img
Ông Tập Cận Bình – Người tô màu cho “giấc mộng Trung Hoa” - Ảnh 1.

Trưa ngày 25/10, Ban thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chính thức ra mắt tại Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh. Bước trên thảm đỏ, Chủ tịch Tập Cận Bình dẫn đầu nhóm gồm 7 thành viên sẽ cùng điều hành mọi vấn đề của đất nước chiếm gần 1/5 dân số thế giới.

Với việc Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc nhất trí đưa tư tưởng Tập Cận Bình vào Điều lệ đảng, vị thế của Chủ tịch Tập Cận Bình được đánh giá là đã sánh ngang với các cố lãnh đạo Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Có thể nói đây chính sự kiện in đậm dấu ấn Tập Cận Bình – nhà lãnh đạo đã dẫn dắt nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong 5 năm vừa qua.

Ông Tập Cận Bình – Người tô màu cho “giấc mộng Trung Hoa” - Ảnh 2.

Tháng 11 năm ngoái, Chủ tịch Tập Cận Bình xuất hiện tại tại Lima, Peru để tham dự tuần lễ cấp cao APEC. Trong cả 2 bài phát biểu tại tuần lễ cấp cao APEC 2016, ông đều khẳng định Trung Quốc ủng hộ tự do thương mại ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và phản đối mọi hình thức của chủ nghĩa bảo hộ.

"Ở giai đoạn phát triển quan trọng này của khu vực, chúng ta cần phải làm việc cùng nhau để tạo ra những kết quả tốt đẹp cho tất cả các bên, chống lại mọi hình thức của chủ nghĩa bảo hộ và tiếp thêm nguồn năng lượng tích cực cho quá trình toàn cầu hóa", ông nói.

Theo ông, toàn cầu hóa là xu thế của thời đại, vì nó đáp ứng được nhu cầu tiến lên của kinh tế thế giới và cũng phục vụ cho lợi ích của tất cả các bên. "Mở cửa là điều có ý nghĩa quan trọng đối với sự thịnh vượng của châu Á- Thái Bình Dương".

Ông Tập Cận Bình – Người tô màu cho “giấc mộng Trung Hoa” - Ảnh 3.

Diễn đàn kinh tế APEC là nơi để lãnh đạo cũng như các doanh nghiệp của 21 nền kinh tế thành viên gặp nhau và cùng bàn bạc về những cách thức mới để thúc đẩy hợp tác trong khu vực, do đó những ý tứ trong bài phát biểu của ông Tập không có gì là mới. Tuy nhiên, chúng lại rất đặc biệt trong bối cảnh lúc đó: kinh tế toàn cầu hồi phục khá chậm chạp với tốc độ tăng trưởng ì ạch, hoạt động thương mại và đầu tư suy yếu trong khi thế giới nổi lên một làn sóng mới phản đối toàn cầu hóa.

Bắt đầu từ những năm 80 của thế kỷ trước, Trung Quốc bắt đầu mở cửa nền kinh tế. Tuy nhiên, chủ trương chính sách đối ngoại của nước này vẫn khá khép kín, như lời khuyên của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình năm 1992 thì Trung Quốc "nên ẩn mình, tránh thu hút sự chú ý và không bao giờ đảm nhiệm vai trò dẫn đầu". Kể từ năm 2010, quan điểm này thay đổi một chút khi các lãnh đạo Trung Quốc bắt đầu nói về chuyện "chủ động tạo nên sự khác biệt". Đây là điều phù hợp với bối cảnh kinh tế Trung Quốc đã hội nhập sâu rộng và trở thành một nền kinh tế có vai trò quan trọng đối với kinh tế toàn cầu.

Ông Tập Cận Bình – Người tô màu cho “giấc mộng Trung Hoa” - Ảnh 4.

Tháng 1/2017, tại Diễn đàn kinh tế thế giới tổ chức tại Davos, Thụy Sĩ, thế giới tiếp tục ghi nhận dấu ấn của Chủ tịch Tập Cận Bình. Dù không hề nhắc đến tên Tổng thống Mỹ Donald Trump hay thậm chí là nước Mỹ, thông điệp mà ông phát đi là rất rõ ràng: "Trong 1 cuộc chiến tranh thương mại, sẽ không có bên nào chiến thắng". Ông so sánh "chủ nghĩa bảo hộ giống như tự khóa mình trong 1 căn phòng tối" và cam kết "Trung Quốc sẽ luôn mở rộng cánh cửa".

Sau 1 năm thế giới chứng kiến sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, Trung Quốc đang muốn tận dụng cơ hội để trở thành nước dẫn dắt quá trình toàn cầu hóa của thế giới. 

Ông Tập Cận Bình – Người tô màu cho “giấc mộng Trung Hoa” - Ảnh 5.

Có lẽ siêu dự án "Một vành đai, một con đường" (One Belt One Road – OBOR) chính là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy quyết tâm thay đổi chính sách đối ngoại cũng như tham vọng phát triển kinh tế của ông Tập.

Được Chủ tịch Trung Quốc công bố năm 2013, sáng kiến này được đánh giá là có quy mô chưa từng có trong lịch sử hiện đại với lời hứa sẽ đầu tư hơn 1.000 tỷ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng ở hơn 60 quốc gia. Đó làtuyến đường sắt dài 260 dặm có giá trị 6 tỷ USD sẽ giúp kết nối 8 quốc gia châu Á haynhững nhà máy điện ở Pakistan với tổng vốn đầu tư 46 tỷ USD giúp nước này giải quyết vấn đề thiếu điện vào mùa cao điểm. Ngoài ra còn có tuyến đường sắt đi từ thủ đô Budapest của Hungary đến Belgrade, Serbia, tạo ra một con đường mới để hàng hóa Trung Quốc chảy vào châu Âu, thông qua một bến cảng ở Hy Lạp mà Trung Quốc đã mua lại.

Ông Tập Cận Bình – Người tô màu cho “giấc mộng Trung Hoa” - Ảnh 6.

Các lợi ích kinh tế là mục đích trước tiên mà Trung Quốc nhắm đến khi đưa ra sáng kiến OBOR. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở các nước khác là một cách để Trung Quốc tìm ra nơi sinh lợi cho kho dự trữ ngoại hối khổng lồ (mà chủ yếu đang đầu tư vào Trái phiếu Kho bạc Mỹ), bên cạnh đó cũng là phát triển kinh tế của các vùng sâu xa, kém phát triển. Đồng thời siêu dự án được kỳ vọng sẽ tạo ra những thị trường mới cho các doanh nghiệp Trung Quốc và xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp đang bị dư thừa công suất như xi măng, sắt thép…

Tuy nhiên, động lực chính lớn hơn và tham vọng hơn nhiều lại chính là việc Bắc Kinh muốn củng cố vị trí trung tâm trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Giống như con đường tơ lụa cổ xưa là tuyến đường bắt nguồn từ Tây An và kết thúc ở châu Âu được các thương nhân sử dụng để buôn bán hàng hóa dọc theo hành lang Âu Á, ngày nay trên con đường sẽ là các doanh nhân, doanh nghiệp, các thỏa thuận hợp tác thương mại.

Tim Summers, chuyên gia đang công tác tại tổ chức phi chính phủ Chatham House (Anh), nhận định bản thân hình ảnh ẩn dụ "con đường tơ lụa" chính là 1 biểu tượng cho sự cởi mở, kết nối và hoạt động trao đổi thương mại, văn hóa sôi động trong quá khứ mà Trung Quốc chính là trung tâm của hệ thống đó.

Ông Tập Cận Bình – Người tô màu cho “giấc mộng Trung Hoa” - Ảnh 8.

Ông Tập Cận Bình – Người tô màu cho “giấc mộng Trung Hoa” - Ảnh 9.

Tháng 11/2012, hai tuần sau khi ngồi vào chiếc ghế quyền lực nhất trong bộ máy lãnh đạo nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Chủ tịch Tập Cận Bình tham dự một buổi chụp ảnh. Ông cùng các quan chức cấp cao tới bảo tàng quốc gia. Nơi này vừa được trùng tu lại và khắp nơi tràn ngập các cổ vật tái hiện lại quá khứ vàng son của Trung Quốc: những chiến binh đất nung trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng ở Tây An, những kỷ vật của thời nhà Đường hay các đồ đồng quý hiếm từ thời nhà Thương xa xôi...

Nhưng ông đã chọn một khung cảnh có vẻ trầm lắng hơn để chụp hình: buổi triển lãm mang tên "Con đường tái sinh", kể về câu chuyện Trung Quốc đã bị các nước khác "đặt ở chiếu dưới" như thế nào trong thế kỷ 19 và 20 nhưng hiện nay lại đang vững bước trên con đường trở lại thời hoàng kim. Trong khung cảnh ấy, đứng trước những hình ảnh thể hiện thời kỳ người Trung Quốc bị nô dịch hóa, ông Tập thông báo giấc mơ của mình là hoàn thành nhiệm vụ đầy khó khăn này. Giấc mơ ấy nhanh chóng trở thành "giấc mộng Trung Hoa" – triết lý mà ông luôn theo đuổi kể từ khi bắt đầu lãnh đạo Trung Quốc đến tận bây giờ.

Ông Tập Cận Bình – Người tô màu cho “giấc mộng Trung Hoa” - Ảnh 10.

Kể từ đó đến nay 5 năm đã trôi qua và những câu chuyện trên cho thấy ông Tập đã phần nào thực hiện được giấc mơ ấy. Bên cạnh những chiến lược về mặt ngoại giao, ông còn nỗ lực đẩy mạnh cải cách nền kinh tế và hệ thống tài chính để nâng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trên bản đồ tài chính quốc tế mà điển hình là nỗ lực theo đuổi mục tiêu tự do hóa đồng nhân dân tệ.

Tất nhiên hiện thực hóa "giấc mộng Trung Hoa" là chặng đường rất khó khăn. Sáng kiến "Một vành đai, một con đường" bị các chuyên gia đánh giá là chậm giải ngân, ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) vốn được xây dựng để hỗ trợ tài chính cho sáng kiến hiện vẫn còn có quy mô quá nhỏ và chưa giúp ích được gì nhiều. Bên cạnh đó là những bất ổn trong nước. Sau thời kỳ tăng trưởng nóng, kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc và nhiều hạn chế đang dần bộc lộ như tỷ lệ nợ quá cao, nguy cơ bong bóng bất động sản hay tình trạng ô nhiễm và chênh lệch giàu nghèo.

"Giấc mộng Trung Hoa" có thể trở thành hiện thực hay không, chỉ có thời gian mới có thể cho chúng ta câu trả lời.

Thu Hương
Hương Xuân
Theo Trí Thức Trẻ

Trí thức trẻ