Bằng đại học, thạc sĩ... được làm giả và bán như thế nào?

04/12/2012 09:58 AM | Pháp luật

Các đối tượng này scan lại mẫu bằng, chữ ký người đứng đầu của các trường đại học danh tiếng, sau đó chúng chế tạo phôi, dán tem chống hàng giả mua trên thị trường, rồi bán...

Ngày 22.11, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã bắt quả tang đối tượng Trần Văn Thắng (SN 1977, trú tại 663 Trương Định, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đang giao bằng đại học giả cùng bảng kết quả học tập của một số trường danh tiếng tại Hà Nội cho Đỗ Lương Hoài (SN 1989, ở huyện Từ Liêm, Hà Nội).

Trần Văn Thắng (phải) và Đỗ Lương Hoài - Hai đối tượng làm giả bằng tại cơ quan điều tra

Theo điều tra của cơ quan công an, Trần Văn Thắng là người trực tiếp sản xuất bằng giả ngay tại nhà riêng, còn Đỗ Lương Hoài là đối tượng môi giới, tìm kiếm khách hàng, rồi chuyển cho Thắng sản xuất.
Qua khám xét nhà Thắng, cơ quan công an thu giữ 230 con dấu đồng giả các cơ quan Nhà nước, nhiều trường đại học danh tiếng, 4 máy in, scan, 1 bộ máy vi tính và 1 thùng phôi các loại là phương tiện mà Thắng dùng để làm bằng, tài liệu cơ quan tổ chức giả.

“Các đối tượng này sử dụng phương thức scan lại mẫu bằng, chữ ký người đứng đầu của các trường đại học danh tiếng, sau đó chúng chế tạo phôi, dán tem chống hàng giả mua trên thị trường, rồi bán cho người có nhu cầu”, trung tá Lại Anh Tuấn - Đội phó Đội An ninh, Công an quận Hoàn Kiếm cho biết.

Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận, trung bình mỗi tấm bằng đại học, cao đẳng giả được bán với giá từ 5 – 8 triệu đồng. Những tấm bằng có học vị cao như thạc sĩ , tiến sĩ có giá thì giá nhỉnh hơn. Để tránh để cơ quan điều tra phát hiện, các đối tượng thực hiện nguyên tắc chỉ bán cho những người lạ dưới hình thức rao bán trên mạng, qua thông tin trên các diễn đàn và mạng xã hội.

Bằng giả được các đối tượng làm rất tinh vi nên bằng mắt thường rất khó để phát hiện

Một điều đáng lưu ý là những tấm bằng giả trên được làm rất giống với bằng thật. Vì vậy, khi những bằng cấp giả này được mang ra công chứng tại UBND cấp phường, xã thì hầu như không bị phát hiện.
Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn – Phó trưởng công an quận Hoàn Kiếm cho biết: "Bằng mắt thường rất khó nhận biết bằng thật, bằng giả bởi chúng được làm khá là tinh vi. Bên cạnh đó, việc công chứng bằng cấp do cán bộ UBND cấp phường thực hiện nên rất dễ để lọt. Đây chính là kẽ hở cho những đối tượng làm giả".

Cơ quan nhà nước còn để lọt thì thật khó để các nhà tuyển dụng lao động có thể phát hiện. Trong thực tế, một số doanh nghiệp trong quá trình tuyển dụng đã nhờ cơ quan đào tạo xác minh bằng cấp của các ứng viên rồi sau đó mới đưa ra quyết định tiếp nhận hay tiếp không nhận. Tuy nhiên, chỉ số ít doanh nghiệp làm điều này, còn lại đa phần đều bỏ qua khâu kiểm tra này.

Chính sự lỏng lẻo trong công tác kiểm tra, xác minh hay việc quá đề cao tiêu chuẩn bằng cấp hơn năng lực cá nhân ở một số cơ quan tuyển dụng khiến một số người chạy theo bằng cấp, kể cả mua bằng giả. Đây là nguyên nhân chính làm nảy sinh một số kẻ dám bất chấp pháp luật để làm giả bằng cấp hòng trục lợi.

Theo Xuân Lực
Dân Việt

tanhoa

Từ khóa:  bằng giả
Cùng chuyên mục
XEM