Ban hành quy định kiểu... Việt Nam

21/04/2014 16:27 PM | Pháp luật

Việc ban hành những quy định liên quan đến hàng trăm, hàng ngàn người ở nước ta... nhiều khi lại chưa được coi trọng.

Nội dung nổi bật: Điểm chung của quá trình ra luật là: 

- Cơ quan quản lý, đúng ra là một vài cá nhân hoặc vài đơn vị phát hiện vài doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trục lợi; ngay lập tức, họ đề xuất, kiến nghị cơ quan cấp trên phải làm việc A, việc B, việc C; 

- Cơ quan cấp trên thấy có lý, ký duyệt ban hành mà chưa kịp đánh giá quy định đó sẽ tác động ra sao đến số đông, có đúng với luật hiện hành hay không; 

- Đến khi người trong cuộc phản ứng, đứng sau lại có UBND tỉnh này, hiệp hội ngành hàng kia cùng những hậu quả cụ thể được chỉ ra, văn bản được rút lại. Mọi chuyện hòa cả làng.

Theo thống kê của Bộ Tư pháp, đơn vị này ra quyết định thu hồi hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật ban hành sai quy định.



Những bức xúc hiện nay của cộng đồng doanh nghiệp đối với Thông tư 219/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng (GTGT) là một ví dụ. 

Mới đây nhất, Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi đã lên tiếng rằng cơ quan ban hành văn bản đã nhầm lẫn khái niệm giữa nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi nên áp thuế bất hợp lý. Chưa hết, bản thân các điều khoản trong thông tư lại mâu thuẫn, lắt léo đến mức mỗi cơ quan thực thi áp dụng mỗi kiểu. Hậu quả là hàng trăm tấn bắp, khoai mì nhập khẩu bị áp thuế vô lý.

Đây không phải là lần đầu tiên Thông tư 219 bị kêu ca, phàn nàn. Theo quy định, khi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, từ luật xuống nghị định, thông tư hướng dẫn, đều phải công khai dự thảo để người dân góp ý. Khi ban hành, phải đăng công báo và hiệu lực của văn bản không được sớm hơn 45 ngày kể từ ngày công bố hoặc ký. 

Thế nhưng, thời điểm ban hành và có hiệu lực của Thông tư 219 chỉ cách nhau có... một ngày: 31-12-2013 và 1-1-2014. Điều đó có nghĩa nó cũng chưa kịp đăng công báo để mọi người đều biết. Nhiều hiệp hội ngành nghề phản ánh họ không hề được mời góp ý. Có lẽ vì vậy mà khá nhiều nội dung không sát với thực tế và chính cơ quan này đã phải có những văn bản “con” để gỡ khó.

Hay một câu chuyện thời sự khác là quy định tập kết hàng hóa trước khi khai và nộp tờ khai hải quan do Tổng cục Hải quan ban hành. Quy định này ngay từ thời điểm phát đi, dù chưa có hiệu lực, đã bị các doanh nghiệp, hiệp hội chỉ ra những bất hợp lý, khó khăn khi thực hiện. Không chỉ vậy, chính những người trong ngành - trực tiếp thực thi quy định, cũng than là không thể làm nổi.

Cuối cùng, ba ngày trước khi quy định trên bắt đầu có hiệu lực, Tổng cục Hải quan ra một công văn khác để gỡ khó, cho phép nhiều đối tượng doanh nghiệp, ngành hàng không phải tuân thủ. Đây không phải là lần đầu cơ quan quản lý về hải quan ban hành và rút lại quy định sau một thời gian ngắn.

Điểm chung của quá trình là: cơ quan quản lý, đúng ra là một vài cá nhân hoặc vài đơn vị phát hiện vài doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trục lợi; ngay lập tức, họ đề xuất, kiến nghị cơ quan cấp trên phải làm việc A, việc B, việc C; cơ quan cấp trên thấy có lý, ký duyệt ban hành mà chưa kịp đánh giá quy định đó sẽ tác động ra sao đến số đông, có đúng với luật hiện hành hay không; đến khi người trong cuộc phản ứng, đứng sau lại có UBND tỉnh này, hiệp hội ngành hàng kia cùng những hậu quả cụ thể được chỉ ra, văn bản được rút lại. Mọi chuyện hòa cả làng.

Một chuyên gia kinh tế chia sẻ rằng, bản thân ông được nhiều bộ, ngành mời góp ý cho các đạo luật, nghị định. Trong nhiều buổi làm việc, những người viết luật “đấu” không lại với chuyên gia về những bất hợp lý của quy định. Cuối cùng, những người này nói thẳng rằng, không thể sửa vì chỉ đạo từ phía trên là như vậy. “Luật không đi vào cuộc sống là vì thế. Chúng tôi vẫn thường nói vui với nhau rằng đây là gọt chân theo giày chứ không phải làm giày theo chân”, chuyên gia này chia sẻ.

“Luật không đi vào cuộc sống là vì thế. Chúng tôi vẫn thường nói vui với nhau rằng đây là gọt chân theo giày chứ không phải làm giày theo chân”.

Đó là chưa kể trong rất nhiều nghị định, thông tư, việc xây dựng được phân công cho từng nhóm mà những người thực hiện nhiệm vụ lại không liên hệ với nhau, rồi thì người này chuyển công tác, người sau làm theo ý mình. Nhiều bộ luật được xây dựng có những điều “mở”, nghĩa là để mở một số khả năng. Các cơ quan cấp dưới khi ban hành hướng dẫn thì tùy cách hiểu, tùy tình hình, tùy thời điểm mà ấn định như thế nào. Thế mới có chuyện thông tư hướng dẫn vênh nghị định, luật và mỗi nơi hiểu mỗi kiểu.

Hàng năm, theo thống kê của Bộ Tư pháp, đơn vị này ra quyết định thu hồi hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật ban hành sai quy định. Hàng ngày, các cơ quan thực thi như hải quan, thuế... phải đối chiếu hàng chục, hàng trăm văn bản để tính thuế cho từng mặt hàng nhập khẩu và thường kêu trời vì mỗi nơi mỗi khác. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm và dự báo chưa có hồi kết. Hậu quả người dân, doanh nghiệp chịu.

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM