“Bêu” tên doanh nghiệp nợ thuế: Bộ Tài chính có phạm luật?

24/07/2015 08:52 AM | Pháp luật

Theo quy định của Luật Thuế, cơ quan thuế sẽ phải bảo vệ thông tin của doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, Luật cũng quy định: Trường hợp các doanh nghiệp nợ đọng nhiều thuế phải công khai trên thông tin đại chúng.

Bộ Tài chính vừa công bố công khai danh sách 600 doanh nghiệp nợ thuế thuộc 63 cục thuế địa phương, tính đến 30/6/2015, với tổng số lên tới 12.660 tỷ đồng. Ngay sau khi danh sách này được một số phương tiện truyền thông đăng tải đã nhận được phản ứng mạnh của các doanh nghiệp bị “bêu” tên. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, danh sách này của Bộ Tài chính đã không cập nhật vì họ đã nộp thuế rồi tại sao vẫn còn bị xướng tên?...

Xoay quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế Việt Nam.

* Nhiều doanh nghiệp có ý kiến là việc công khai danh sách nợ thuế này đã vi phạm quy định bảo vệ thông tin cho doanh nghiệp, quan điểm của bà như thế nào về ý kiến này?

Đúng là trong quy định của Luật Thuế, cơ quan thuế sẽ phải bảo vệ thông tin của doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, Luật cũng quy định: Trường hợp các doanh nghiệp nợ đọng nhiều thuế phải công khai trên thông tin đại chúng.

Do đó, động thái công bố công khai danh tính của doanh nghiệp nợ thuế thì phù hợp với quản lý, phù hợp với Luật, đồng thời có tác động là khuyến khích các doanh nghiệp phải cố gắng thu xếp xóa nợ đọng, để thương hiệu của mình đẹp hơn.

Đồng thời, nhìn vào kết quả kinh doanh cũng rõ ràng hơn, để định giá hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp tốt hơn và tạo ra hiệu ứng tốt hơn trong kinh doanh của doanh nghiệp.

* Bà có cho rằng Bộ Tài chính nên cập nhật và công khai thường xuyên danh sách các danh nghiệp nợ thuế hay không vì hiệu ứng của việc này khá là tốt?

Vấn đề định kỳ, người ta phải có kết quả công tác kiểm tra hàng năm. Nếu bình thường doanh nghiệp có thể tự khai, tự nộp hoặc các khoản nợ đọng bình thường thì không cần thông báo như vậy. Còn đối với các khoản nợ thuế cơ quan thuế đã nhiều lần yêu cầu nộp mà doanh nghiệp vẫn cố tình không nộp thì mới nên công khai danh tính.

Bên cạnh đó, tôi nghĩ việc công khai nợ thuế cũng tùy vào thời gian hoặc kết quả của công tác kiểm tra. Không nhất thiết phải lúc nào cũng công khai. Những doanh nghiệp nào nợ đọng hoặc cố tình thì có thể phân loại doanh nghiệp để công khai với cấp độ thường xuyên, chứ không phải tất cả đều công khai.

Cũng có trường hợp doanh nghiệp nợ đọng thuế thật nhưng có đề nghị bằng văn bản cho chậm nộp trong năm thì trường hợp đó không cần công khai.

* Bà nghĩ sao khi một số doanh nghiệp phản ánh là danh sách này của Bộ Tài chính không cập nhật, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện nghĩa vụ thuế rồi mà vẫn bị đưa vào danh sách này?

Cái đó phải kiểm tra lại là tại sao. Tôi cho rằng có nhiều nguyên nhân. Chẳng hạn như giấy nộp qua kho bạc hoặc qua ngân hàng, hay qua kênh điện tử, việc kết nối thông tin có thể chưa kịp thời, hoặc thời điểm họ công bố là trước thời điểm nộp.

Ví dụ công bố danh sách nợ thuế buổi chiều, họ nộp buổi sáng thì rõ ràng những thông tin đó họ chưa cập nhật được.

Hoặc thông báo nộp nợ thuế phải mất một ngày (theo quý) chẳng hạn, nhưng tại thời điểm ấy họ chưa nộp, còn khi thông báo thì họ nộp rồi.

Những trường hợp có ý kiến cơ quan thuế sẽ đối chiếu lại thông tin và sẽ có phản hồi thích đáng.

* Một số ý kiến cho rằng, cơ quan thuế nên quyết liệt hơn nữa chẳng hạn như nếu sau nhiều năm không thể thanh toán tiền thuế, doanh nghiệp đã phá sản... thì cơ quan thuế nên yêu cầu họ làm thủ tục phá sản để hoàn thành nghĩa vụ thuế. Bà nghĩ sao về ý kiến này?

Theo Luật phá sản, việc giải quyết phải theo trình tự công nợ của Luật phá sản chứ không phải thu thuế được ngay. Bất cứ doanh nghiệp nào công bố theo Luật phá sản, trình tự thực hiện thủ tục ví dụ hoàn thành nghĩa vụ tiền lương cho người lao động, nộp bảo hiểm...Vì vậy, dù có xảy ra chuyện phá sản họ cũng phải thực hiện theo trình tự đó, chứ không phải cơ quan thuế yêu cầu doanh nghiệp phá sản để thu nợ thì điều đó không bao giờ được.

* Theo số liệu của Bộ tài chính, hiện còn khoảng 72.000 tỷ đồng tiền nợ đọng thuế. Theo bà biện pháp công khai danh tính của doanh nghiệp nợ thuế này có giúp cho ngân sách thu hồi được nhiều tiền nợ đọng hay không?

Điều này còn phụ thuộc vào nội dung nợ đọng thuế, và phụ thuộc vào đối tượng. Nếu có nợ thuế có khả năng thu hồi mà họ đang làm ăn kinh doanh tốt, và thời điểm này người ta đang gặp khó khăn thì có thể qua khó khăn này, việc kinh doanh phục hồi lại thì họ sẽ xử lý được công nợ.

Tuy nhiên, có những đơn vị đang làm thủ tục giải thể, hoặc phá sản rồi. Lúc đó cơ quan thuế không thể thu hồi được tất cả mà theo thứ tự xử lý công nợ như tôi đã nêu ở trên.

Tuy nhiên, tôi cho rằng khi công bố ra thì đây là động thái tốt để doanh nghiệp biết thực tế của mình thế nào, đang đến đâu để cố gắng xử lý.

* Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!

Theo phản ánh của một số doanh nghiệp, danh sách công khai danh tính các doanh nghiệp nợ thuế lần này của Bộ Tài chính lần này là chưa cập nhật chính xác. Bởi lẽ họ đã hoàn thành nghĩa vụ thuế rồi nhưng vẫn bị nêu tên...

Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã chuyển từng trường hợp cụ thể tới Tổng cục thuế và nhận được phản hồi là: Hiện chưa thể khẳng định được cụ thể mọi thứ. Tổng cục thuế sẽ yêu cầu các đơn vị rà soát cụ thể lại từng trường hợp phản ánh để có giải thích một cách chính xác và rõ ràng. Sau khi có kết quả, Tổng cục thuế sẽ phản hồi lại chi tiết và rõ ràng từng trường hợp cụ thể.

Theo Khánh Nhi

Cùng chuyên mục
XEM