Ông Trầm Bê ra tù, các công ty của gia tộc biến động : Sơn Sơn vừa mất thế độc quyền trên thị trường chiếu xạ, bệnh viện Triều An đạt đỉnh doanh thu mới sau 1 năm thua lỗ

20/02/2023 08:13 AM | Kinh doanh

Ông Trầm Bê sinh năm 1959, quê tại Trà Vinh, lập nghiệp tại TP HCM. Là một đại gia giàu có nhưng cái tên Trầm Bê chỉ trở nên nổi tiếng với đại chúng sau thương vụ thâu tóm Ngân hàng Sacombank năm 2011 và sáp nhập ngân hàng Phương Nam vào Sacombank năm 2015.

Ông Trầm Bê ra tù, các công ty của gia tộc biến động: Sơn Sơn vừa mất thế độc quyền trên thị trường chiếu xạ, bệnh viện Triều An đạt đỉnh doanh thu mới sau 1 năm thua lỗ - Ảnh 1.

Vào tuần trước, nguồn tin của Tuổi trẻ từ Trại giam Bến Giá (Bộ Công an, đóng tại tỉnh Trà Vinh) xác nhận ông Trầm Bê - cựu Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) - đã thi hành xong 2 bản án hình sự với tổng cộng 7 năm tù và ra tù ngày 10/02/2022.

Ông Trầm Bê sinh năm 1959, quê tại Trà Vinh, lập nghiệp tại TP HCM. Là một đại gia giàu có nhưng cái tên Trầm Bê chỉ trở nên nổi tiếng với đại chúng sau thương vụ thâu tóm Ngân hàng Sacombank năm 2011 và sáp nhập ngân hàng Phương Nam vào Sacombank năm 2015.

Trước đó, ông Trầm Bê từng là Chủ tịch HĐQT Công ty Chế biến Thủy hải sản Sơn Sơn, Chủ tịch Bệnh viện Triều An, thành viên HĐQT của CTCP Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCCI, mã chứng khoán BCI). CTCP Đầu tư Khu đô thị mới Sài Gòn (SaigonNIC) cũng là một đơn vị thuộc nhóm công ty của ông Trầm Bê khi cổ  đông đều là những cái tên thân cận như Công ty TNHH Sản xuất NJC, Triều An, cá nhân Dương Văn Út, Dương Thị Đẹt...

Ngoài ra, ông còn cùng với 3 người con tham gia Hội đồng Quản trị của một số doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, trong thời gian ông Bê sa vào vòng lao lý, quyền sở hữu tại nhiều doanh nghiệp đã thay đổi. Đến ngày ông Bê ra tù, 2 doanh nghiệp vẫn do gia đình ông sở hữu lượng lớn cổ phần và được biết đến nhiều nhất là Sơn Sơn và Bệnh viện Triều An.

Sơn Sơn vừa mất vị thế độc quyền trên thị trường chiếu xạ trái cây vào Mỹ

CTCP Chế biến - Thuỷ hải sản Sơn Sơn được thành lập từ năm 2001, là đơn vị sớm nhất tại Việt Nam tham gia vào thị trường chiếu xạ. Một sự kiện xảy ra vào giai đoạn 2006-2007 đã đem đến một lợi thế độc quyền cho Sơn Sơn trên thị trường này.

Đó là khi Việt Nam bắt đầu tham gia vào chương trình chiếu xạ đưa trái cây xuất khẩu sang Mỹ, được ký giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cùng Bộ Nông nghiệp Mỹ.

Ông Trầm Bê ra tù, các công ty của gia tộc biến động: Sơn Sơn vừa mất thế độc quyền trên thị trường chiếu xạ, bệnh viện Triều An đạt đỉnh doanh thu mới sau 1 năm thua lỗ - Ảnh 2.

Nhà máy chiếu xạ của Sơn Sơn

Vì Nhà nước không có kinh phí, doanh nghiệp muốn tham gia phải trả các chi phí liên quan đến công tác kiểm tra, đánh giá, cấp giấy chứng nhận và kiểm dịch từng lô hàng trước khi xuất khẩu. Công ty Sơn Sơn đã đứng ra đảm nhận trách nhiệm này, được công nhận là “Cooperator”, trở thành đại diện cho các DN xuất khẩu, đơn vị đóng gói và các cơ sở chiếu xạ tại Việt Nam , chịu trách nhiệm cam kết tài chính và ký kết với Cục kiểm dịch thực vật Mỹ (APHIS).

Do đó, khi một DN muốn tham gia chương trình chiếu xạ trái cây vào Mỹ, họ phải có công văn gửi đến Sơn Sơn, cam kết thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính trong chương trình này và được Sơn Sơn đồng ý.

Riêng với một nhà máy chiếu xạ bất kỳ, để được cấp mã số và cho phép thực hiện chiếu xạ trái cây xuất khẩu đi Mỹ phải trải qua 3 bước: (1) Được Cục Bảo vệ thực vật cấp phép cho nhà máy chiếu xạ, (2) có cam kết về tài chính với Sơn Sơn nhằm mục đích chi trả các chi phí cho việc APHIS cử chuyên gia sang Việt Nam kiểm tra, quản lý chương trình chiếu xạ; (3) APHIS sang đánh giá và cấp phép cho nhà máy nếu đủ tiêu chuẩn chiếu xạ.

Vị thế độc quyền này vẫn nằm trong tay Sơn Sơn cho đến tháng 5/2022, khi Nhà máy chiếu xạ của Công ty TNHH Chiếu xạ Toàn Phát (TPI) được APHIS công nhận đủ điều kiện. APHIS đã công nhận thêm Toàn Phát là "Cooperator" thứ 2 tại Việt Nam. Thay vì phải đạt thoả thuận tài chính với Sơn Sơn thì Toàn Phát được quyền ký thỏa thuận trực tiếp với phía Mỹ.

Trước đó, trong nhiều năm ròng rã, Toàn Phát đã liên tục “kêu than” về việc Sơn Sơn không chấp nhận để Toàn Phát cùng tham gia vào chương trình mặc dù đã xây xong nhà máy 10 triệu USD và được Cục Bảo vệ thực vật cấp phép.

Ông Trầm Bê ra tù, các công ty của gia tộc biến động: Sơn Sơn vừa mất thế độc quyền trên thị trường chiếu xạ, bệnh viện Triều An đạt đỉnh doanh thu mới sau 1 năm thua lỗ - Ảnh 3.

Nhà máy của Chiếu xạ Toàn Phát

Như vậy đến nay, tại Việt Nam đã có 2 đơn vị được APHIS công nhận đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn xử lý chiếu xạ trái cây tươi để xuất khẩu sang Mỹ, bao gồm: Công ty Cổ phần Chế biến thuỷ hải sản Sơn Sơn (đơn vị quản lý Nhà máy Chiếu xạ Sơn Sơn tại TP. HCM) và Công ty Toàn Phát. Hai đơn vị này có năng lực chiếu xạ trái cây tươi với tổng công suất 30.000 tấn/năm.

Theo dữ liệu, Sơn Sơn có doanh thu khá ổn định ở mức 130 tỷ trong giai đoạn 2017 - 2019, rồi sụt giảm mạnh còn 89 tỷ đồng vào năm 2020. Nguyên nhân có thể đến từ khó khăn trong xuất khẩu các mặt hàng thủy hải sản, trái cây khi các nước kiểm dịch khắt khe do Covid bùng phát.

Tuy nhiên, kết quả lợi nhuận của doanh nghiệp này cũng đi xuống thấy rõ khi lợi nhuận năm 2018 chỉ vỏn vẹn 4 tỷ và 2 năm tiếp theo ghi nhận lỗ lần lượt 18 tỷ và 16 tỷ đồng.

Ông Trầm Bê ra tù, các công ty của gia tộc biến động: Sơn Sơn vừa mất thế độc quyền trên thị trường chiếu xạ, bệnh viện Triều An đạt đỉnh doanh thu mới sau 1 năm thua lỗ - Ảnh 4.

