Ca Huế, sửa xe, xe ôm... cũng phải xin phép kinh doanh

26/02/2015 10:58 AM | Pháp luật

Bộ Tư pháp phát hiện 9 văn bản của các bộ, 20 văn bản của địa phương có nội dung không phù hợp với quy định của pháp luật.

Nội dung nổi bật:

- Bộ Tư pháp phát hiện 9 văn bản của các bộ, 20 văn bản của địa phương có nội dung không phù hợp với quy định của pháp luật.

- Có 6 văn bản của 4 tỉnh gồm: Thừa Thiên Huế, Bình Dương, Quảng Bình, Đắc Lắc và Nghệ An tự đặt ra điều kiện kinh doanh đối với một số ngành nghề kinh doanh như: biểu diễn ca Huế; sửa chữa ôtô, môtô, xe đạp,...

- Luật Doanh nghiệp 2005 và Nghị định 102 không cho phép các bộ, cơ quan ngang bộ quy định về kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh.


Bộ Tư pháp vừa có báo cáo Thủ tướng kết quả kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh, trong đó chỉ ra khá nhiều văn bản không phù hợp với quy định của pháp luật.

Bộ đã phân loại, thực hiện kiểm tra 249 văn bản của 16 bộ (6 bộ, cơ quan ngang bộ không ban hành văn bản về điều kiện kinh doanh và kinh doanh có điều kiện); 276 văn bản của 52 địa phương (11 tỉnh báo cáo không ban hành văn bản về điều kiện kinh doanh và kinh doanh có điều kiện, 1 tỉnh không báo cáo).

Qua kiểm tra, Bộ Tư pháp phát hiện 9 văn bản của các bộ, 20 văn bản của địa phương có nội dung không phù hợp với quy định của pháp luật.

Cụ thể, theo Bộ Tư pháp, việc ban hành những văn bản này sai về thẩm quyền vì bộ, cơ quan ngang bộ, hội đồng nhân dân, UBND các cấp không được quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh. Vì vậy việc các bộ, UBND cấp tỉnh quy định các điều kiện buộc doanh nghiệp tổ chức, cá nhân phải tuân thủ mới được thực hiện hoạt động kinh doanh là không đúng thẩm quyền.

Chẳng hạn, có 6 văn bản của 4 tỉnh gồm: Thừa Thiên Huế, Bình Dương, Quảng Bình, Đắc Lắc và Nghệ An tự đặt ra điều kiện kinh doanh đối với một số ngành nghề kinh doanh như: biểu diễn ca Huế; sửa chữa ôtô, môtô, xe đạp; kinh doanh vận tải khách du lịch bằng xe điện bốn bánh, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy...

“Các ngành nghề kinh doanh này chưa có văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định, pháp luật cũng không giao cho các bộ, UBND cấp tỉnh quy định các điều kiện này. Tuy nhiên, xuất phát từ yêu cầu công tác quản lý Nhà nước, thay vì đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền quy định, các bộ, UBND các tỉnh đã ban hành văn bản quy định về điều kiện kinh doanh buộc các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân phải tuân thủ khi thực hiện hoạt động kinh doanh các ngành nghề này”, Bộ Tư pháp đánh giá.

Ngoài các văn bản sai về thẩm quyền, quá trình kiểm tra, Bộ Tư pháp cũng phát hiện có 3 thông tư của 3 bộ là Công Thương, Y Tế, Thông tin và Truyền thông và 1 quyết định của UBND tỉnh Bắc Giang có nội dung liên quan hoạt động quản lý, kinh doanh không phù hợp với quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, còn nhiều văn bản cần được rà soát và xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo Bộ Tư pháp, Luật Doanh nghiệp năm 2005, Nghị định số 102/2010 đã khẳng định: bộ, cơ quan ngang bộ, HĐND, UBND các cấp không được quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh; Ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh áp dụng theo các quy định của các luật, pháp lệnh, nghị định chuyên ngành hoặc quyết định có liên quan của Thủ tướng Chính phủ.

Do đó, Bộ Tư pháp cho rằng, một số bộ và UBND cấp tỉnh ban hành văn bản quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh là trái thẩm quyền, vi phạm quy định pháp luật của Quốc hội, Chính phủ.

“Đây là biểu hiện của sự vi phạm trật tự, kỷ cương hành chính, cần phải được chấn chỉnh, xử lý kịp thời”, Bộ Tư pháp khẳng định.

Bộ Tư pháp cho biết, lý do khiến nhiều địa phương tự đặt ra “luật lệ” riêng cho mình xuất phát từ việc các bộ, ngành địa phương chưa quán triệt đúng và đầy đủ về các quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005 và Nghị định số 102/2010 của Chính phủ; công tác phổ biến pháp luật, quán triệt các quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh, nhất là quy định thế nào là điều kiện kinh doanh, ở nhiều bộ, ngành, địa phương chưa tốt dẫn tới việc hiểu và áp dụng không đúng...

Bên cạnh đó,  dù Luật Doanh nghiệp 2005 và Nghị định 102 không cho phép các bộ, cơ quan ngang bộ quy định về kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, tại các luật, nghị định chuyên ngành, việc giao cho các bộ quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh vẫn còn khá phổ biến. Bộ Tư pháp cho rằng việc giao như vậy cần phải được xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng.

Trước tính trạng trên, Bộ Tư pháp kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, UBND các tỉnh tự kiểm tra, xử lý theo đúng quy định về kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật đối với văn bản sai về thẩm quyền, nội dung; kiểm điểm, xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc tham mưu soạn thảo, thẩm định, thông qua văn bản có nội dung trái pháp luật theo quy định tại Nghị định 40/2010 và pháp luật về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức.

Bộ Tư pháp cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát các văn bản quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh để kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ nhằm đảm bảo sự phù hợp với Luật Đầu tư (sửa đổi) có hiệu lực vào 1/7 tới.

>> Thủ khoa làm thợ mộc còn kỹ sư chạy xe ôm do đâu?

Theo Song Hà

Cùng chuyên mục
XEM