Page Facebook nổi tiếng Việt Nam bị tố ăn cắp bản quyền, khổ chủ kêu gào vô ích vẫn bị làm ngơ
Vụ việc mới xảy ra này đang khiến cư dân mạng phẫn nộ, liên quan trực tiếp tới những page lớn tại Việt Nam.
Mới đây, một video bất ngờ nổi lên trên Facebook khiến cư dân mạng quốc tế nói chung và Việt Nam nói riêng phải bất ngờ: Tên tuổi của page Facebook nổi tiếng tại Việt Nam bị nhắc đến vì tội ăn cắp bản quyền nội dung thản nhiên khi chưa có sự cho phép. Chủ nhân của đoạn "bóc phốt" trên là Epic Asian - thường được biết đến với sự hài hước thông qua các vlog và review phim độc đáo không đụng hàng.
Được biết, page Việt Nam được nói tới trong video tố cáo của Epic Asian hiện có hàng trăm nghìn follow cũng như gây dựng được tiếng vang lớn trong thời gian dài, còn có thể coi là đại diện của lượng fan đông đảo hâm mộ Marvel, nhưng lại bị Epic Asian chỉ mặt điểm tên là "thief" (kẻ trộm cắp) ngay đầu tiên.
Cảnh trong video mới của Epic Asian.
Cụ thể, Epic Asian lên án việc họ đã đăng lại review của Epic Asian dưới danh nghĩa riêng trong khi chưa hề có sự cho phép, mọi thứ thêm vào chỉ là dịch phụ đề rồi sử dụng như sản phẩm cá nhân tự do công khai. Ngoài ra, họ thậm chí còn cố tình cắt ghép bỏ đi các đoạn giới thiệu thông tin chính chủ video để giấu giếm người xem. Chỉ nội trong sáng 14/7, rất nhiều follower thuộc cộng đồng Facebook Việt Nam cũng chia sẻ đồng loạt đoạn video tố cáo này.
Về phần Epic Asian, anh chàng chủ page cũng gửi lời ngụ ý tôn trọng và yêu quý cộng đồng người dùng Facebook Việt Nam đang ủng hộ page mình mỗi ngày, nhưng quyết không nương tay với đích thân những cá nhân phạm luật. Lượng view mà page ăn cắp thu được còn cao gấp 3 lần thành tích video gốc của Epic Asian, dù con số đó có khổng lồ thế nào cũng vẫn không hợp lệ do không xuất phát từ tài sản trí tuệ sở hữu của họ. Trong tình tiết sau đó, Epic Asian chia sẻ họ đã gửi lời xin lỗi qua tin nhắn nhưng bản thân anh thấy không thực sự dễ dàng chấp nhận do mọi thứ chỉ xuất hiện sau khi mình đăng đàn tố cáo.
Bức ảnh riêng do chính Epic Asian tag thẳng page ăn cắp.
Ngoài ra, Epic Asian cũng vô cùng tức giận khi khẳng định đây không phải lần đầu tiên anh gặp trường hợp lén lút ăn cắp nội dung. "Từ năm 2018 tới 2019, đã nhiều lần tôi vì gặp các page khác làm điều tương tự", trích lời chủ page Epic Asian, trong đó xuất hiện thêm 1 page Việt Nam nữa, cũng có hành vi xoá watermark bản quyền để nhận vơ đó là video của riêng mình.
Chính sách bản quyền Facebook lỏng lẻo, không thuyết phục
Một trong những lý do khác nữa khiến Epic Asian thực sự phẫn nộ chính là thái độ thờ ơ của Facebook khi anh nhờ trợ giúp xem xét và xử lý vụ việc. Theo lời anh, Facebook đã nhận được toàn bộ đơn khiếu nại cũng như các bằng chứng xác thực về quyền sở hữu video của mình nhưng mọi việc vẫn không có gì tiến triển, khiến anh cảm thấy như thể "mình bị bỏ rơi và thờ ơ".
Hơn nữa, cơ chế phát hiện và xử phạt của Facebook hiện được nhiều người dùng đánh giá chưa hiệu quả. Trừ khi đó là những sản phẩm nghệ thuật hút trend, được đăng tải bởi công ty truyền thông danh tiếng, các video cá nhân tự làm sẽ rất khó được để ý dễ dàng để trợ giúp và ưu tiên ngay lập tức.
Epic Asian cũng khẳng định page ăn cắp dù xin lỗi nhưng không chịu sửa lỗi, vẫn để nguyên video và chỉ thêm dòng chú thích nguồn cho có. Anh cho rằng điều này không hề công bằng, nhưng bằng cách nào đó vẫn được Facebook ủng hộ qua một điều khoản "sử dụng hợp lý" (Fair Use): "Một số trường hợp nhất định sẽ vẫn cho phép người khác tận dụng lại nội dung mà không cần xin phép bản quyền, bao gồm các lĩnh vực phê phán, bình luận, giáo dục, nghiên cứu..." - tương tự như các "reaction video" từ nhiều streamer, YouTuber nổi tiếng, đó là không sai. Nhưng Epic Asian bị ăn cắp hoàn toàn video gốc và sử dụng y hệt, đây lại là hành vi vi phạm đích thực và khó mà dung thứ.
Hành vi ăn cắp bản quyền lẫn nhau trên Facebook đang được cho là chưa có hướng hỗ trợ và giải quyết thoả đáng.
Ở một diễn biến khác, cộng đồng các nhà sáng tạo nội dung cũng cho rằng công cụ chủ động tố cáo bản quyền Rights Manager của Facebook đang bị lạm dụng táo bạo bởi các thành phần xấu. Rights Manager vốn là tính năng cho phép tự tay bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình ở một cấp độ cao và cứng rắn hơn, có thể thẳng tay đánh giá và xử phạt người vi phạm thay vì mất thời gian gửi khiếu nại chờ Facebook duyệt.
Tuy phải đăng ký trước và chỉ dành cho các page và doanh nghiệp uy tín, nhưng một vài cá nhân không hiểu sao vẫn được cấp và sở hữu quyền dùng Rights Manager để trục lợi bằng cách... tố cáo ngược lại chính chủ video. Rất nhiều trường hợp liên quan đã được lan truyền trong các hội nhóm về Facebook, khi mà chủ video phải muối mặt bỏ tiền ra xin xỏ kẻ xấu "thả" video của mình ra, đôi khi còn bị bắt chia phần trăm doanh thu.
Cuối video, Epic Asian đã công khai bày tỏ thái độ tẩy chay Facebook và có ý định chuyển dần sang hoạt động trên YouTube. Liệu Facebook có thật sự xứng đáng nắm giữ ngôi vương mạng xã hội nếu vẫn cứ tiếp tục bỏ qua và thờ ơ với những vấn đề bức xúc như thế này?