Doanh nghiệp buộc phải có con dấu, còn dùng hay không thì tùy!?

13/05/2015 13:15 PM | Pháp luật

Quy định doanh nghiệp có thể không cần con dấu trong dự thảo trước đó của nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Doanh nghiệp 2014 đã bị bãi bỏ. "Con dấu thì cần, còn doanh nghiệp dùng hay không thì tùy" - đại diện CIEM khẳng định.

Nội dung nổi bật

- Mơ hồ về nội dung là doanh nghiệp cần có con dấu hay không, Công ty Luật Allens đề xuất ban soạn thảo dự thảo luật làm rõ việc có con dấu là bắt buộc hay không bắt buộc. Và trong trường hợp bắt buộc, tiêu chí nào sẽ được sử dụng để xác nhận tính hợp lệ của văn bản/hợp đồng do công ty ban hành/ký kết?

- “Với vấn đề con dấu, câu trả lời hiện nay là: Doanh nghiệp cần có con dấu, nhưng sử dụng hay không thì tùy. Các văn bản trong giao dịch, doanh nghiệp có thể sử dụng hay không sử dụng. Còn các văn bản trong mối quan hệ với cơ quan hành chính Nhà nước phụ thuộc vào các yêu cầu của thủ tục hành chính. Hiện, đại đa số các thủ tục hành chính vẫn yêu cầu doanh nghiệp ký tên, đóng dấu”.


Người nước ngoài choáng vì thủ tục Việt Nam có quá nhiều chữ ký

“Chúng ta phải phấn đấu vì các Nghị định của chúng ta quy định có nhiều chữ ký. Các cán bộ nước ngoài sang Việt Nam cũng phải 'choáng' vì sao thủ tục Việt Nam có quá nhiều chữ ký như vậy”, Nguyễn Tiến Dũng – Công ty Honda Việt Nam – chia sẻ tại Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Doanh nghiệp và hoàn thiện pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh diễn ra sáng 13/5/2015 tại Hà Nội.

“Việc cần quá nhiều chữ ký buộc người đại diện theo pháp luật phải ủy quyền cho những người khác ký. Như công ty tôi, phải ủy quyền cho vài chục người khác nhau ký, và phạm vi ủy quyền của mỗi người khác nhau. Sau khi ủy quyền, làm thế nào để kiểm soát được việc đó. Đây là việc đang xảy ra ở Honda Việt Nam”.

Ông Dũng cho rằng, đây là lý do công ty phải cần con dấu, thậm chí là 2 con dấu để có thể giải quyết được nhiều thủ tục hành chính rườm rà.

“Honda có 2 con dấu do đơn vị công an cấp, nhưng 2 con dấu khác nhau, rất dễ phân biệt. Nhưng hiện dự thảo luật quy định chung chung là mẫu dấu doanh nghiệp phải thống nhất về nội dung, hình thức và kích thước thì rất nguy hiểm. Doanh nghiệp làm khác đi sẽ vi phạm quy định của pháp luật. Đề nghị bổ sung thêm trường hợp doanh nghiệp có nhiều con dấu có thể có những dấu hiệu để phân biệt”, phía Honda Việt Nam kiến nghị.

Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Doanh nghiệp và hoàn thiện pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh diễn ra sáng 13/5/2015.

Mơ hồ về nội dung là doanh nghiệp cần có con dấu hay không, bà Nguyễn Bích Ngọc – Công ty Luật Allens – đề xuất ban soạn thảo dự thảo luật làm rõ việc có con dấu là bắt buộc hay không bắt buộc. Và trong trường hợp bắt buộc, tiêu chí nào sẽ được sử dụng để xác nhận tính hợp lệ của văn bản/hợp đồng do công ty ban hành/ký kết?

Đồng tình với ý kiến trên, luật sư Nguyễn Tiến Lập – thành viên điều hành Văn phòng luật sư NHQuang và Cộng sự - cho biết, khi tìm kiếm trên Google, việc hiểu vấn đề sắp tới có bắt buộc phải có con dấu hay không là 50 - 50.

Ông Lập cho rằng, việc bỏ con dấu là mong muốn đóng góp vào thủ tục hành chính để nâng hạng điều kiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam.

“Đấy là điều tốt nhưng đẻ ra hậu quả phía trước. Ở một nước có truyền thống con dấu lâu đời, bỗng ngày mai tiếp xúc với khách hàng hay bất cứ ai, mà không có con dấu, chỉ có chữ ký, khách hàng hoặc đối tác khó tin cậy văn bản đó xác thực”, LS Lập lý giải.

“Bán một căn hộ tiền tỷ, hay một văn bản Nhà nước mà không có con dấu kèm theo thì độ tin cậy đến đâu? Thêm nữa, tôi e sẽ có hậu quả khi người dân, doanh nghiệp phải đến công chứng để xác thực chữ ký, rồi phải chứng minh người ký là đại diên pháp luật của công ty...”

Con dấu thì cần, còn dùng hay không thì tùy...

“Với câu hỏi doanh nghiệp có cần có con dấu hay không, câu trả lời là doanh nghiệp vẫn cần có con dấu. Còn doanh nghiệp có sử dụng con dấu hay không sử dụng thì tùy trường hợp cụ thể”, ông Phan Đức Hiếu – Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư – khẳng định.

“Các văn bản trong giao dịch, doanh nghiệp có thể sử dụng hay không sử dụng. Còn các văn bản trong mối quan hệ với cơ quan hành chính Nhà nước phụ thuộc vào các yêu cầu của thủ tục hành chính. Hiện, đại đa số các thủ tục hành chính vẫn yêu cầu doanh nghiệp ký tên, đóng dấu”, ông Hiếu cho biết thêm.

“Hiện chúng tôi đang cân nhắc phương án hồ sơ, biểu mẫu đăng ký doanh nghiệp và thay đổi đăng ký doanh nghiệp cũng không nhất thiết đóng dấu để được coi là hồ sơ hợp lệ”.

“Với vấn đề con dấu, câu trả lời hiện nay là: Doanh nghiệp cần có con dấu, nhưng sử dụng hay không thì tùy”, ông Hiếu khẳng định lại.

>> Bỏ con dấu doanh nghiệp: Nên hay không?

Thanh Thủy

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM