Ông Trump và các cộng sự đang thảo luận lại chính sách visa, cánh cửa tới Mỹ chưa bao giờ hẹp đến thế!

18/01/2017 14:46 PM | Kinh doanh

Chính sách mới của ông Trump sẽ khiến cánh cửa đến Mỹ sẽ hẹp lại với lao động trình độ thấp, nhưng vẫn rộng mở với lao động trình độ cao.

Hôm 12/1, tờ Reuters dẫn một nguồn tin thân cận cho biết, đội ngũ chuyển giao quyền lực của tổng thống đắc cử Donald Trump đang xem xét các phương án sửa đổi chương trình visa tạm thời, dành cho người nước ngoài làm công việc trình độ cao ở Mỹ.

Theo đó, ông Trump đã họp với CEO của các công ty công nghệ ở tòa nhà Trump Tower, để thảo luận các khả năng cải tổ visa H-1B, chủ yếu được sử dụng bởi ngành công nghệ.

Cố vấn chính sách cấp cao của ông Trump, Stephen Miller, đã đề xuất loại bỏ hệ thống cấp visa theo hình thức quay số ngẫu nhiên. Theo nguồn tin của Reuters, hệ thống mới sẽ ưu tiên cấp visa cho các công việc trả lương cao nhất.

Theo Sở di trú và nhập tịch Mỹ (USCIS), visa H-1B được cấp cho công dân nước ngoài làm công việc có trình độ chuyên môn cao ở Mỹ, bao gồm nhà khoa học, kỹ sư và lập trình viên. Chính phủ Mỹ cấp 65.000 visa theo dạng này mỗi năm.

Các công ty cho biết, họ dùng visa H-1B để tuyển dụng nhân tài. Nhưng phần lớn số visa trên lại đang được cấp cho các công ty cung cấp dịch vụ thuê ngoài. Những công ty này sử dụng visa chủ yếu cho lao động trình độ thấp. Những người chỉ trích cho rằng, hệ thống quay số ngẫu nhiên sẽ giúp các công ty thuê ngoài hưởng lợi vì họ đưa vào hệ thống hàng loạt lao động trình độ thấp.

Chương trình visa H-1B đang có lợi cho các công ty thuê ngoài hơn là doanh nghiệp công nghệ Mỹ. Chẳng hạn, hơn 60% nhân viên ở Mỹ của công ty thuê ngoài Ấn Độ Infosys sở hữu visa H-1B. Trong báo cáo thường niên của mình, Infosys cho biết, phí làm visa tăng là một trong các nguyên nhân làm giảm lợi nhuận của họ.

Theo IEEE-USA, một tổ chức nghề nghiệp đại diện cho các kỹ sư Mỹ, 10 công ty nhận visa H-1B nhiều nhất năm 2015 đều là các công ty thuê ngoài. Theo USCIS, 65% visa H-1B được cấp trong năm tài khóa 2014 thuộc về lao động trong lĩnh vực công nghệ. Trong đó, đa số đến từ Ấn Độ.

Ý tưởng do Miller đề xuất trong cuộc họp cũng được IEEE-USA ủng hộ. Trước đây, Miller từng làm trợ lý cho thượng nghị sĩ Jeff Sessions, người được ông Trump bổ nhiệm làm Bộ trưởng tư pháp. Sessions là người chỉ trích mạnh mẽ việc lạm dụng chương trình H-1B.

Bản thân ông Trump cũng sử dụng visa H-1B để tuyển lao động nước ngoài cho công ty của mình. Ông đã đưa ra những thông điệp nước đôi về chương trình này trong chiến dịch tranh cử. Ông chỉ trích chương trình vì lấy đi việc làm của người Mỹ.

Nhưng trong một cuộc tranh luận ở Đảng Cộng hòa hồi tháng 3, ông cũng đưa ra quan điểm mềm mỏng hơn khi nói, “chúng ta cần nhân tài cho đất nước”. Sau đó, ông đã đưa ra một tuyên bố trên trang web của mình, nói rằng ông sẽ “chấm dứt vĩnh viễn việc sử dụng H-1B cho lao động giá rẻ”.

Theo nguồn tin của Reuters, trong cuộc họp hồi tháng trước với các CEO công nghệ ở New York, ông Trump dường như muốn tìm kiếm một giải pháp mang tính trung dung. Nguồn tin cho biết, đội ngũ của ông cũng thảo luận kế hoạch thay đổi hệ thống quay số ngẫu nhiên.

Hơn một chục lãnh đạo của các ông lớn công nghệ, bao gồm Google, Facebook và Apple đã tham gia cuộc họp trên. CEO của Microsoft Satya Nadella cho biết, các công ty công nghệ cần có quyền tuyển nhân tài nước ngoài khi cần.

Ông Trump dường như khá cởi mở trong việc điều chỉnh chương trình H-1B. Theo một ghi chép về cuộc họp, ông cho biết mình muốn chặn “người xấu” nhập cư vào Mỹ, chứ không phải “người tài”.

Trong số các đề xuất có việc tăng phí đăng ký visa của các công ty lớn. Đây được xem là cách ngăn chặn việc đăng ký visa hàng loạt cho lao động trình độ thấp. Khi được ông Trump hỏi họ có phản đối điều này không, tất cả CEO công nghệ đều tỏ ý đồng tình. “Theo chúng tôi, tổng thống mới không phải là người thù địch với visa H-1B”, một người có mặt tại cuộc họp cho biết.

Mặc dù ông Trump có thể khởi xướng một số thay đổi cho chương trình visa với quyền hành pháp của mình, những thay đổi quan trọng sẽ cần nhận được sự phê chuẩn của quốc hội, Stephen Yale-Loehr, chuyên gia về nhập cư của Trường luật Cornell cho biết.

Nam Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM