Ông Trương Văn Phước nêu 4 vấn đề của kinh tế 2018, dự báo GDP 2019 tăng 7%

20/12/2018 14:49 PM | Kinh tế vĩ mô

Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2019 của Việt Nam sẽ vẫn ở mức cao, trong khi lạm phát chỉ ở mức 3,6%.

Sáng 20/12, Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia tổ chức Hội thảo Tổng quan thị trường Tài chính Việt Nam năm 2018. Đây là sự kiện thường niên được cơ quan này tổ chức trong 5 năm qua. Cuộc hội thảo còn có sự tham gia của chuyên gia kinh tế, nguyên Thống đốc Lê Đức Thúy, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư kiêm thành viên tổ tư vấn Chính phủ Bùi Quang Vinh.

4 vấn đề kinh tế 2018: Giá dầu thô đã tăng bình quân tới 30%

"Biến động mạnh" là đánh giá của ông Trương Văn Phước, quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia về kinh tế thế giới năm 2018 nếu so với tình hình 10 năm qua.

 Ông Trương Văn Phước nêu 4 vấn đề của kinh tế 2018, dự báo GDP 2019 tăng 7%  - Ảnh 1.

Hội thảo Tổng quan thị trường tài chính Việt Nam là sự kiện thường niên của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia. Ảnh: Ngọc Linh.

Phát biểu khai mạc, ông Trương Văn Phước đã chỉ ra 4 vấn đề của kinh tế toàn cầu năm nay. Trong đó, tăng trưởng kinh tế toàn cầu ước tính đạt mức cao 3,7%. Đồng thời, cấu phần ghi nhận sự thay đổi trong đó tăng trưởng kinh tế Mỹ là điểm sáng trong khi các quốc gia khác đang chậm lại.

Vấn đề thứ hai là câu chuyện chiến tranh thương mại đang trực tiếp ảnh hưởng đến tăng trưởng thương mại thế giới, xuống còn 4,2%, từ mức 5,2% cuối năm trước.

Bên cạnh đó, giá dầu thô cũng là vấn đề nổi cộm của nền kinh tế thế giới. Dù giá dầu hiện chỉ ở mức 50 USD, tăng 6% so với đầu năm nhưng dầu thô đã tăng giá bình quân 30% trong năm qua.

Giá dầu thô cũng là một trong các yếu tố ảnh hưởng mạnh đến lạm phát toàn cầu. Đây cũng là vấn đề thứ 4 của kinh tế thế giới trong năm qua.

Tuy nhiên, dự báo năm 2019, giá dầu thế giới sẽ không còn tăng nhiều, lạm phát toàn cầu sẽ chịu tác động rất ít từ yếu tố giá dầu. Ngoài ra, tăng trưởng tại nhiều quốc gia cũng đang suy giảm.

Xu hướng tăng lãi suất tại nền kinh tế Mỹ cũng được dự báo có thể sẽ chậm lại thông qua các tín hiệu từ nhận định của Chủ tịch Fed sau cuộc họp vừa kết thúc rạng sáng nay. Cụ thể, mức lãi suất trung hòa mà nền kinh tế này xác định đã giảm từ 3% xuống còn 2,75%, nhờ đó đã giảm dư địa cho chính sách tăng lãi suất.

Theo quan điểm của ông Trương Văn Phước, đồng USD sẽ không tăng giá nữa. Cách đây 4 tháng, ông cũng đưa ra nhận định rằng đồng nhân dân tệ sẽ tăng giá thay vì giảm giá và tiếp tục giữ nguyên dự báo này.

GDP vẫn có thể tăng 7% trong năm tới

Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia đưa ra dự báo 6,9 - 7,1% đối với tăng trưởng kinh tế năm tới. Ông Trương Văn Phước cho rằng kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 7% trong năm 2019. Đồng thời, lạm phát năm tới có thể chỉ tăng 3,6%, tương đương mức lạm phát năm nay và thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu đã được Quốc hội thông qua (khoảng 4%).

Theo đại diện cơ quan này, khả năng đạt được mức tăng trưởng 7% như năm 2018 vẫn còn bởi Việt Nam tiếp tục khai thác tiềm năng của khu vực tư nhân. Nhưng để làm được việc này, môi trường kinh doanh cần cải thiện để hỗ trợ nhóm này.

Cùng đó, Hiệp định CPTPP và EVFTA dự kiến sẽ có hiệu lực năm 2019 cũng có thể mang đến tác động tích vực. Việt Nam cũng có cơ hội thu hút dòng vốn cũng như cơ hội mới từ lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học.

Đối với yếu tố lạm phát, áp lực trong năm tới từ giá hàng hóa sẽ giảm. Tuy nhiên, vẫn có rủi ro giá hàng hóa không diễn biến như dự báo. Cùng đó, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm mạnh có thể tạo điều kiện quốc gia này nới lỏng tiền tệ. Sức ép đồng nhân dân tệ giảm giá có thể gián tiếp tác động để tỷ giá USD/VND trong nước.

Sức khỏe thị trường tài chính Việt Nam cải thiện thể hiện ở quy mô tổng tài sản, ước tính đến nay tăng lên 14 triệu tỷ đồng. Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng đây là kết quả tất yếu từ quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn 1, sự phục hồi của nền kinh tế...

Theo Ngọc Linh

Cùng chuyên mục
XEM