PCI tạo áp lực cải cách địa phương

14/03/2017 10:38 AM | Kinh tế vĩ mô

PCI là một công cụ thúc đẩy các tỉnh phải sốt ruột cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Cùng với đó, DN ngày càng thể hiện vai trò là đối tác, khách hàng của chính quyền địa phương.

Nếu như Nghị quyết 19 buộc chúng ta phải so sánh với các nước xung quanh và trên thế giới, thì PCI thúc đẩy các tỉnh so sánh với nhau. Đến hôm nay, hiệu ứng của PCI đang lan truyền xu hướng cạnh tranh, so sánh tới các cấp chính quyền cơ sở.

Chính quyền được nghe DN nói thẳng, nói thật

Theo TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI, thông điệp của Chính phủ đã rất rõ ràng, chuyển từ Chính phủ quản lý sang Chính phủ phục vụ. Chính phủ cũng giao cho VCCI và các hiệp hội DN trách nhiệm giám sát thúc đẩy và công bố chỉ số hài lòng của DN đối với chính quyền, coi đây là thước đo đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của công chức.

Từ sự thành công của PCI, một số tỉnh đã tiến hành giám sát và đánh giá của DN ở cấp sở, huyện…

Như vậy, Chính phủ khẳng định DN, doanh nhân là đối tác, là khách hàng của những dịch vụ công. Thực tế sau 12 năm triển khai, điểm khiến PCI ngày càng trở nên quan trọng hơn đó là nói nên tiếng nói thật, trung thực của các DN. Nếu nhìn dưới góc độ cung cấp dịch vụ, đối với các tập đoàn, DN lớn trên thế giới hay ở Việt Nam cũng vậy, họ chỉ có thể cải thiện được chất lượng dịch vụ, sản phẩm của mình nếu lắng nghe được những phản hồi chân thực từ khách hàng. Những điều tra mang tính độc lập, không phải từ cấp dưới báo cáo lên là một công cụ hữu hiệu.

Là người đã gắn bó với PCI từ những ngày đầu, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng, muốn cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thì một trong những giải pháp hàng đầu là phải để DN nói thật ra hết những vấn đề của họ, những tâm tư nguyện vọng của họ.

Mặc dù thời gian gần đây, các tỉnh vẫn có những hội nghị tiếp xúc, đối thoại với DN. Tuy nhiên, DN thường có tâm lý e ngại, nể nang, ít DN dám nói thẳng, nói thật. Để có được tiếng nói thẳng, nói thật, một số tỉnh đã có sáng kiến mô hình cà phê doanh nhân. Qua đó, doanh nhân sẽ cởi mở hơn, dễ nói thật hơn. Lãnh đạo địa phương có thể nghe được tiếng nói chân thực từ hoạt động của DN để có thể đưa ra những chỉ đạo kịp thời mà không qua các tầng nấc trung gian.

Thúc đẩy sáng kiến cải cách

Ông Tuấn cho rằng, thông qua PCI, các tỉnh có thể so sánh với nhau, thay vì trước kia mỗi tỉnh thường nhìn theo chiều dài thời gian của mình, thì thấy luôn tiến bộ. Nhưng khi nhìn sang bên cạnh, các tỉnh khác cũng không đứng yên. Do đó, PCI tạo cho các tỉnh sự sốt ruột. Họ thấy các tỉnh khác đẩy mạnh cải cách hành chính như vậy nên đã thu hút được nhiều đầu tư thì mình phải làm gì?

Ở đây không phải chuyện xé rào đã xảy ra tại nhiều địa phương trong một giai đoạn khá dài đề thu hút đầu tư. Bởi vì, đó là vi phạm pháp luật, vi phạm chủ trương chính sách chung của cả hệ thống. PCI đã khuyến khích những sáng tạo bên dưới. Khi những chuyển động ở Trung ương thông qua một số luật như Luật Đầu tư, Luật DN… đang khá tiên tiến thì sự chuyển biến lại phụ thuộc rất nhiều từ những sáng kiến bên dưới.

Mỗi tỉnh sẽ phải nỗ lực có những sáng kiến cải cách riêng. Những mô hình như trung tâm hành chính công ở Quảng Ninh, trung tâm xúc tiến đầu tư hay bác sĩ DN ở Bắc Ninh… là những sáng kiến từ thực tiễn. Khi những sáng kiến cải cách được thực hiện thành công thì sẽ trở thành chính sách ở Trung ương. Ví dụ một cửa trong cấp đăng ký kinh doanh. Trước kia Luật DN chưa có, nhưng khi Lào Cai thí điểm thành công và nó đã được đưa vào chính sách ở Trung ương. Mô hình trung tâm hành chính công ban đầu chỉ có ở Quảng Ninh, sau nhiều địa phương cũng áp dụng như Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Thái Bình… PCI đã tạo sự năng động cho các địa phương.

Đến nay, từ sự thành công của PCI, một số tỉnh đã tiến hành giám sát và đánh giá của DN ở cấp sở, huyện… Quảng Ninh, Lào Cai, Vĩnh Phúc… đã làm rất chuyên nghiệp. Như vậy, sự cạnh tranh ở cấp Sở, ngành, quận, huyện tiếp nối và thúc đẩy mạnh mẽ cải cách. Sự chuyển biến thực sự trong các cơ quan chính quyền cấp cơ sở đang diễn ra. Chính quyền đang ngày càng coi trọng DN như một đối tác, một khách hàng. Kể cả những cán bộ công chức muốn hành DN cũng phải dè chừng hơn vì quyền năng giám sát của DN.

Điều này cũng đòi hỏi DN phải có trách nhiệm hơn. Đây là câu chuyện về hai bàn tay vỗ mới nên tiếng.

Ông Lý Thái Hải – Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn

Năm 2017, với tinh thần Chính quyền phục vụ và hỗ trợ doanh nghiệp, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả hoạt động, Bắc Kạn tiếp tục tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch nhằm giảm thiểu chi phí về thời gian và kinh phí của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong việc giải quyết thủ tục hành chính. Song song đó, chuẩn hóa quy trình theo cơ chế một cửa và một cửa liên thông, ứng dụng dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực cấp phép, điều kiện kinh doanh, tập trung vào các thủ tục đầu tư xây dựng, đất đai, quy hoạch, tiếp cận điện năng, cấp phép lao động; Xây dựng quy chế phối hợp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả trong nắm bắt, giải quyết kiến nghị, khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và người dân…

Ông Mùa A Sơn – Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên

Tỉnh Điện Biên đã xác định động lực chính phải thực hiện trong thời gian tới: Khai thác hợp lý và có hiệu quả các tiềm năng thế mạnh về phát triển nông, lâm nghiệp, thủy điện, khoáng sản, du lịch và kinh tế cửa khẩu để tăng trưởng bền vững gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng tích cực. Đồng thời huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư, tập trung đầu tư để cải thiện rõ rệt và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội. Điện Biên cần đẩy nhanh hơn phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có chất lượng, đổi mới căn bản và toàn diện công tác giáo dục và đào tạo, gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với ứng dụng khoa học, công nghệ, đưa nhanh các tiến bộ khoa học – công nghệ vào sản xuất; tạo điều kiện tốt nhất theo quy định của pháp luật để các nhà đầu tư, doanh nghiệp, doanh nhân hoạt động ổn định và phát triển.

Ông Nguyễn Văn Dương – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp

Mô hình “Cà phê Doanh nhân – Doanh nghiệp” là sáng kiến của Đồng Tháp được áp dụng từ cuối năm 2015 đến nay.

