Chân dung 'siêu lừa' Huyền Như và khối tiền 4.000 tỉ đồng

13/01/2014 09:57 AM | Pháp luật

Nhiều ngày qua, bên cạnh diễn biến vụ án, câu chuyện "siêu lừa" Huỳnh Thị Huyền Như còn được nhiều người nhắc đến với sự ngạc nhiên bởi "còn trẻ thế mà có thể lừa được khối tiền khổng lồ đến hàng ngàn tỉ đồng".

Nội dung nổi bật:

- Huỳnh Thị Huyền Như sinh năm 1978 tại Tiền Giang. Tháng 9-2011, Huỳnh Thị Huyền Như bị bắt. Tại thời điểm đó, Như đang là phó phòng quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công thương VN - VietinBank, đã từng “làm mưa làm gió” trên thị trường chứng khoán và bất động sản một thời gian dài. 

- Khoảng giữa năm 2008, đầu năm 2009, nhà đất, cổ phiếu lao dốc nhưng Huyền Như không đành cắt lỗ mà ráng gồng gánh tiền lời, vay lãi của người này để trả cho người kia. 

- Như nhờ người giới thiệu khách hàng gửi tiền vào VietinBank với lãi suất cao hơn so với mức trần của Ngân hàng Nhà nước, phần chênh lệch lãi suất được nhận bằng tiền mặt. Lợi dụng chức vụ của mình lúc đó đã là quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Như làm giả nhiều lệnh chi, thoải mái lấy tiền từ tài khoản của khách hàng đem trả nợ tín dụng đen cho mình.



Phiên tòa xét xử vụ án lừa đảo của Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên phó phòng quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam- VietinBank) được nhiều người chú ý không chỉ số tiền chiếm đoạt được xếp vào loại “khủng” nhất từ trước đến nay mà vì Huyền Như còn rất trẻ.

Huỳnh Thị Huyền Như sinh năm 1978 tại Tiền Giang. Theo hộ khẩu thường trú, Như ở phường 22, Q.Bình Thạnh nhưng địa chỉ cư ngụ sau cùng trước khi Như bị bắt là căn nhà mặt tiền đường Tôn Đản, Q.4, TP.HCM.

Tháng 9-2011, Huỳnh Thị Huyền Như bị bắt giam sau khi công an vào cuộc để điều tra vì nhiều đơn tố cáo việc không trả tiền của Huyền Như.

Tại thời điểm đó, Như đang là phó phòng quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công thương VN - VietinBank, đã từng “làm mưa làm gió” trên thị trường chứng khoán và bất động sản một thời gian dài. Đồng thời với công việc tại ngân hàng, Như cũng là thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần chứng khoán Phương Đông (ORS).

Ôm cả bao tải tiền đến lớp học

Nhiều bạn học cùng lớp tại chức luật buổi tối mà Như từng theo học luôn nhớ đến hình ảnh đặc biệt của Huyền Như bởi Như luôn đi học bằng ôtô và nhiều lúc thấy Như khệ nệ bê đến lớp cả bao tải, nhưng không phải sách vở mà là... bao tải tiền.

Bạn bè cũng nhắc đến Huyền Như là một người thành đạt, sở hữu nhiều biệt thự xa hoa, đắt tiền.

Trước đó, Như vẫn được nhiều người thần tượng vì là người phụ nữ giỏi giang, thành đạt và có trong tay tài sản tiền tỉ từ rất sớm.

Những năm 2006-2007, Huyền Như (lúc đó mới 28-29 tuổi, là nhân viên của VietinBank) đã nắm trong tay hàng trăm tỉ đồng từ việc đầu tư nhà đất, cổ phiếu.

Theo hồ sơ vụ án, thấy việc kiếm tiền từ“lướt sóng” nhà đất, cổ phiếu mang đến lợi nhuận quá dễ dàng, Huyền Như lao vào mượn tiền của giới tín dụng đen để kinh doanh, cứ nghĩ việc “lướt sóng” nhà đất, cổ phiếu cũng dễ dàng như trước, chỉ mất vài ngày là Như có thể thu lại vốn kèm theo những món lợi kếch xù, dư sức trả lãi cắt cổ (0,4-2%/ngày) vay dịch vụ tín dụng đen.

Khoảng giữa năm 2008, đầu năm 2009, nhà đất, cổ phiếu lao dốc nhưng Huyền Như không đành cắt lỗ mà ráng gồng gánh tiền lời, vay lãi của người này để trả cho người kia. Có cả chục người làm dịch vụ cho vay lãi là chỗ làm ăn quen thân với Như tại thời điểm này.

Món nợ của Như lên đến 200 tỉ đồng trong khi nhà đất, cổ phiếu rớt giá thảm hại, có cái nếu bán chỉ còn chưa đến 50% mà cũng không ai mua.

Huyền Như thất hứa trả nợ tín dụng đen nhiều hơn, cũng đồng nghĩa với việc phải chịu mức lãi phạt do trễ hạn cao hơn (5-8%/ngày). Các trùm cho vay lãi cũng bắt đầu nhắn tin, điện thoại đe dọa cho người “đập vỡ mặt” hoặc lên ngân hàng của Như để quậy cho Như sợ.

Ý nghĩ lừa đảo tiền của khách hàng gửi tiền vào ngân hàng đã xuất hiện. Như nhờ người giới thiệu khách hàng gửi tiền vào VietinBank với lãi suất cao hơn so với mức trần của Ngân hàng Nhà nước, phần chênh lệch lãi suất được nhận bằng tiền mặt. Điều này đánh trúng tâm lý khách hàng.

