Ông Trump "quay như chong chóng" khi nói về Trung Quốc, thỏa thuận thương mại ngày càng xa vời

27/08/2019 14:30 PM | Xã hội

"Đó là cách tôi đàm phán. Đối với tôi thì nó rất hiệu quả từ nhiều năm nay, và thậm chí cách này đang tỏ ra hiệu quả hơn nữa đối với nước Mỹ", ông Trump nói.

Hôm qua, chỉ vài ngày sau khi khiến thị trường tài chính rúng động vì khiến chiến tranh thương mại leo thang, Tổng thống Donald Trump đã rời hội nghị G7 với một giọng điệu mềm mỏng hơn với Trung Quốc. Tuy nhiên, chỉ ít giờ sau đó, ông lại quay trở lại với giọng điệu cứng rắn khi nói rõ rằng mình không từ bỏ cách tiếp cận cứng rắn để buộc Trung Quốc phải chấp nhận thỏa thuận thương mại theo ý mình.

Sau khi dành cả cuối tuần để lắng nghe những nhà lãnh đạo của các nước G7 thúc giục hãy để cho căng thẳng với Trung Quốc dịu xuống, Tổng thống Trump cho rằng những cuộc gọi gần đây là bài phát biểu có giọng điệu nhã nhặn của nhà đàm phán thương mại hàng đầu Trung Quốc là những dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh muốn có 1 thỏa thuận. Tuy nhiên, ông vẫn chối bỏ quan điểm chiến tranh thương mại gây ra tình trạng bất ổn và không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Mỹ sẽ lùi bước trong cuộc tranh chấp đang ngày càng nóng lên.

Mặc dù sắc xanh đã bao phủ thị trường tài chính sau những tín hiệu tích cực từ Tổng thống Trump, nhà đầu tư nên tập trung vào việc cả hai bên vẫn đang cố thủ với những cách tiếp cận đã tỏ ra không hề hiệu quả trong suốt gần 2 năm qua. Hôm 23/8, ông Trump lại thông báo tăng thuế đánh vào hàng Trung Quốc để trả đũa kế hoạch đáp trả nhằm vào hàng hóa Mỹ của Bắc Kinh.

Mỗi ngày trôi qua, viễn cảnh cuộc chiến thương mại này sẽ kết thúc bằng một giải pháp hòa bình đang ngày càng trở nên xa vời. Những nguồn tin thân cận cho biết trong vài tuần gần đây, các cuộc đàm phán đạt được rất ít tiến triển. Các tuyên bố của ông Trump thường bị ảnh hưởng bởi tâm trạng của ông nhiều hơn là bởi những gì diễn ra trên thực tế. Nội các của ông dường như cũng không có 1 kế hoạch rõ ràng về việc nên làm gì tiếp theo.

Các quan chức Mỹ và Trung Quốc đã, đang và sẽ có nhiều cuộc điện đàm. Tuy nhiên phía Trung Quốc dường như vẫn chưa muốn nối lại các cuộc đàm phán tập trung vào bản dự thảo dài 150 trang đã bị bỏ lại khi đàm phán đổ vỡ hồi tháng 5.

Cả hai bên đã nói về các cuộc đàm phán trực tiếp ở Washington vào tháng 9, nhưng Trung Quốc đã ngừng đưa ra cam kết trong khi một số quan chức Mỹ gần đây đã tỏ ra không muốn tổ chức một vòng đàm phán nữa nếu như không đạt được điều gì đáng kể.

Ông Trump dường như cũng đã hiểu lầm về những thông điệp được phát đi từ chính phủ Trung Quốc, những người đang vừa phải đối mặt với 1 cuộc khủng hoảng chính trị ở Hồng Kông vừa ngày càng cảm thấy bối rối trước thái độ thiếu nhất quán của ông Trump.

Trong buổi họp báo hôm qua, Trump tập trung vào thứ mà ông gọi là thông điệp hòa nhã từ Phó Thủ tướng Lưu Hạc. Phát biểu khai mạc 1 triển lãm ở Trùng Khánh, ông Lưu nói rằng Trung Quốc "sẵn sàng giải quyết vấn đề thông qua đối thoại và hợp tác với 1 thái độ bình tĩnh". "Chúng tôi phản đối leo thang chiến tranh thương mại", ông nói.

Có vẻ như phát biểu này nhằm vào Tổng thống Mỹ, nhưng các chuyên gia về Trung Quốc cho là những lời nói này cũng thể hiện thái độ tương tự như những gì các quan chức Trung Quốc khác đã phát biểu trong những tháng gần đây: kêu gọi chấm dứt chiến tranh thương mại và tự cho là mình đang hành động hợp lý.

Hơn nữa, có vẻ như ông Trump tin rằng ông Lưu Hạc là lãnh đạo cao thứ hai ở Trung Quốc, thậm chí gọi ông Lưu là "Phó Chủ tịch" và ca ngợi ông Lưu là người chỉ đứng sau Chủ tịch Tập Cận Bình. "Ngài Phó Thủ tướng, cũng tương tự như Phó Tổng thống, đã phát đi thông điệp rằng ông ấy muốn 1 thỏa thuận, và ông ấy muốn bầu không khí yên bình". Trong khi đó, trên thực tế, mặc dù đúng là ông Lưu Hạc nằm trong Bộ Chính trị Trung Quốc, ông là một trong 4 Phó Thủ tướng dưới quyền Thủ tướng Lý Khắc Cường - người được cho là quyền lực thứ 2 ở Trung Quốc.

Các lãnh đạo G7 đã có cuộc gặp riêng trước thềm cuộc họp chính thức để đảm bảo rằng họ sẽ phát đi một thông điệp nhất quán. Theo 1 quan chức Đức, quan điểm là họ cần phải cố gắng tác động để ông Trump có thái độ mềm mỏng hơn và phản ứng tích cực hơn với cuộc chiến thương mại. Và rõ ràng cách tốt nhất để đạt được mục đích là không dồn ép ông Trump về chủ đề này.

Không khó để nhận ra khoảng cách lớn giữa Tổng thống Mỹ và các lãnh đạo G7 khi nói về vấn đề Trung Quốc. Khi dứng chung sân khấu với ông Trump hôm qua, Tổng thống Pháp Macron nói rằng cả Mỹ và Trung Quốc đều không phải là "những kẻ ngờ nghệch về kinh tế", cần phải có một thỏa thuận cân bằng tốt cho tất cả mọi người.

Vài phút sau, ngay sau khi ông Macron rời khỏi sân khấu, ông Trump đã tuyên bố cứng rắn: "Khi tôi tăng thuế thì ông ấy [Chủ tịch Tập Cận Bình] cũng tăng thuế. Đó không thể là 1 thỏa thuận 50-50, đó là 1 thỏa thuận tốt hơn cho chúng tôi. Còn nếu không, tốt nhất là đừng làm ăn với nhau nữa".

Theo Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM