Paul Allen là "thủ phạm" rủ Bill Gates bỏ học, lập ra Microsoft

17/10/2018 09:10 AM | Kinh doanh

Paul Allen chính là người đã thuyết phục Bill Gates bỏ ngang Harvard để thành lập công ty sau này trở thành hãng phần mềm lớn nhất thế giới, Microsoft.

Paul Allen và Bill Gates đều là những kẻ nghiện máy tính, tự mày mò lập trình từ chiếc máy Telepyte, học những bài học kinh doanh cơ bản qua tạp chí Fortune và mơ về “một chiếc máy tính trong mọi gia đình và trên mọi chiếc bàn”. Allen tự mô tả bản thân như một “người ý tưởng”, còn Bill Gates là cộng sự hiện thực hóa những ý tưởng đó.

Năm 1975, khi Allen 22 tuổi và Gates 19 tuổi, đôi bạn thành lập công ty mà sau này là Microsoft, tạo ra cuộc cách mạng máy tính cá nhân và trở nên giầu có. Ông rời công ty chỉ sau 8 năm giữa lúc phải chiến đấu với căn bệnh Hodgkin và mối quan hệ với Gates xấu đi.

Dù vậy, ông vẫn là thế lực trong ngành công nghệ và thiện nguyện trong hàng thập kỷ, đầu tư hàng tỷ USD vào hàng loạt tổ chức từ thiện và doanh nghiệp cũng như mua các đội tuyển thể thao, tìm hiểu về sự sụp đổ của thế chiến II, hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không vũ trụ dựa trên sở thích tuổi thơ về các câu chuyện phiêu lưu mạo hiểm và khoa học viễn tưởng.

Ông qua đời hôm 15/10 (giờ địa phương) ở tuổi 65. Theo gia đình, nguyên nhân cái chết của ông là do các biến chứng liên quan đến căn bệnh ung thư bạch huyết (Lymphoma) không Hodgkin. Ông đã chống chọi với căn bệnh từ năm 2009 và đầu tháng này bệnh tái phát.

Paul Allen là thủ phạm rủ Bill Gates bỏ học, lập ra Microsoft - Ảnh 1.

Bill Gates (trái) và Paul Allen là những người bạn thưở thiếu thời

Allen rủ Gates bỏ học để cùng theo đuổi tương lai mà họ đã hình dung: một thế giới với máy tính trong mọi gia đình. Gates tin tưởng người bạn của mình đến nỗi ông bỏ Harvard để dành toàn tâm toàn ý cho startup của cả hai, trong khi Allen học 2 năm tại Đại học bang Washington rồi cũng bỏ dở.

Khi Allen và Gates thành lập Microsoft, máy tính vừa cồng kềnh vừa đắt đỏ. Bộ vi xử lý mới được phát minh vài năm trước, phần lớn màn hình không hiển thị gì ngoài các ký tự xanh lá cây hoặc trắng trên nền đen. Các hãng công nghệ chủ yếu đầu tư vào phần cứng, phát triển những máy tính nhanh hơn, mạnh hơn và nhỏ hơn. Tuy nhiên, Gates và Allen sớm nhận ra các chương trình cũng quan trọng như con chip và dây dẫn trong máy tính vậy.

Đến cuối những năm 1990, hệ điều hành của Microsoft có mặt trên gần 90% máy tính cá nhân tại Mỹ. Allen rời Microsoft vào thời điểm công ty ra mắt hệ điều hành Windows và trước khi phát hành các phần mềm như Microsoft Word. Song, ông chính là người hỗ trợ giám sát sự phát triển các sản phẩm đột phá như hệ điều hành MS-DOS, giúp Microsoft trở thành tên tuổi nổi bật thông qua hợp tác với IBM và được ghi nhận như người tạo ra con chuột máy tính hai nút và cái tên Microsoft (kết hợp giữa bộ vi xử lý "microprocessor" và phần mềm "software").

Thành công của Microsoft giúp ông và Gates có tài sản hàng tỷ USD. Đến năm 1992, một hãng nghiên cứu ước tính ít nhất 2.200 nhân viên Microsoft – gần 1/5 nhân sự - đã trở thành triệu phú. Gates, người vẫn phục vụ với tư cách CEO đến năm 2000, là người giầu thứ 2 thế giới với 90 tỷ USD, chỉ đứng sau nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos. Allen, người vẫn duy trì cổ phần đáng kể trong Microsoft, có tài sản 21,7 tỷ USD.

Bộ đôi làm việc cùng nhau trong gần như mọi dự án đầu tiên tại Microsoft, tới mức không thể phân biệt được ai là tác giả của cái gì. Trong cuốn hồi ký Idea Man năm 2011, Allen viết "chuỗi thành công của chúng tôi đã kết hợp tầm nhìn của tôi với năng lực kinh doanh chưa từng có của ông ấy".

Đôi khi, ông được khắc họa như một cậu bé lớn quá nhanh. Khối tài sản hàng tỷ USD cho phép ông mời Stevie Wonder đến biểu diễn trên du thuyền, tổ chức buổi tiệc hóa trang tại Venice, xây dựng bảo tàng nhạc pop 100 triệu USD, mua các đội thể thao tại quê nhà. Ông cũng là một trong những người đầu tiên ký tên vào Giving Pledge, sáng kiến của Gates và nhà đầu tư Warren Buffett khuyến khích người giầu có quyên góp phần lớn tài sản cho từ thiện.

Theo tính toán, ông đã tặng hơn 2 tỷ USD cho các quỹ, bao gồm cả nỗ lực chống nạn săn bắt trộm tại châu Phi bằng drone; nghiên cứu chữa bệnh Ebola; Viện Allen chuyên về Khoa học não bộ, hoàn thiện bản đồ bộ não con người nhằm hiểu rõ nguồn gốc ý thức và các căn bệnh như Alzheimer.

Dù ông là "đứa trẻ lớn quá nhanh" hay nhà từ thiện vĩ đại, đúng như Bill Gates chia sẻ, "điện toán cá nhân không thể tồn tại nếu không có Paul Allen".

Theo Du Lam

Từ khóa:  Paul Allen
Cùng chuyên mục
XEM