Phải đóng 2/5 số cửa hàng và bài học đắt giá của cô chủ trẻ Koh Samui về kinh doanh chuỗi

23/06/2016 09:53 AM | Kinh doanh

Sau khi được cộng đồng startup vinh danh, các quán Thái Koh Samui của Nguyễn Hà Linh trở thành một biểu tượng của những người trẻ yêu khởi nghiệp. Tuy nhiên, chỉ thời gian rất ngắn sau, Koh Samui đã đóng cửa 2/5 cửa hàng.

Nguyễn Hà Linh là một cô gái mạnh mẽ. Sinh năm 1988, chẳng có cha mẹ “lót đường”, Linh vẫn quyết định bỏ ngang học hành để chạy theo đam mê kinh doanh. Sau chuỗi trung tâm tiếng Anh IBest, sau các quán Cộng cà phê franchise (nhượng quyền), Koh Samui trở thành đứa con tinh thần của Nguyễn Hà Linh, và thương hiệu này cũng đã tạo nên trend đồ ăn Thái trong giới trẻ Hà thành.

“Hiệu trưởng vô học” hay “cô gái bỏ đại học, thu nhập hơn 200 triệu đồng/tháng” là những gì báo giới viết về cô.

Đầu năm 2016, Linh được vinh danh là một trong 30 người trẻ tuổi nổi bật nhất Việt Nam (Danh sách top 30 under 30 do Forbes bình chọn). Tuy nhiên, kinh doanh không phải lúc nào cũng dễ dàng. Chỉ chưa đầy 1 tháng sau, 2 trên 5 quán Koh Samui của cô trên phố Phạm Ngọc Thạch và Nhà Chung đã phải đóng cửa.

Mỗi thương hiệu đều có giai đoạn thăng trầm, hoặc phải buông bỏ, hoặc phải đổi mới…


Hình ảnh founder Nguyễn Hà Linh (thứ 2, từ trái sang) nhân dịp kỷ niệm 1 năm thành lập Koh Samui. Ảnh: NVCC.

Hình ảnh founder Nguyễn Hà Linh (thứ 2, từ trái sang) nhân dịp kỷ niệm 1 năm thành lập Koh Samui. Ảnh: NVCC.

Khi nói về thương hiệu Koh Samui, Nguyễn Hà Linh cho biết, trong 2 năm vận hành, Koh Samui cũng có những vấp ngã, nhưng đã có nhiều thử nghiệm món ăn, đã tạo ra được trào lưu, và nhất là phủ sóng được tên thương hiệu mà khi nhắc đến đồ ăn tráng miệng Thái mọi người đã nhớ đến cái tên Koh Samui.

“Một thương hiệu sẽ có những giai đoạn thăng trầm, có giai đoạn bắt buộc phải buông bỏ, hoặc phải đổi mới. Nếu không, thương hiệu sẽ hoàn toàn tụt hậu”, Linh tâm sự.

Những người lập nên Koh Samui lúc đầu chỉ nghĩ đến việc mở một quán rất nhỏ, bởi đã trót thuê cửa hàng, chứ không hề có một mục tiêu hay cam kết về một chặng đường dài với nhau. Cho nên, sự cống hiến của mỗi người một khác.

Với nhóm cổ đông này, cái khó và fail là họ không thích nghi được với sự phát triển nhanh của Koh Samui.

“Khi tốc độ mở rộng nhanh hơn tốc độ ổn định về vận hành, cũng như chất lượng dịch vụ, sản phẩm không đảm bảo đồng đều cùng chất lượng mở rộng, nó sẽ gây ra sự không đồng đều giữa các outlet. Trước kia, do nhận thức rằng thương hiệu của mình không khó để copy, chúng tôi quyết định phải mở rộng để chiếm lĩnh thị trường, vừa để phủ sóng, vừa để định vị trong tâm trí khách hàng là khi nhắc đến đồ ăn Thái tráng miệng là nhắc đến Koh Samui”, Linh kể.

Và vấn đề bắt nguồn từ đây… Khi mở rộng, Koh Samui không mở rộng theo hướng cổ đông đầu tư mà mở rộng theo hướng nhượng quyền (franchise). Khi mở rộng theo cách này quá nhanh, những người nhận nhượng quyền chưa hợp nhau về quan điểm trong kinh doanh, cũng như cổ đông phụ trách chưa cung cấp đủ các công cụ để họ vận hành, quản lý quán chặt chẽ, dẫn đến lợi nhuận thu về không như ý muốn,trong khi chất lượng dịch vụ không đồng đều ở một số địa điểm.

“Khi doanh thu rất cao mà lãi thu về không tương xứng với doanh thu khủng, mô hình đó sẽ cần phải chữa. Cái may mắn là mình biết mình “bệnh” ở đâu để chữa”, Linh cho biết.

E ngại khách hàng đánh giá kém toàn bộ hệ thống dựa vào 1 - 2 địa điểm không đáp ứng được tiêu chuẩn dịch vụ đề ra, nhóm cổ đông mạnh dạn đưa ra quyết định thu gọn để củng cố và đổi mới mô hình để bảo đảm cho một bước đi dài hơi hơn.

“Thực tế, làm kinh doanh ai cũng phải chất nhận rủi ro thất bại. Bản thân tôi cũng đã thất bại nhiều lần. Những lần chuyển đổi từ mô hình này sang mô hình kia cũng là thất bại, bởi mình chưa kiên trì theo đuổi mô hình đó mà hướng tới những mô hình mới, sự trải nghiệm mới", Linh cho biết.

Mặc dù vậy, Linh cũng tự tin chia sẻ, thất bại hiện tại của Koh Samui không làm cô nản lòng.

"Thà đóng cửa còn giữ được thêm uy tín của mình còn hơn là chạy theo lợi nhuận để đến cuối cùng như một cái bong bóng vỡ ra, sẽ chẳng còn lại gì”.Tôi nghĩ trước 30 tuổi chẳng ngại gì mà không thất bại”.

Con đường của Startup cũng như đồ thị hình sin, vốn dĩ lúc chìm, lúc nổi. Với Nguyễn Hà Linh, dù 2 nhà hàng đã đóng cửa, nhưng Linh đã gặp được những người đồng hành với mình – những đối tác có kinh nghiệm chinh chiến ngành ẩm thực ở các tập đoàn lớn mà Linh gọi là “tuyệt vời để chạy theo con đường dài hơi”.

Nguyên Bảo

Cùng chuyên mục
XEM