Giết mổ gia súc chứa chất cấm: Cho rằng tiền phạt còn ít, Bộ NNPTNN đề nghị tăng thêm 5 triệu đồng

18/02/2016 15:51 PM | Pháp luật

Cho rằng mức phạt liên quan đến vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi chưa đủ sức răn đe, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề xuất tăng mức xử phạt. Trong đó, hành vi vi phạm giết mổ động vật, sơ chế, chế biến sản phẩm động vật chứa chất cấm sử dụng trong chăn nuôi bị tăng mức xử phạt thêm… 5 triệu đồng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 119/2013/NĐ-CP ngày 9/10/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi.

Dự thảo Nghị định này dài 3 trang, quy định cụ thể như sau:

- Với hành vi vi phạm giết mổ động vật, sơ chế, chế biến sản phẩm động vật chứa chất cấm sử dụng trong chăn nuôi: Mức xử phạt theo quy định hiện hành từ 10 – 15 triệu đồng.

Mức đề xuất: 15 – 20 triệu đồng, tăng thêm 5 triệu đồng.

- Với hành vi vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi nông hộ nhưng chưa tạo dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm, đề xuất phạt tiền bằng 80% - 100% tổng giá trị động vật vi phạm tại thời điểm vi phạm.

Số tiền phạt tối đa không quá 100.000.000 đồng.

- Với hành vi vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi trang trại hộ nhưng chưa tạo dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm, đề xuất phạt tiền bằng 100% - 120% tổng giá trị động vật vi phạm tại thời điểm vi phạm.

Số tiền phạt tối đa không quá 100.000.000 đồng.

- Với hành vi vi phạm kinh doanh mỗi loại sản phẩm thức ăn chăn nuôi không có trong Danh mục thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành tại Việt Nam hoặc không có văn bản cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đề xuất phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng.

- Với hành vi cố tình đưa nước hoặc chất khác vào động vật trước và sau khi giết mổ: Mức hiện hành, đề xuất phạt tiền bằng 40% - 60% tổng giá trị động vật tại thời điểm vi phạm. Số tiền phạt tối đa không quá 50 triệu đồng.

Mức phạt hiện hành của hành vi này ở mức 5 – 6 triệu đồng, áp dụng cùng mức cho các cá thể khác nhau gồm trâu, bò, gà… dù trọng lượng các cá thể này khác nhau.

Toàn văn dự thảo xem tại đây.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM