PGS. TS. Ngô Trí Long: Tăng trưởng kinh tế khó đạt, nhưng lạm phát có nguy cơ vượt trần

07/07/2016 11:52 AM | Kinh tế vĩ mô

Kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn khó có khả năng ghi nhận tốc độ tăng tưởng cao khi những nền tảng cho tăng trưởng chưa được thiết lập chắc chắn. Trong khi đó, lạm phát 2016 không loại trừ sẽ vượt qua mức mục tiêu 5% Chính phủ đặt ra.

Cùng với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm tăng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn khi một số lĩnh vực tăng trưởng thấp hoặc có xu hướng giảm.

Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm ước tính tăng 5,52% so với cùng kỳ năm 2015. Điều này cũng có nghĩa là để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2016 ở mức 6,7% như mục tiêu Chính phủ và Quốc hội đã đề ra, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm phải đạt tối thiểu 7,6%.

Lạm phát tính theo CPI 6 tháng đầu năm ở mức 0,46%, tuy còn cách khá xa mức trần lạm phát 5% do Chính phủ đặt ra, song đây vẫn là một biến số khó lường và đòi hỏi cẩn trọng trong điều hành.

“Lạm phát tiềm ẩn khả năng diễn biến bất thường, vì từ nay đến cuối năm 2016 có nhiều yếu tố dự báo sẽ gây áp lực lên CPI, đặc biệt trong nửa năm sau khi các mặt hàng y tế và giáo dục được đồng loạt điều chỉnh, thiên tai, thời tiết mất mùa; tăng lương cơ bản; độ trễ của tăng cung tiền; áp lực tỷ giá…”, chuyên gia kinh tế - PGS.TS. Ngô Trí Long đưa ra nhận định tại hội thảo “Diễn biến giá cả, thị trường ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2016”.

Về phía doanh nghiệp, theo ông Long, phải kể đến lãi suất vay ngân hàng còn cao, tiền thuê địa điểm sản xuất kinh doanh khá lớn, các phí “bôi trơn” khá phổ biến…

Những yếu tố này đã làm giảm, thậm chí triệt tiêu lợi nhuận của doanh nghiệp. Doanh nghiệp muốn sống được đã phải tìm cách nâng giá bán như nâng đơn giá, giảm lượng, thậm chí cân đo thiếu…

Trong khi hiệu quả đầu tư giảm, tốc độ tăng năng suất lao động, vốn là yếu tố sâu xa và tiềm ẩn của lạm phát lại thấp hơn năm trước, nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại và không đạt được mục tiêu.

Bên cạnh đó, tín dụng năm ngoái tăng gần 18% mà độ trễ tác động sẽ khoảng 3 – 6 tháng. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng năm nay dự kiến ở mức 18-20%, nên cũng sẽ tạo áp lực nhất định đến lạm phát, dù một phần tác động ngay trong năm nay, một phần tác độn sang năm sau theo độ trễ.

Cầu của nền kinh tế đã có sự khởi sắc mạnh, đặc biệt khi nhìn vào lĩnh vực bất động sản.

“Trong bối cảnh đó, rất nhiều khả năng mục tiêu lạm phát không quá 5% của năm 2016 sẽ bị phá vỡ nếu không kiểm soát chặt lượng cung tiền ra nền kinh tế”, ông Long nhận định.

Mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay, theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế là khó có thể đạt được. Theo ông Long, tăng trưởng kinh tế cả năm 2016 sẽ ở mức 6% cho kịch bản thấp, và dưới 6,5% ngay cả trong trường hợp có nhiều điều kiện thuận lợi hơn.

“Mục tiêu tăng trưởng 6,7% cho năm 2016 do Quốc hội đề ra nhiều khả năng không thể đạt được. Mặc dù có những yếu tố thuận lợi cho tăng trưởng trong trung hạn, kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn khó có khả năng ghi nhận tốc độ tăng tưởng cao khi những nền tảng cho tăng trưởng chưa được thiết lập chắc chắn”, ông Long nói.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM