Hà Nội: Rúng động vụ phó hiệu trưởng bị tố vỡ nợ hàng trăm tỷ

14/08/2013 14:57 PM | Pháp luật

Nội dung nổi bật:

Bà  Trương Thị Hải Yến, Chủ tịch HĐQT kiêm phó hiệu trưởng trường THPT dân lập Phương Nam (Hà Nội) bị tố vay nợ hàng trăm tỷ đồng nhưng đã quá hạn mà không hoàn trả?

Theo danh sách "chủ nợ", thì có đến 18 người, tổng số tiền họ cho bà Yến vay là hơn 268 tỷ đồng và nhiều sổ đỏ. 

Bà Yến cho biết, phần lớn những trường hợp trên là những người mang sổ đỏ của mình đi "nhờ" bà Yến vay một số tiền thấp hơn giá trị căn nhà rất nhiều. Đổi lại họ được hưởng lãi suất thấp tương đương với lãi suất ngân hàng. Chỉ 1 vài trường hợp cho bà Yến tiền trực tiếp bằng tiền mặt để hưởng lãi suất cao.
---------------------------------------------------------------------

Mấy ngày gần đây, khu vực cổng chính của trường THPT dân lập Phương Nam (trụ sở tại Định Công - Hoàng Mai - Hà Nội) liên tiếp xuất hiện nhóm người lạ mặt đứng ngồi lố nhố, dật dờ từ nhiều phía. Họ treo băng rôn, biểu ngữ tố bà chủ tịch hội đồng quản trị kiêm phó hiệu trưởng Trương Thị Hải Yến vay nợ hàng trăm tỷ đồng nhưng đã quá hạn mà không hoàn trả?

"Săn" bà hiệu phó vì sợ "xù" nợ (?)

Có mặt tại điểm "nóng" nhất của vụ lùm xùm (cổng A), theo quan sát của PV, tại thời điểm trưa, mặc dù đã sát giờ nghỉ nhưng vẫn có hơn chục người dân đứng bám sát bảng hiệu của trường, tay cầm những băng rôn cỡ lớn với lời lẽ đanh thép, yêu cầu bà Yến hoàn trả món tiền vay nợ.

Bà Ngô Thị Anh Thư (địa chỉ tại B29, Lô 20, khu đô thị mới Định Công) bức xúc nói: "Tôi và bà Yến trước đây là chỗ thân quen, bà ấy bảo tôi cho bà ấy vay tiền để đầu tư vào trường học sau này sẽ bổ nhiệm tôi làm thành viên của HĐQT trường. Thế là cứ khi nào bà Yến cần tiền tôi lại huy động vốn cho bà ấy vay lãi cao. 

Tổng số tiền gốc bà ấy vay nợ của tôi là 140 tỷ đồng nhưng nhiều năm chưa trả. Thấy bất an, tôi đòi bà Yến trả nợ thì chẳng những không được đáp ứng mà khu vực căng tin của trường (nơi bà Thư có hợp đồng thuê từ 2010 - 2015) còn bị bà Yến cắt điện, khóa cửa và phá hủy hợp đồng với tôi. Gần đây bà ấy có dấu hiệu vỡ nợ lớn cùng sự xuất hiện của nhiều "chủ nợ" khác nên chúng tôi phải làm như thế này để ép bà ấy trả tiền".

Theo danh sách "chủ nợ", thì có đến 18 người, tổng số tiền họ cho bà Yến vay là hơn 268 tỷ đồng và nhiều sổ đỏ. Nhiều nhất là bà Thư cho vay 140 tỷ đồng, bà Trần Nam Dung cho vay 80 tỷ đồng, ít nhất là 700 triệu đồng.

Trao đổi với PV, một hộ dân sống gần trường học cho biết: "Không phải cho đến thời điểm hiện tại mới có thực trạng này. Trước đây tôi cũng nhiều lần thấy người ta đến đòi tiền bà Yến. Tuy nhiên, mấy ngày gần đây thấy người ta đến đông và đòi "rát" hơn. Nhiều người trong số họ trông giống hệt dân "xã hội", số má, nhìn rất đáng sợ. Ngoài ra, sự tụ tập thiếu thiện chí này cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự đô thị và an ninh của khu phố.