Bệnh viện Triều An trải qua 1 năm thua lỗ, HĐQT không nhận thù lao

Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa Tư nhân Triều An thành lập năm 1999, cũng là một trong những bệnh viện tư nhân đa khoa đầu tiên và lớn nhất ở Việt Nam. Năm 2001 bệnh viện này đi vào hoạt động với vốn điều lệ 490 tỷ đồng, được góp vốn bởi ông Trầm Bê, CTCP Xây dựng Bình Chánh và ông Lưu Trung Lương, một doanh nhân gốc Hoa.

Báo cáo tài chính của Triều An từ năm 2019 đã không còn ghi nhận tên ông Trầm Bê trong danh sách HĐQT do đang trong giai đoạn thụ án, nhưng người thân thì vẫn còn nguyên.

Báo cáo tài chính 2022 cho biết, bà Trầm Thuyết Kiều – con gái ông Trầm Bê đang nắm 21,42% vốn điều lệ, chị vợ là bà Viên Tú Anh nắm 3,44%. Ông Trần Ngọc Hen Ri - Chủ tịch HĐQT BV Triều An, người vẫn được gọi là “phó tướng” của ông Bê đã kế nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT sau khi ông Bê bị khởi tố. Ông Hen Ri đang nắm 4,08%.

Trước đó các báo cáo cho biết ông Bê nắm 4,85%.

Ông Trầm Bê ra tù, các công ty của gia tộc biến động: Sơn Sơn vừa mất thế độc quyền trên thị trường chiếu xạ, bệnh viện Triều An đạt đỉnh doanh thu mới sau 1 năm thua lỗ - Ảnh 5.

Trong thời gian dài, Triều An ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng đều đặn với doanh thu cao nhất đạt được là 547 tỷ đồng (năm 2019) và lợi nhuận sau thuế cao nhất đạt được là 59 tỷ đồng (năm 2018). Vào năm 2021, do giãn cách xã hội, doanh thu của Triều An sụt giảm mạnh chỉ còn 379 tỷ đồng – giảm 29% so với năm trước và lỗ 27 tỷ đồng.

Năm 2022 chứng kiến bệnh viện này vươn lên đỉnh cao doanh thu mới với 591 tỷ đồng, lợi nhuận hồi phục trở lại đạt 41 tỷ đồng.

Ông Trầm Bê ra tù, các công ty của gia tộc biến động: Sơn Sơn vừa mất thế độc quyền trên thị trường chiếu xạ, bệnh viện Triều An đạt đỉnh doanh thu mới sau 1 năm thua lỗ - Ảnh 6.

Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2022, HĐQT và ban kiểm soát (BKS) thống nhất không nhận thù lao năm năm 2022 do xác định ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 còn kéo dài. Đây là năm thứ hai liên tiếp các thành viên HĐQT và BKS của BV Triều An không nhận thù lao.

Cùng với đó, các cổ đông cũng không được nhận cổ tức năm 2021 do lợi nhuận sau thuế âm.

Bên cạnh đó, tình hình đầu tư vào CTCP Triều An – Loan Trâm để xây dựng BV Triều An – Loan Trâm tại Vĩnh Long hoạt động không hiệu quả (từ năm 2008 đến nay), vì vậy ĐHCĐ đã thông qua kế hoạch rút vốn đầu tư khỏi dự án này. Tại thời điểm cuối năm 2022, bệnh viện Triều An vẫn còn khoản đầu tư tài chính 110 tỷ vào Khu Đô thị mới Sài Gòn, 75 tỷ đồng đầu tư vào Triều An – Loan Trâm và 281 tỷ đồng mượn tiền cá nhân.

Trong khi đó, Triều An cũng đầu tư xây dựng Nghĩa trang Thạnh Đức với chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại thời điểm cuối năm 2022 là 27 tỷ đồng.

Ngày 1/8/2017, Trầm Bê bị bắt giam. Sau đó, ông này phải chấp hành 2 bản án hình sự.

Vụ thứ nhất, 4 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" vì giúp sức cho Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng – VNCB, nay là CB). Thiệt hại xảy ra khi ông Trầm Bê giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank.

Vụ thứ hai, 3 năm tù về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", khi ông Bê làm Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Phương Nam.

Theo Lan Hạ

Cùng chuyên mục
XEM