Để khách hàng không nghi ngờ, Huyền Như dùng nhiều thủ đoạn khác nhau, trên hết là nhờ người làm con dấu giả của VietinBank chi nhánh Nhà Bè để đóng dấu trên hồ sơ gửi tiền.

Lợi dụng chức vụ của mình lúc đó đã là quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Như làm giả nhiều lệnh chi, thoải mái lấy tiền từ tài khoản của khách hàng đem trả nợ tín dụng đen cho mình.

Đâm lao phải theo lao, cứ đến thời hạn đáo hạn hợp đồng này, Như lại bày kế đưa khách hàng khác vào tròng để lấy tiền trả cho người trước và trả lãi chênh lệch cho chính khách hàng đó, đến khi số tiền lên đến con số khổng lồ gần 4.000 tỉ đồng thì thủ đoạn gian dối của Như bị lật tẩy.

Từ giã xa hoa, siêu lừa "vượt cạn" trong tù

Theo dự kiến, trong phiên tòa của TAND TP.HCM ngày13-1, công tố viên sẽ kết luận vụ án và đề nghị mức án đối với Huyền Như.

Theo Bộ luật hình sự, hình phạt cao nhất của tội “lừa đảo” mà Huyền Như đang bị xét xử là mức án tù chung thân. Việc người phạm tội là phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ (hiện con gái Huyền Như chưa đủ 36 tháng tuổi) được xem là một trong những tình tiết giảm nhẹ theo quy định.

Tháng 9-2011 vụ án được khởi tố, Huyền Như (33 tuổi) bị bắt giam lúc đang mang thai hơn 4 tháng.

Cuộc sống xa hoa trên đống tiền hàng ngàn tỉ của “siêu lừa” chấm dứt. Năm tháng sau, con gái Huyền Như đã phải chào đời trong trại giam thiếu thốn.

Những ngày vừa qua, Huyền Như hầu tòa với khuôn mặt không biểu lộ cảm xúc. “Siêu lừa” thừa nhận mọi việc gian dối mình làm từ việc làm 8 con dấu giả đến giả hàng trăm chữ ký của khách hàng với mục đích duy nhất là lấy được tiền từ tài khoản của họ để trả lãi tín dụng đen.

Thế nhưng, dù Huyền Như có thừa nhận mọi việc đều do mình thực hiện nhưng không khỏi lôi kéo những người thân, bạn bè, cấp dưới của Như vào con đường lao lý.

Chị gái Huyền Như (bà Huỳnh Thị Hạnh) đã bật khóc tại tòa khi khai bà chỉ là người bán hột vịt lộn, không có trình độ năng lực gì nhưng Huyền Như vẫn thuyết phục bà về làm cho Như, giao cho bà làm “giám đốc” Công ty Hoàng Khải do mình thành lập (lương3-8 triệu đồng/tháng).

Quá trình làm việc, chỉ vì tin em gái mà bà đã ký nhiều hợp đồng thế chấp sổ tiết kiệm giả theo hướng dẫn của Huyền Như mà không chút nghi ngờ. “Thật không ngờ Huyền Như lại lừa cả chị mình”, nghe lời trách cứ của chị ruột, người dự khán mới thấy Huyền Như đưa tay quệt nước mắt.

Nhóm nhân viên khác của Huyền Như tại Công ty Hoàng Khải, cán bộ ngân hàng dưới quyền của Như tại Phòng giao dịch Điện Biên Phủ - VietinBank chi nhánh Nhà Bè phải theo Huyền Như đứng trước vành móng ngựa cũng cho rằng chỉ vì quá tin sếp Huyền Như mà làm sai. Nghe những lời khai đầy trách cứ của nhân viên dưới quyền, Huyền Như lần nữa sụt sịt.

Lý giải về việc lừa đảo hàng loạt nạn nhân khiến số tiền chiếm đoạt lên tới ngàn tỉ, Huyền Như nói vẫn biết hành vi của mình là sai nhưng cứ hi vọng “cầm cự” được đến đâu hay đến đó.

Theo hồ sơ vụ án, ngoài con số 4.000 tỉ đồng đã chiếm đoạt của các nạn nhân, số tiền mà Như còn viết giấy đang nợ dịch vụ tín dụng đen (những chủ nợ của Huyền Như cũng hầu tòa về tội “cho vay lãi nặng”) lên đến hơn 1.200 tỉ đồng!

Tuy nhiên, số tài sản mà cơ quan điều tra đã thu giữ, kê biên được của Huyền Như bao gồm gần 40 tỉ đồng tiền mặt, xe ôtô và một số biệt thự, căn hộ cao cấp khác cũng chỉ còn khoảng 230 tỉ đồng, chẳng là gìso với số tiền “siêu lừa” đã chiếm đoạt vàcònđangôm nợ.

Tại phiên tòa, dù Huyền Như cho rằng mình không hề có ý định bỏ trốn nhưng chủ tọa chất vấn “siêu lừa” về phương án trả tiền cho nạn nhân thì Huyền Như không trả lời được. Huyền Như xác nhận đã nhờ một bà chị thân thiết tên Triệu Thị Hương Giang lo dịch vụ làm “thẻ xanh” tại Mỹ. Để làm thẻ xanh này, Như đã bỏ ra hơn 1,1 triệu USD nhưng Như đã bị bắt trước khi có cơ hội dùng đến thẻ xanh trên.


Theo C.Mai

thuyntt

Cùng chuyên mục
XEM