Theo phản ánh từ nhóm người xưng là "chủ nợ", từ khoảng 3, 4 năm trở lại đây, bà Yến đã dùng uy tín cá nhân và của chính ngôi trường để huy động của những người đang có mặt một khoản tiền lớn, hứa trả lãi suất cao. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, đã qua thời kỳ trả nợ mà đến cả gốc lẫn lãi nhiều người trong nhóm vẫn chưa nhìn thấy tiền đâu. Cá biệt, nhiều người còn cầm cố cả nhà đất để cho vay nóng, lấy lãi khủng nhưng đến nay cũng đang mếu máo vì đứng trước nguy cơ tay trắng.

Bà Ngô Thị Anh Thư khẳng định bà Yến đã vay nợ 140 tỷ đồng nhưng đã quá hạn mà vẫn chưa trả một đồng nào

"Con nợ" tố lại "chủ nợ"

Để xác thực thông tin trên, PV đã tìm đến trường THPT dân lập Phương Nam. Khi chúng tôi đưa vấn đề trên trao đổi với bà Trương Thị Hải Yến, người bị tố vỡ nợ cho biết: "Chủ chốt ở đây là một giám đốc công ty trụ sở ở Đống Đa có cho nhà trường vay 100 tỷ đồng và tôi đứng ra đại diện, mục đích để đầu tư vào cổ đông trường Phương Nam. 

Tuy nhiên, khi ông ấy được vào cổ đông trường thì ông ấy thay kế toán nhà trường và toàn bộ bảo vệ. Tiếp đó, người này còn lấy uy tín của trường, đứng ra bảo lãnh để vay nóng tiền. Có thời điểm trường gặp khó khăn tôi có vay vốn của một số người nhưng hiện nay đã hoàn trả toàn bộ".

Bà Yến cho biết, phần lớn những trường hợp trên là những người mang sổ đỏ của mình đi "nhờ" bà Yến vay một số tiền thấp hơn giá trị căn nhà rất nhiều. Đổi lại họ được hưởng lãi suất thấp tương đương với lãi suất ngân hàng còn bà Yến thì được ủy quyền toàn quyền quyết định căn nhà trong vòng nhiều năm trời. Chỉ vài ba trường hợp là cho bà Yến tiền trực tiếp bằng tiền mặt để hưởng lãi suất cao.

Giải thích về việc bị tố "có ý định chiếm đoạt hàng chục sổ đỏ của dân", bà Yến cho biết: "Lúc họ cần tiền, họ tìm đến tôi. Họ yêu cầu được vay tiền với lãi suất của ngân hàng và tất nhiên đồng ý cho tôi sử dụng sổ đỏ. Tôi cũng đang trong thời kỳ khó khăn nên cũng lại đi nhờ bên thứ 3 cho vay, là các tín dụng tư nhân quen biết của tôi. 

Sau đó tôi tiếp tục dùng bất động sản đó để vay thêm tiền để đầu tư vào công việc của trường. Trong hợp đồng ghi rất rõ thời gian cho vay, khi nào hết thời gian thì mới thanh lý được. Nhiều người chưa trả tiền nhưng cứ đến ngằn ngặt đòi lại sổ, không hiểu rằng làm như thế là vi phạm hợp đồng".

Trước sự việc nhóm người nói trên kéo đến vây trước cổng trường tố bà Yến vay hàng trăm tỷ đồng nhưng không trả, phía công an quận Hoàng Mai và công an phường Định Công cũng thường xuyên có mặt để xử lý về vấn đề an ninh. Được biết, trong tuần tới công an quận sẽ họp và trao đổi với đại diện hai bên để xử lý triệt để vấn đề tụ tập làm ảnh hưởng đến an ninh địa phương.

Theo Long Nguyễn - Cao Tuân

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM