Dù đã được cảnh báo nhưng thế nào mà hàng chục nghìn người vẫn tin trúng SH, ô tô miễn phí?

16/03/2016 20:27 PM | Pháp luật

Trước liên tiếp các vụ lừa thưởng xe xịn, thậm chí vô lí như cả... máy bay Airbus A380 nhằm câu like cho các fanpage mới lập, theo luật sư Huy An, trường hợp tin đồn đi quá xa, gây ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng, các hãng có thể khởi kiện hình sự.

Nhan nhản cú lừa thưởng xe xịn nhảm nhí trên mạng

Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện một hình thức phát triển fanpage theo kiểu "câu like" khá nhảm nhí. Các fanpage này dù mới lập chưa lâu nhưng vì muốn thu hút sự chú ý của cư dân mạng đã tung ra nhiều thông tin trúng thưởng các loại xe máy, ô tô đắt tiền, thậm chí cả máy bay Airbus 380.

Mới đây, một fanpage mạo danh Honda Việt Nam đã liên tục chia sẻ hình ảnh những chiếc xe máy SH với lời quảng cáo chỉ cần like và chia sẻ bài đăng trên trang, người dùng mạng sẽ có cơ hội trúng xe SH. Cách làm rất đơn giản là chỉ cần để lại bình luận loại xe mà mình yêu thích, sau đó chia sẻ và tag tên bạn bè vào. Cũng theo lời fanpage này quảng cáo, hiện "Honda đang có chiến dịch tặng 20 chiếc xe SH 150i cho người may mắn nhân kỷ niệm 20 năm Honda đến Việt Nam".


Thông tin lừa đảo trên fanpage mạo danh hãng xe Honda Việt Nam.

Thông tin lừa đảo trên fanpage mạo danh hãng xe Honda Việt Nam.


Hình ảnh các chiếc xe máy đắt tiền được fanpage này quảng cáo là chỉ cần bấm nút like, người dùng đã có ngay cơ hội trúng thưởng.

Hình ảnh các chiếc xe máy đắt tiền được fanpage này quảng cáo là chỉ cần bấm nút like, người dùng đã có ngay cơ hội trúng thưởng.

Theo tim hiểu của PV, từ chiều 15/3, hàng loạt fanpage mạo danh HONDA Vietnam, Piagio và Porsche Vietnam cho đăng tải các bài viết với nội dung tặng xe miễn phí cho người dùng và có chung nội dung lừa đảo giống nhau.

Cách đây vài giờ, một fanpage có tên Airbus Vietnam cũng tung ta thông tin cực sốc: "Tặng 5 máy bay Airbus A380 cho 5 người may mắn nhất Việt Nam". Cách thức tham gia đơn giản chỉ là: Like/Thích trang này để ủng hộ Airbus; Comment màu sắc mà bạn muốn (Đen, Đỏ, Trắng, Xanh) và chia sẻ trên tường của bạn (chế độ công khai) để hệ thống chọn ngẫu nhiên người may mắn. Mặc dù thông tin này nghe đã thấy vô lý nhưng không hiểu sao, rất nhanh chóng, page này cũng đã nhận được hơn 1.000 lượt shares.


Thông tin tặng máy bay trên fanpage Airbus Vietnam.

Thông tin tặng máy bay trên fanpage Airbus Vietnam.

Trước đó, một fanpage khác cũng từng mạo danh Mercedes-Benz. Admin của fanpage này đã đưa ra lời "hứa hẹn" sẽ tặng 2 chiếc xe dòng E Class 2016. Việc của người dùng là bấm nút "Like" trang này và "comment" màu sắc yêu thích. Hiện giá một bản Mercedes-Benz E Class từ 2 đến 2,8 tỷ đồng.


Thông tin lừa đảo liên quan đến những chiếc xe Mercedes đắt tiền.

Thông tin lừa đảo liên quan đến những chiếc xe Mercedes đắt tiền.

Chưa cần biết thật giả thế nào, các fanpage giả mạo này đã nhanh chóng nhận được lượng thích, chia sẻ khủng khiếp. Chỉ vài ngày, fanpage giả mạo Mercedes đã có 50.000 lượt thích và hơn 55.000 người chia sẻ bức ảnh lên trang cá nhân với hy vọng trúng xe. Fanpage mạo danh Honda Việt Nam đã có gần 100.000 lượt thích. Riêng những dòng trạng thái chia sẻ việc trúng xe, sau khi đăng tải chưa đầy 1 ngày đã nhận được khoảng hơn 80.000 lượt thích cùng hàng trăm lượt bình luận. Trong đó, chỉ tính riêng ảnh chiếc xe SH màu trắng đã có tới hơn 3.000 lượt người tương tác.

... Tất cả chỉ là trò "câu like" nhảm nhí

Theo tìm hiểu của PV, tất cả các fanpage có đăng thông tin trúng xe đều được lập ra chưa lâu, có ít hoạt động. Fanpage giả mạo Honda Việt Nam chỉ mới thành lập từ đầu năm 2016, logo không giống với fanpage chính thức của hãng và ảnh về các chiếc xe đắt tiền đều khá mờ, nhòe.


Bên cạnh những người vì ham tiền mà bấm like loạn xạ, không ít người vẫn tỉnh táo để kịp nhận ra, tất cả chỉ là một chiếc bánh vẽ.

Bên cạnh những người vì "ham tiền" mà bấm like loạn xạ, không ít người vẫn tỉnh táo để kịp nhận ra, tất cả chỉ là một "chiếc bánh vẽ".

Đặc biệt, ngay sau khi những thông tin về việc "nhanh tay bấm like, nhận ngay xe đẹp" này được lan tỏa trên mạng xã hội, đại diện bộ phận Marketing online của các hãng xe này đã lập tức lên tiếng cảnh báo người tiêu dùng.

Theo Honda Việt Nam, hiện nay, trên Facebook đã xuất hiện fanpage giả mạo Honda Việt Nam, có hành vi lừa đảo, lợi dụng danh nghĩa và uy tín của hãng nhằm lấy thông tin và trục lợi từ khách hàng.

"Honda Việt Nam chính thức thông báo, hiện nay Honda Việt Nam không triển khai chương trình nào như thông tin trên. Để tránh bị làm phiền và thiệt hại không đáng có, chúng tôi khuyến cáo Quý khách hàng hãy cảnh giác với các nguồn tin không đáng tin cậy", hãng xe này đăng tải thông tin đính chính công khai trên fanpage chính thức.


Dễ nhận thấy, miếng pho mát trên chiếc bẫy chuột này không quá mới lạ. Hồi cuối năm 2015, hãng xe này cũng từng lên tiếng cảnh báo vì những trò lừa tương tự.

Dễ nhận thấy, "miếng pho mát trên chiếc bẫy chuột" này không quá mới lạ. Hồi cuối năm 2015, hãng xe này cũng từng lên tiếng cảnh báo vì những trò lừa tương tự.

Trước đó, bộ phận Truyền thông Mạng xã hội của Mercedes-Benz cũng từng lên tiếng khẳng định với các cơ quan báo chí rằng, tất cả chỉ là trò lừa đảo vì hãng không hề có chiến dịch khuyến mãi nào như vậy. Họ còn đưa ra lời cảnh báo người tiêu dùng nên cẩn trọng khi chia sẻ thông tin cá nhân trên các kênh trực tuyến.

Trò đùa tưởng vô hại có thể bị xử tù, phạt mức 50 triệu đồng

Trước việc ngày càng có nhiều người lợi dụng uy tín của các hãng xe nổi tiếng để trục lợi, mục đích tăng trưởng fanpage một cách không chính đáng hoặc nhằm ăn cắp thông tin cá nhân của người dùng mạng, trao đổi với chúng tôi, luật sư Nguyễn Huy An (công tác tại văn phòng luật Huy An) cho biết: "Trong trường hợp này, người tung tin đồn hoàn toàn có thể bị khởi kiện và chịu trách nhiệm trước pháp luật".

Cụ thể, theo ông An, việc tung tin đồn trúng xe không đúng có thể quy về tội "tung tin đồn thất thiệt trên mạng Internet".


Luật sư Nguyễn Huy An.

Luật sư Nguyễn Huy An.

Ông An phân tích, nếu việc tung tin đồn gây ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng thì các hãng có thể khởi kiện hình sự. Khi đó sẽ căn cứ theo luật tại Điều 226 Bộ luật hình sự về Tội sử dụng trái phép thông tin trên mạng và trong máy tính. "Người nào sử dụng trái phép thông tin trên mạng và trong máy tính, cũng như đưa vào mạng máy tính những thông tin trái với quy định của pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm", khoản 1 của điều 226 ghi rõ.

Tuy nhiên, theo ông An, trong trường hợp các fanpage nói trên, người tung tin đồn chỉ gây thiệt hại về uy tín, danh dự cho các công ty, tổ chức khác nên có thể chỉ cần khởi kiện dân sự. "Tôi nghĩ khả năng khởi kiện hình sự là rất khó xảy ra". Căn cứ theo các điều luật dân sự, tùy theo mức độ thiệt hại nặng, nhẹ mà người tung tin đồn có thể chịu mức xử phạt khác nhau.

Ông An phân tích: "Nếu thông tin thất thiệt có nội dung vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì hành vi tung hoang tin, bịa đặt bị nghiêm cấm theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 6 Nghị định 97/2008/NĐ-CP".

Theo khoản 2 Điều 9 Nghị định 28/2009/NĐ-CP và điểm b khoản 5 Điều 6 Nghị định 63/2007/NĐ-CP, hành vi "cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác" có thể bị phạt tiền 10-20 triệu đồng.

Đối với các hãng xe chịu ảnh hưởng từ các tin đồn không mong muốn, họ hoàn toàn có quyền khởi kiện ra tòa theo Điều 37 Bộ luật dân sự. "Người nào tung tin đồn thất thiệt xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của một tổ chức, cá nhân cụ thể thì tổ chức, cá nhân đó có quyền khởi kiện ra tòa để yêu cầu người tung tin đồn phải xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại", ông An cho biết thêm.

"Ngoài ra, các cơ quan chức năng trong quá trình rà soát thông tin trên mạng, nhận thấy các fanpage nêu trên tung tin đồn không đúng sự thật có thể can thiệp, xử phạt hành chính, buộc họ đăng tải thông tin cải chính, xin lỗi", ông An nói thêm.

Cùng chuyên mục
XEM