Doanh nghiệp đưa người Việt sang làm việc trái phép ở nước ngoài bị xử lý thế nào?

22/05/2014 13:54 PM | Pháp luật

Tùy vào từng hành vi vi phạm mà sẽ có những mức xử phạt từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng.

Ngày 29/04/2014, UBND tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định xử phạt hành vi vi phạm hành chính đối với một doanh nghiệp về việc lợi dụng hoạt động đưa người lao động ra nước ngoài làm việc với mức xử phạt là 75 triệu đồng.

Theo quy định tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006, người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức của các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ (hoặc tổ chức sự nghiệp được phép hoạt động) đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu; tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài có đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; tổ chức đưa người lao động đi làm việc dưới hình thức thực tập nâng cao tay nghề; hợp đồng cá nhân. 

Doanh nghiệp không được thực hiện các hành vi bị cấm như sau: đưa người lao động đi làm việc ở khu vực, ngành, nghề và công việc bị cấm theo quy định pháp luật; lợi dụng hoạt động này để đưa công nhân Việt Nam ra nước ngoài, tổ chức tuyển chọn, đào tạo, thu tiền của người lao động; lôi kéo, dụ dỗ, lừa gạt người lao động ở lại nước ngoài trái pháp luật; và nhiều hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định tại Luật này.

Nghị định 95/2013/NĐ-CP có hiệc lực từ ngày 10/10/2013 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực Lao động, Bảo hiểm xã hội và Đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Theo Nghị định này, tùy vào từng hành vi vi phạm mà sẽ có những mức xử phạt từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng như sau:

- Phạt từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với các hành vi: Thực hiện không đầy đủ việc bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc tại nước ngoài; Không thực hiện hoặc không thực hiện đầy đủ việc kiểm tra và cấp chứng chỉ sau khi tham gia khóa bồi dưỡng kiến thức cần thiết; Không cấp tài liệu bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động; Không đăng ký mẫu chứng chỉ cho người lao động khi tham gia khóa bồi dưỡng kiến thức; Thu tiền tuyển chọn của người lao động; Không cấp giấy chứng nhận tham gia Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước cho người lao động theo quy định,...

- Phạt từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với các hành vi: Không tổ chức hoặc không liên kết với cơ sở dạy nghề, cơ sở đào tạo để bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo yêu cầu của hợp đồng; Thu, quản lý, sử dụng, hoàn trả tiền môi giới không đúng quy định; Thu tiền dịch vụ của người lao động không đúng quy định; Không hoàn trả hoặc hoàn trả không đầy đủ cho người lao động phần tiền dịch vụ theo tỷ lệ tương ứng với thời gian còn lại trong hợp đồng,...

- Phạt từ 150 triệu đồng đến 180 triệu đồng đối với hành vi: Không thực hiện việc bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài.

- Phạt từ 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng đối với các hành vi: Không hoàn trả các khoản chi phí mà người lao động đã nộp cho doanh nghiệp dịch vụ khi không đưa được người lao động ra nước ngoài làm việc; Thu, quản lý, sử dụng tiền ký quỹ của người lao động không đúng quy định; Không nộp bổ sung đủ, đúng hạn số tiền ký quỹ của doanh nghiệp dịch vụ theo quy định.

Ngoài ra, Nghị định 95/2013/NĐ-CP cũng quy định những hình thức xử phạt bổ sung như đình chỉ hoạt động từ 01 đến 12 tháng, buộc doanh nghiệp nộp hoặc hoàn trả tiền theo đúng quy định đối với hành vi vi phạm.

Công ty Luật PLF

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM