Ông Obama đã “chạm đến trái tim” người Nhật như thế nào?

30/05/2016 09:30 AM | Sống

Lần đầu tiên trong 70 năm, vị Tổng thống quyền lực nhất hành tinh ôm một nạn nhân còn sống sót sau thảm họa Hiroshima để an ủi phần nào nỗi đau mà họ phải gánh chịu suốt nhiều thập kỷ...

Sáng ngày thứ Bảy, nữ sinh trung học Naoko Sita đã đến công viên hòa bình xếp hàng từ sớm để trông chờ giây phút được nhìn thấy Tổng thống Obama đi qua.


Hàng trăm người dân Nhật Bản đã chờ Tổng thống Mỹ Obama đến thăm Hiroshima hôm 25/5 vừa qua.

Hàng trăm người dân Nhật Bản đã chờ Tổng thống Mỹ Obama đến thăm Hiroshima hôm 25/5 vừa qua.

Khi em đến nơi, em không khỏi ngạc nhiên khi đã có hàng trăm người đó chờ Tổng thống Obama từ trước đó và sau đó là hàng trăm người khác ùn ùn kéo đến.

Ở một cửa hàng nhỏ khá gần trung tâm thành phố Hiroshima, những ngày gần đây có một điều kì lạ đã xảy ra. Có nhiều cửa hàng nhỏ đã treo biển: “Xin lỗi chúng tôi không tiếp khách, chúng tôi phải đi xem Tổng thống Obama.”

Một cửa hàng đóng cửa vì chủ nhân đi đón Tổng thống Obama, trên cửa là tờ thông báo với nội dung "Chúng tôi xin phép đóng cửa hàng để đi gặp Tổng thống Obama. Xin lỗi quý khách."

Và không chỉ có một cửa hàng như thế. Khắp nơi tại thành phố Hiroshima, hàng nghìn người dân Nhật đổ xô ra đường để đón ông. Các trang báo lớn đồng loạt đăng tải các bài viết về ông trên trang nhất và giữ nó ở vị trí nổi bật cho đến tận thời điểm hiện tại.

Có nhiều lý do cho sự nhiệt tình mà công chúng Nhật dành cho ông.

Thứ nhất đó là bởi sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, ông là vị Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đến Hiroshima để cùng với người Nhật tưởng nhớ những nạn nhân đã thiệt hại trong chiến tranh.

Ông đã có một bài phát biểu làm lay động lòng người, trong đó ông đi tìm căn nguyên của chiến tranh trong lịch sử loài người và tuyên bố ông muốn thế giới không bao giờ được quên thảm họa Hiroshima và Nagasaki, nhưng hãy nhìn thảm họa đó như một sự khởi đầu của sự thức tỉnh lương tri con người.

Và cũng lần đầu tiên trong 70 năm, vị Tổng thống quyền lực nhất hành tinh ôm một nạn nhân còn sống sót sau thảm họa Hiroshima để an ủi phần nào nỗi đau mà họ phải gánh chịu suốt nhiều thập kỷ.

Dù ông không thay mặt cho nước Mỹ nói lời xin lỗi, nhưng nhiều người Nhật khẳng định quyết định đánh bom được đưa ra bởi người tiền nhiệm, ông không có trách nhiệm phải lý giải cho những quyết định được đưa ra bởi cả một hệ thống chính trị ở thời điểm khi ông còn chưa sinh ra. Việc ông đã đến đây, đã đứng cùng người Nhật để chia sẻ nỗi đau trong quá khứ, với họ đã là đủ.

Không chỉ vậy ông Obama còn có nhiều hành động khác, dù nhỏ mà khiến người dân Nhật không khỏi nức lòng. Khi đến thăm bảo tàng hòa bình tại Hiroshima (Hiroshima Peace Memorial Museum) ông đã cố gắng tự gấp 4 con hạc giấy theo kiểu Nhật (origami). Sau khi ông Obama rời đi, bảo tàng đã trưng bày 4 con hạc giấy của Tổng thống với hy vọng nó sẽ trở thành một trong những biểu tượng hòa bình của Hiroshima.

Hạc giấy được ông Obama tự gấp khi đến thăm Hiroshima.
Hạc giấy được ông Obama tự gấp khi đến thăm Hiroshima.

Hành động gấp hạc này tuy nhỏ nhưng đã khiến công chúng Hiroshima nói riêng và công chúng Nhật nói chung cảm thấy hài lòng. Tổng thống cho biết, ông bất chợt nảy ra ý định muốn gấp hạc sau khi ông được xem những con hạc do nữ sinh trung học Sadako Sasaki xếp được trưng bày trong bảo tàng.

Câu chuyện về Sakado không khỏi khiến nhiều người xót xa. Hiroshima bị đánh bom khi cô mới 2 tuổi. Sau đó cô bị chẩn đoán bệnh bạch cầu khi khoảng 10 tuổi. Trên giường bệnh, cô bé đã gấp 1.300 con hạc giấy từ các đơn thuốc ở bệnh viện cũng như nhiều loại giấy khác mà cha mẹ mang vào.

Bức tượng cô bé Sakado với ước vọng hòa bình cho thế giới.
Bức tượng cô bé Sakado với ước vọng hòa bình cho thế giới.

Người Nhật quan niệm nếu muốn điều ước gì trở thành hiện thực, hãy gấp 1.000 con hạc giấy và Sakado đã làm đúng như vậy. Nhưng cuối cùng, cô bé vẫn phải từ giã cuộc sống sau đó không lâu.

Những người chứng kiến chuyến thăm tại bảo tàng hòa bình Hiroshima cho biết khi được dẫn qua xem những con hạc giấy của Sakado, Tổng thống Obama đã rất xúc động. Ông đứng xem hạc giấy một lúc khá lâu và ông đề nghị được giúp đỡ để gấp những con hạc như vậy. Sau khi gấp 4 con hạc, ông tặng 2 con cho 2 sinh viên được mời vào bên trong bảo tàng để gặp Tổng thống.

Trước khi rời đi, ông viết trên sổ lưu niệm dòng chữ: “Chúng ta đã thấu hiểu sự bạo tàn của chiến tranh. Hãy cùng nhau can đảm để mang hòa bình đến mọi nơi trên thế giới và xây dựng một thế giới không có vũ khí hạt nhân.”

“Ngài Tổng thống có thể đã biết về câu chuyện của Sakado cũng như tìm hiểu về hạc giấy trước khi ông đến Nhật, thế nhưng chuyện đó cũng không quan trọng bằng việc ông ấy đã nghiêm túc muốn làm ra nó”, giám đốc bảo tàng Hiroshima nói.

Còn với bà Tomiko Kawasaki, một người sống sót qua thảm họa Hiroshima năm nay đã 73 tuổi, bà cho biết ông cảm thấy hành động của Tổng thống đã “chạm đến trái tim” bà: “Ước mơ của cô bé Sadako về một thế giới không chiến tranh, đau thương và mất mát đã được Tổng thống Mỹ thấu hiểu, và tôi tin, nhiều người khác cũng sẽ làm như vậy.”

Anh trai của bà Tomiko cũng là một nạn nhân của vụ đánh bom Hiroshima, ông cũng cảm động thực sự với cử chỉ của Tổng thống: “Đối với tôi, hành động của ông đã đủ để coi như một lời xin lỗi, nó thể hiện cho quyết tâm bảo vệ hòa bình cho thế giới của ông, nó xuất phát từ chính trái tim nhân hậu và độ lượng của Tổng thống.”

Sau khi ông đi khỏi Công viên Hòa Bình, đến ngày hôm sau, hàng trăm người khác cũng đã xếp hàng để đặt những con hạc giấy của họ dưới bức tượng của Sakado tại công viên Hiroshima. Có những học sinh còn mang hàng trăm con hạc đến đây để đặt đại diện cho cả lớp học của cô.

Không chỉ ở trong bảo tàng, khi ra ngoài tiếp xúc với dân chúng ông cũng khiến người dân Nhật vui lòng. Đó là thái độ thân thiện bắt tay từng người dân, đó là khi ông sẵn sàng đón tay và dỗ một em bé của một phụ nữ Nhật.


Obama đón một em bé từ tay một phụ nữ khi em đang mếu máo và ông đã dỗ em nín khóc. Nguồn: Reuters

Obama đón một em bé từ tay một phụ nữ khi em đang mếu máo và ông đã dỗ em nín khóc. Nguồn: Reuters

Một phụ nữ trong đám đông dường như đã đưa một em bé đang mếu máo khóc vào tay Tổng thống Mỹ để ông bế. Sau giây lát, đứa trẻ trở lại vòng tay của người phụ nữ với vẻ mặt bình thường, không còn khó chịu như lúc đầu. Phóng viên ảnh Carlos Barria từ Reuters bắt được khoảnh khắc này. Cảnh tượng trên cũng xuất hiện trong video đăng tải trên trang web của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Sự hài lòng của người dân Nhật dành cho Tổng thống Obama không chỉ được thể hiện bằng những câu chuyện mà thực tế kết quả khảo sát đã cho thấy công chúng Nhật đã yêu quý ông hơn rất nhiều sau chuyến thăm Nhật mới đây.

Ngay sau chuyến thăm của Tổng thống Obama, hãng tin Kyodo News đã thực hiện một cuộc khảo sát với 1.471 người Nhật ở nhiều trình độ trên khắp các tỉnh thành phố của Nhật và nhận được phản hồi của 1.026 người.

Kết quả thống kê cho thấy 98% số người trả lời cho biết họ hài lòng những gì họ nhận được từ chuyến thăm của Tổng thống Obama. 74,7% người chấp nhận việc Tổng thống Obama không nói lời xin lỗi, họ bảo điều đó không cần thiết. Khoảng 18,3% người trả lời cho rằng ông Obama phải xin lỗi.

Ngọc Thanh

Cùng chuyên mục
XEM