Thành công lớn nhất từ mô hình này chính là việc giải quyết nhanh các vấn đề vướng mắc, nhiều khi chỉ 15 phút là xong, thay vì như cách làm trước đây doanh nghiệp phải gửi văn bản đến Văn phòng, sau đó giao lại cho các sở, ngành tham mưu UBND Tỉnh giải quyết… Đặc biệt hơn, thông qua các buổi gặp gỡ cà phê đã giúp các DN có sự liên kết trong từng ngành hàng nhất định, tham gia vào hiệp hội từ sản xuất, xuất khẩu cá, gạo… thay vì hoạt động riêng lẻ như trước đây. Các DN cũng chia sẻ với nhau nhiều hơn, hợp tác với nhau bền chặt hơn, bởi lâu nay chính các DN đôi khi cũng tự làm khó mình khi không đoàn kết hoặc đầu tư dàn trải khiến chi phí tăng cao, thậm chí bán phá giá…

Ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND TP Hải Phòng

Là động lực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, dự kiến đến năm 2020, Hải Phòng sẽ là thành phố thứ 3 xếp loại đô thị đặc biệt và tầm nhìn từ năm 2025 đến năm 2050 sẽ trở thành thành phố quốc tế.

Để hiện thực hoá mục tiêu trên, nhiệm vụ trọng tâm được cấp ủy, chính quyền thành phố xác định trong năm 2017 là: “Tăng cường kỷ cương thu, chi ngân sách nhà nước – cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh”.

Thành phố sẽ tiếp tục đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư chuyên nghiệp, có hiệu quả, định hướng thu hút đầu tư có chọn lọc, lựa chọn các dự án của các nhà đầu tư tiềm năng, sử dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, dự án có suất đầu tư cao, vốn lớn, dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đổi mới và nâng cao hiệu lực hiệu quả, chỉ đạo điều hành; tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ; tăng cường phân cấp cho các quận, huyện, sở, ngành nhằm phát huy tính chủ động sáng tạo cũng như trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, đơn vị…

Ông Phạm Vũ Hồng – Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang

Thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết trên nhằm đảm bảo thực hiện tốt hơn nhằm phát huy lợi thế của tỉnh.

Theo đó, chú trọng các cơ chế chính sách về quyền sở hữu tài sản, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ nhà đầu tư, bảo vệ quyền lợi của cổ đông thiểu số, các quy định về phá sản, giải thể, cạnh tranh…

Xây dựng cơ chế vận hành đồng bộ, thông suốt thị trường hàng hóa, lao động, chứng khoán, bất động sản, khoa học công nghệ và các loại thị trường khác, bảo đảm phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển.

Đồng thời, thực hiện chính sách khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế đi đôi với tiếp tục đổi mới, tạo điều kiện thu hút các DN có quy mô lớn đầu tư kinh doanh vào các lĩnh vực khai thác, chế biến, xuất khẩu có tiềm năng lợi thế như thủy sản, gạo…

Ông Đặng Xuân Phong – Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai

Lào Cai coi PCI là chỉ số quan trọng để đánh giá kết quả điều hành phát triển kinh tế – xã hội của Tỉnh. Vì vậy, Tỉnh thường xuyên tổ chức các hội nghị gặp mặt, làm việc, đối thoại giữa lãnh đạo Tỉnh với các doanh nghiệp để trao đổi, bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và giúp đỡ các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tỉnh Lào Cai đã chọn chủ đề công tác năm 2017 là “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, cải cách hành chính; xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh”; công khai các thủ tục hành chính, rà soát loại bỏ các thủ tục hành chính rườm rà, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, nhất là các thủ tục về đầu tư, kinh doanh và đất đai, rút ngắn thời gian giao đất cho nhà đầu tư.

Đặc biệt, Lào Cai là một trong những tỉnh đầu tiên thí điểm Dự án Bộ khung Chỉ số đánh giá năng lực điều hành cấp huyện (DCI), đến nay Dự án đã triển khai được 3 năm.

Bên cạnh đó, thực tiễn đang đặt ra yêu cầu Lào Cai phải tiếp tục đẩy mạnh cải thiện các chỉ số thành phần của PCI, đặc biệt là các chỉ số giảm điểm để nâng tổng điểm tuyệt đối, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch và hiệu quả cho các nhà đầu tư.

Ông Đỗ Ngọc An – Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu:

Để xây dựng môi trường kinh doanh tỉnh Lai Châu thực sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn… tỉnh tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Chương trình hành động cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2016 – 2020, kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP. Đồng thời, tăng cường công tác đối thoại, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phát triển mạnh DN, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo theo tinh thần Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ;

Tăng cường nhận thức các cấp, các ngành về tầm quan trọng của việc cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, công tác phối hợp, thanh tra, kiểm tra trong thực hiện TTHC và công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị tại các cấp chính quyền. Đẩy mạnh CCHC, trọng tâm là cải cách TTHC, tạo mọi thuận lợi và giảm thời gian, chi phí cho DN, người dân…

Ông Phạm Ngọc Thưởng – Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn:

Trong suốt thời gian qua, Lạng Sơn luôn chú trọng nỗ lực để cải thiện chỉ số PCI, trong đó yếu tố cải cách các TTHC được coi là vấn đề then chốt để tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư. Đặc biệt, tỉnh tập trung vào các thủ tục về đất đai, thuế và hải quan, cải cách quy trình, thủ tục, thành phần hồ sơ đảm bảo thuận lợi.

Bên cạnh đó, tỉnh còn tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo, hoàn thành xây dựng và ban hành Chương trình phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn giai đoạn 2016 – 2020.

Tổ chức các chương trình, hội nghị, hội chợ thương mại tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, như: Hội nghị xúc tiến xuất khẩu vải thiều qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2016, Hội nghị kết nối thương nhân xuất nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. Tổ chức thành công các Hội chợ, các Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, Hội nghị xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp quả Na Chi Lăng…

Ông Đinh Văn Thu – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam:

Đối với tỉnh Quảng Nam, nỗ lực cải thiện chỉ số PCI không nhằm hướng vào cuộc tranh đua thứ hạng với các tỉnh khác mà đây chính là quá trình cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn để thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng DN trên địa bàn.

Trong năm 2016, lần đầu tiên sau 11 năm công bố PCI, Quảng Nam đã lọt vào top 10 của bảng xếp hạng này và chính quyền tỉnh Quảng Nam nhận thức được rằng, có được vị trí nêu trên là do tỉnh Quảng Nam được đánh giá tốt hơn các địa phương khác, chứ chưa thể nói Quảng Nam đang có môi trường kinh doanh tốt.

Cùng với đó, do PCI là cuộc đua không có điểm dừng, nên nếu bằng lòng, tự mãn, nếu không cố gắng hoàn thiện để ngày càng tốt hơn thì sẽ rất dễ bị “tụt hạng”. Do đó, tôi và chính quyền tỉnh Quảng Nam luôn trăn trở một điều là trong thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp đã tin tưởng vào Quảng Nam thì Quảng Nam phải làm gì để xứng đáng với niềm tin đó một cách dài lâu và bền vững. Đó mới chính là vấn đề quan trọng.

Ông Nguyễn Đình Xứng – Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá

Cộng đồng doanh nghiệp là lực lượng rất quan trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng nguồn cho thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Bởi vậy, trong giai đoạn 2016-2020, Thanh Hóa xác định mục tiêu đạt tỷ lệ 41 doanh nghiệp/1 vạn dân.

Để đạt được mục tiêu trên, UBND tỉnh sẽ tăng cường các kênh thông tin nhằm nắm bắt và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp thông qua đối thoại với doanh doanh nghiệp.

Về phía cơ quan quản lý, bên cạnh nỗ lực cải thiện các chỉ số thành phần PCI, các cấp, ngành chức năng sẽ đẩy mạnh công khai, minh bạch thông tin về cơ chế, chính sách, các quy hoạch của tỉnh đến doanh nghiệp. Đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm xây dựng một nền hành chính năng động, hiện đại, quy định rõ trách nhiệm giải quyết của từng công chức, nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu của doanh nghiệp và nhân dân. Tạo mọi điều kiện để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp…

Ông Vũ Hồng Bắc – Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên

PCI đo lường chất lượng thực tế của điều hành kinh tế địa phương thông qua cảm nhận của các doanh nghiệp đang hoạt động tại tỉnh, không phải dựa vào các kế hoạch, chính sách hay dự định của tỉnh. Bởi vậy, lắng nghe kiến nghị, đề xuất, tham vấn của cộng đồng doanh nghiệp là một trong những hướng đi ngắn nhất để cải thiện thực chất môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Để duy trì tốc độ tăng trưởng cũng như nâng cao chất lượng tăng trưởng của Thái Nguyên trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục kiến tạo môi trường đầu tư thuận lợi thu hút các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, tiếp tục đầu tư, mở rộng các khu công nghiệp, quan tâm đến chất lượng dịch vụ cho các DN. Mặt khác, tập trung đánh giá và nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính.

Tiếp tục cải thiện Chỉ số PCI, chỉ số quản trị và hành chính công (PAPI), chỉ số cải cách hành chính Par-Index… tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư vào địa phương theo phương châm “ba thân thiện”: thân thiện với môi trường, thân thiện với nhà đầu tư, thân thiện với người dân.

Ông Lê Văn Hưởng – Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang

Để nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy DN phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, bên cạnh nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chỉ số PCI, xây dựng chương trình hành động triển khai Nghị quyết 35 của Chính phủ, UBND tỉnh sẽ tổ chức nhiều cuộc họp mặt doanh nghiệp, hội nghị đối thoại doanh nghiệp, thăm doanh nghiệp… Qua đó, kịp thời nắm bắt tình hình, giải quyết các khó khăn, kiến nghị của DN.

Riêng Chủ tịch UBND tỉnh có buổi tiếp xúc định kỳ với doanh nghiệp vào mỗi thứ bảy của tuần cuối tháng. Đây là lịch làm việc được công bố rộng rãi, tất cả các doanh nghiệp có ý kiến, kiến nghị sẽ được Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp tiếp và giải quyết một cách cụ thể tùy theo trường hợp.

Mục tiêu của Tiền Giang là xây dựng chính quyền hỗ trợ, phục vụ DN, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch thân thiện để thu hút đầu tư, tham gia tích cực vào chuỗi giá trị cung ứng hàng hóa và dịch vụ… góp phần phát triển kinh tế, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Cụ thể là đến năm 2020, toàn tỉnh có 5.000 DN hoạt động, tạo việc làm cho 200.000 lao động.

Ông Phạm Minh Huấn – Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang:

Thực hiện theo tinh thần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông qua cải thiện chỉ số PCI của Chính phủ, tỉnh Tuyên Quang đã có Nghị quyết và chương trình hành động cụ thể. Các cơ quan đơn vị cũng đặc biệt quan tâm thực hiện cải cách thủ tục hành chính, cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” theo hướng hiện đại trên tất cả các lĩnh vực.

UBND tỉnh cũng định kỳ hàng quý tổ chức họp với các doanh nghiệp và các dự án triển khai, nắm bắt kịp thời những khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp, nhà đầu tư để chỉ đạo các ngành, các cấp giải quyết kịp thời, triệt để, tổ chức nhiều chương trình “Cà phê doanh nhân”, tạo điều kiện cho các khách mời gặp gỡ, giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội đầu tư, bạn hàng.

Tỉnh cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm tối thiểu 30% thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…

Theo Lê Trang – Phan Nam – Khắc Lãng – Phương Hà – Hồng Minh – Thùy Linh – Băng Châu – Lan Phương – Nguyễn Phước

Cùng chuyên mục
XEM