Phân nửa thời lượng chỉ loay hoay gõ dừa, Shark Linh cuối cùng cũng rót 2 tỷ đồng cho 2 bạn trẻ muốn đưa trái dừa Việt Nam ra thế giới

16/08/2018 19:45 PM | Kinh doanh

Phân nửa thời lượng gọi vốn của dự án dừa xiêm xanh bật nắp khoen là những trao đổi về tình hình tài chính của các cá mập và Cocolala trên nền âm thanh dùng thìa đập dừa liên tục của Shark Linh.

Startup lỗ lũy kế 700 triệu đồng, cạn vốn đến Shark Tank với tia hi vọng cuối cùng

Mang đến chương trình Shark Tank Việt Nam sản phẩm dừa bật nắp khoen Cocolala, Nguyễn Tấn Lộc của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Khi ta trẻ hy vọng sẽ gọi được vốn từ nhà đầu tư để vực dậy doanh nghiệp đang thua lỗ.

Sản phẩm của Startup này là trái dừa tươi, sau khi gọt vỏ, qua quá trình bảo quản và đóng nắp khoen khá tiện dụng. Khi sử dụng, khách hàng chỉ cần mở nắp lên như lon bia hay lon nước ngọt là có thể sử dụng. Ý tưởng này dựa trên tính an toàn, sự tiện dụng và nâng cao giá trị cho trái dừa Việt Nam.

Lộc cho rằng Việt Nam đang có trữ lượng dừa đứng thứ 6 trên thế giới nhưng giá trị nông sản lại thua Thái Lan, bởi vùng nguyên liệu quá manh mún, có tiêu chuẩn chất lượng organic chưa cao.

Vì vậy, mang tham vọng tạo đầu ra ổn định cho ngành dừa, tạo thương hiệu cho dừa Việt Nam, nâng cao giá trị sử dụng. Tấn Lộc mong muốn kêu gọi 2 tỷ đồng đổi 30% cổ phần từ các nhà đầu tư để phát triển sản phẩm.

Sản phẩm dừa Cocolala trái bé có giá 25.000 đồng/trái, trái vừa và to có giá bán lẻ lần lượt ở mức 30.000 - 35.000 đồng/trái.

Trước chất vấn của Shark phú về cấu thành giá của sản phẩm, Lộc cho biết sản phẩm có giá gốc trung bình 12.000 đồng/trái (đã cộng thêm chi phí vận chuyển), chi phí gia công 6.500 đồng/trái. Như vậy, Lộc có lời khoảng 4.000 - 5.000 đồng/trái.

Lý giải về chi phí nhân công khá cao, Lộc cho biết chỉ tính riêng nắp khoen thì phụ liệu này Việt Nam không sản xuất được, phải đặt số lượng lớn từ nước ngoài.

Trong khi các Sharks liên tục "xoay" Lộc về vấn đề tài chính, Shark Linh loay hoay tìm cách mở phần nắp khoen quả dừa lớn hơn để có thể thưởng thức cơm dừa của sản phẩm. Nhận được sự hướng dẫn của Lộc, Shark Linh mượn thêm cái muỗng và liên tục gõ gõ vào quả dừa trong khi các cá mập còn lại tiếp tục "xoay" Lộc về tài chính, vì bạn trẻ này có vẻ thiên về năng lực nghiên cứu và sản xuất, chứ không rành về quản trị.

Tính trách nhiệm của DN đang lỗ trăm triệu: Từng bị đối tác trộn dừa kém chất lượng, Cocolala quyết định đề bù toàn bộ lô hàng

Phân nửa thời lượng chỉ loay hoay gõ dừa, Shark Linh cuối cùng cũng rót vốn 2 tỷ cho bạn trẻ muốn đưa trái dừa Việt Nam ra thế giới - Ảnh 1.

Trình bày về tình hình tài chính, Tấn Lộc cho hay công ty có vốn điều lệ 1,9 tỷ đồng. Vì là công ty sản xuất, không thuần thương mại nên hiện rơi vào tình trạng lỗ lũy kế khoảng 700 triệu đồng.

Trước thắc mắc của Shark Dzung rằng liệu sản phẩm dừa này có được bơm đường hay chất gì, vì nước rất ngọt, Lộc giải thích đây là dừa xiêm xanh - loại dừa ngon chuyên dùng để xuất khẩu.

"Trong quá trình sản xuất, em từng bị một đối tác lấy dừa khác trộn vô, lúc đưa cho khách hàng bên Novaland, họ kêu "Sao dừa đợt này chất lượng đi xuống". Em mới phát hiện nguyên lô đó không phải dừa xiêm xanh. Em phải đền bù hết nguyên lô hàng đó cho họ".

"Đã cho khách hàng uống đồ ngon, sau cho uống đồ dở họ sẽ không bao giờ dùng sản phẩm nữa", Lộc chia sẻ.

Sau khi nhờ sự giúp đỡ của Shark Hưng và thưởng thức được cơm dừa, Shark Linh mới tham gia màn chất vấn, hỏi thị trường xuất khẩu của Cocolala.

Lộc cho biết Cocolala hiện có khách hàng tiềm năng tại các thị trường lớn như: NewYork, Trung Quốc, Singapore, Hồng Kông. Tháng 8, doanh nghiệp cũng sẽ hợp tác với hãng hàng không Jetstar để phân phối sản phẩm phục vụ hành kháwch trên các chuyến bay.

Đánh giá quy mô và giá trị gia tăng của Cocolala không lớn, ba Shark Phú, Hưng và Dzung Nguyễn lần lượt lắc đầu từ chối. "Cá mập" công nghệ nhận xét: "Tên thương hiệu không quan trọng bằng đầu vào của trái dừa, đặc biệt là kênh phân phối hiện nay của em khá khó để tăng quy mô".

Nhìn thấy tương lai của sản phẩm, Shark Việt đưa ra đề nghị đầu tư 2 tỷ cho 50% cổ phần, ông muốn startup đưa ra các chiến lược kinh doanh. Tương tự, Shark Linh cũng đưa ra đề nghị 2 tỷ đồng cho 30% và lấy 50% doanh thu trên sản phẩm đến khi hết 2 tỷ đồng. Tức, sau khi rút hết vốn bỏ ra, Shark Linh sẽ là cổ đông bình thường và vẫn nắm giữ 30% cổ phần.

"Chị thích sản phẩm này, khi xuất khẩu có nhiều người nước ngoài rất quý sản phẩm tươi của Việt Nam", bà Linh nói.

Bối rối trước những lời đề nghị từ các Shark, Tấn Lộc quyết định trao quyền quyết định cho cố vấn tài chính Hồ Diễm Phượng. Với kinh nghiệm lâu năm trong ngành tài chính, Diễm Phượng bước vào bàn đàm phán cùng Shark Linh bằng lời đề nghị sau khi rút hết 2 tỷ đầu tư, Shark sẽ nắm giữ 10% cổ phần.

Phượng cho biết, cô dành nhiều thời gian "đi lang thang" để kết nối những người làm nông sản sạch với nhau.

Tuy nhiên, mức cổ phần quá thấp không đủ để nhà đầu tư yên lòng khi Tấn Lộc chỉ đam mê sản xuất nhưng không thành thạo về quản trị. "Cá mập" đến từ VinaCapital thỏa hiệp, nếu Phượng cùng làm chung, thì bà có thể giảm mức cổ phần hoán đổi xuống, vì "cảm thấy rủi ro giảm xuống khi bộ máy quản trị có thêm người chuyên về kinh doanh".

Bà cũng cho biết khi Cocolala trả hết 2 tỷ đồng, bà sẽ đầu tư thêm.

Phượng nhận được ủy quyền từ Lộc, thỏa thuận lại với mong muốn Shark Linh vẫn rót 2 tỷ đồng đổi lấy 30% cổ phần, mỗi tháng rút lại 30% doanh số bán ra, đến khi hết 2 tỷ đầu tư thì cổ phẩn giảm xuống còn 15%. Đồng thời, cố vấn Hồ Diễm Phượng sẽ chính thức gia nhập vào đội ngũ điều hành của Cocolala.

Shark Linh đồng tình với đề xuất này. "Sản phẩm này Linh đã thấy nhiều lần và cũng muốn đầu tư từ trước, nhưng đợt đấy có quá nhiều nhà đầu tư rồi. Có bạn này (Hồ Diễm Phượng - PV) Linh mới yên tâm", Shark Linh chia sẻ cuối chương trình.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM