PGS. TS Chu Cẩm Thơ: Đã đến lúc ngành giáo dục phải mạnh mẽ hơn, giáo viên cần tự thay đổi bản thân, đừng chờ tập huấn

24/05/2019 15:47 PM | Kinh doanh

Vì thế hệ tương lai bắt đầu từ giáo dục, nên đã đến lúc ngành giáo dục Việt Nam cần phải tự thay đổi bản thân, bắt đầu từ giáo viên và sau đó là đến các nhà khoa học làm trong lĩnh vực này.

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, với sự tham gia mạnh mẽ của thành phần kinh tế tư nhân vào hệ thống giáo dục Việt Nam từ cấp Mầm non, Tiểu học đến Đại học và sau Đại học, bộ mặt của nền giáo dục của chúng ta đã thay đổi đáng kể.

Hằng ngày tiếp xúc với nhiều chương trình và phương pháp học tập khác nhau từ khắp nơi trên thế giới du nhập vào Việt Nam, các trường công (vẫn là xương sống của nền giáo dục) cũng có vài thay đổi theo hướng tích cực; nhưng theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ – Phó trưởng Ban phụ trách Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam - Bộ GD&ĐT), thì từng đó vẫn chưa đủ.

Bà Chu Cẩm Thơ tốt nghiệp Khoa Toán – Tin trường Đại học Sư Phạm Hà Nội năm 2003 và được trường giữ lại làm giảng viên. Trong quá trình công tác, bà đã bảo vệ luận án Tiến sĩ năm 2010 với đề tài "Vận dụng các phương pháp kích thích tư duy trong dạy học môn Toán ở trường Phổ thông". Năm 2016 bà được hội đồng chức danh giáo sư nhà nước công nhận là phó giáo sư.

PGS.TS Chu Cẩm Thơ vừa được Forbes Việt Nam vinh danh ở hạng mục "50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019".

"Trong hơn 20 năm qua, ngành giáo dục trên thế giới đã phát triển rất nhanh và ngày nay nó đã rất khác so với hồi xưa. Do đó, ngành giáo dục Việt Nam cần phải thay đổi mạnh mẽ hơn nữa.

Nói rằng, thầy cô chính là lực lượng thay đổi thế giới không sai, vì thế hệ tương lai như thế nào sẽ được định hình từ ngành giáo dục. Bước đầu tiên để thầy cô chúng ta có thể làm được điều đó chính là tự thay đổi bản thân, đừng chờ vào các chương trình tập huấn", bà Chu Cẩm Thơ nhắn nhủ đồng nghiệp.

Tất nhiên, bà hiểu nỗi sợ hãi của các giáo viên Việt Nam khi phải thay đổi và bước ra khỏi vùng an toàn, nhưng "nếu chúng ta không làm thì ai sẽ làm?". Thêm nữa, từ những gì mà bà đã làm để vượt qua những định kiến khác nhau của xã hội, bà Chu Cẩm Thơ cho rằng, nhiều khi sự việc cũng không quá đáng sợ như chúng ta nghĩ.

"Sở dĩ, tôi không thích 2 từ ‘không được’ và ‘phải’ là bởi từ nhỏ đến lớn tôi đã phải nghe quá nhiều về chúng. Nhà tôi có 4 chị em gái và mong ước của mẹ tôi là khi chị em chúng tôi khi lớn lên phải có đầy đủ công dung ngôn hạnh, phải được mọi người yêu quý.

Mẹ tôi muốn tôi thi vào ngành sư phạm bởi bà nghĩ, ngành nghề này sẽ khiến tôi phải kiềm chế bớt tính tình, giúp tôi an toàn. Khi thấy tôi luôn say mê công việc và học vị ngày càng cao, mọi người nghĩ tôi sẽ không có được chồng hay không biết nấu ăn.

Khi bước chân vào con đường nghiên cứu, tôi lại thấy một luật bất thành văn như thế này: các đề tài khoa học là phải nhờ sự bảo trợ của nhà nước. Do hoàn cảnh gia đình, tôi chưa từng đi du học, cũng không ít người nói với tôi rằng: người không học ở nước ngoài sẽ không được cái này cái kia", bà Chu Cẩm Thơ kể.

Tuy nhiên, trong thực tế cuộc sống, bà cảm thấy, mình luôn "làm được". Bà đã có chồng và biết nấu cơm. Bà cùng cộng sự dù không thụ động chờ sự bảo trợ của nhà nước vẫn thực hiện thành công dự án POMath.

POMath là chương trình dạy toán đã được bà Chu Cẩm Thơ và các cộng sự của mình ấp ủ từ năm 2002. Đây là phương pháp học toán phù hợp với những đặc điểm tư duy, tính cách và nền tảng của trẻ em Việt; học toán theo kiểu trải nghiệm, giúp trẻ em tiếp cận toán học một cách gần gũi và dễ dàng hơn. Với POMath thì "trong toán có thơ, trong thơ có toán".

Chưa hết, bà còn thành lập công ty POMath nhằm dạy toán cho học sinh theo phương pháp POMath, xây dựng các trung tâm trải nghiệm toán học cũng như đào tạo – phát triển chương trình toán học POMath cho nhà trường. Với sự phát triển của dự án POMath, rõ ràng, tại Việt Nam, giới khoa học có thể tự sống tốt nếu tạo ra được sản phẩm tốt và có thể thương mại hóa. "Đừng chờ đợi, muốn làm gì hãy làm đi", bà Chu Cẩm Thơ lần nữa nhắn nhủ với các đồng nghiệp.

POMath hiện đã có 12.232 học sinh và 357 giáo viên cùng 44.870 tiết học. Tại địa bàn Hà Nội, đã có nhiều trường Tiểu học áp dụng chương trình POMath cho môn toán. Thông qua POMath, bà Chu Cẩm Thơ và đồng sự muốn phần nào đó giúp thay đổi tư duy dạy môn toán nói riêng và các môn học khác nói chung của giáo viên Việt Nam.

Dù không có điều kiện học nước ngoài vẫn không sao, chỉ là phải đi đường vòng một tí, sau khi các công trình nghiên cứu của bà được quốc tế công nhận thì Việt Nam cũng công nhận.

Có vẻ, dù nghe lời mẹ học ngành sư phạm và gắn bó với ngành giáo dục, song có vẻ bà Chu Cẩm Thơ không thể "an phận thủ thường" theo mong ước của mẹ!

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM