoán tại chi nhánh một CTCK ở TP Hồ Chí Minh, trụ sở đặt tại Hà Nội. 5 tháng trước thì CTCK này dột ngột mất thanh khoản. Số tiền gần 1 tỷ đồng của tôi trong tài khoản đầu tư chứng khoán đến nay vẫn không rút ra được.

Theo một số thông tin đáng tin cậy thì CTCK này vẫn đủ khả năng "trả lại" tiền cho nhà đầu tư, nhưng vì lý do nào đó vẫn không chịu trả. Mặc dù thời gian là khá lâu nhưng CTCK này vẫn không tỏ rõ thiện chí với tôi cũng như những nhà đầu tư khác. Tôi muốn làm đơn kiện Công ty này ra Pháp luật thì cần tiến hành những bước như thế nào, dựa trên cơ sở Pháp luật nào? Rất mong nhận được giải đáp thắc mắc. Xin chân thành cảm ơn!

Hoàng Công Hòa hoangconghoa1011@gmai.com

Luật sư BASICO xin trả lời như sau:

Trước khi quyết định gửi đơn khởi kiện Công ty chứng khoán đến Tòa án, bạn cũng có thể thực hiện các phương pháp khác để yêu cầu Công ty chứng khoán trả lại tiền. Theo đó, bạn có thể gửi đơn khiếu nại tới cơ quan có thẩm quyền là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng như sự hỗ trợ của các phương tiện thông tin đại chúng để bảo vệ quyền lợi.

Trường hợp tiến hành khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền để giải quyết vụ việc, bạn cần lưu ý các nội dung sau:

- Nộp đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo đến Tòa án, trong đó cần lưu ý:

Thứ nhất, Hình thức và nội đung đơn khởi kiện phải tuân thủ quy định tại Điều 164 “Hình thức, nội dung đơn khởi kiện”, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004. 

Cụ thể, Đơn khởi kiện bao gồm các nội dung: 

Ngày, tháng, năm làm đơn; 

Tên Toà án nhận đơn khởi kiện; tên, địa chỉ của người khởi kiện; 

Tên, địa chỉ của người có quyền và lợi ích được bảo vệ (nếu có); 

Tên, địa chỉ của người bị kiện; 

Tên, địa chỉ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (nếu có); 

Những vấn đề cụ thể yêu cầu Toà án giải quyết đối với bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; 

Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có); 

Tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp; 

Các thông tin khác mà người khởi kiện xét thấy cần thiết cho việc giải quyết vụ án; 

Người khởi kiện phải ký tên hoặc điểm chỉ vào Đơn khởi kiện.

Thứ hai, Xác định Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc theo quy định từ Điều 33 – Điều 36 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Tranh chấp giữa bạn và Công ty chứng khoán được xác định là Tranh chấp kinh doanh thương mại theo quy định tại Điều 29 “Những tranh chấp về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án” Bộ luật Tố tụng dân sự. Chính vì vậy, bạn phải gửi Đơn khởi kiện tới Tòa án nhân dân quận, huyện nơi bị đơn là Công ty chứng khoán có trụ sở.

- Sau khi nộp đơn khởi kiện tới Tòa án nhân dân có thẩm quyền, theo quy định tại Điều 171 “Thụ lý vụ án” Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án sẽ gửi giấy báo tới bạn về việc nộp tiền tạm ứng án phí. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được giấy báo này, bạn đến Cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp với Toà án, làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí.

Trong trường hợp này, Tòa án sẽ căn cứ theo giá trị thực tế của tranh chấp giữa bạn và Công ty chứng khoán để xác định mức án phí bạn phải nộp.

- Khi đã hoàn thành việc nộp tiền tạm ứng án phí, bạn phải nộp biên lai tiền tạm ứng án phí cho Tòa án, trên cơ sở đó Tòa án tiến hành ra quyết định thụ lý vụ án; trường hợp bạn được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí, thì Tòa án phải thụ lý vụ án khi nhận được đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo của bạn. Sau khi thụ lý vụ án, Tòa án tiến hành các thủ tục tố tụng tiếp theo theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Luật sư BASICO

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM