Ông Nguyễn Văn Bình: 30 năm trước, từ đói ăn chúng ta đã có cơm trắng, xuất khẩu được gạo, nhưng 30 năm sau vẫn chỉ như vậy

09/09/2016 09:36 AM | Kinh tế vĩ mô

Không phủ nhận sau 30 năm Đổi mới, người Việt từng có những lúc chỉ mơ về một bát cơm trắng, không phải độn thêm khoai, sắn…, nay đã đủ ăn, ăn ngon và đã xuất khẩu được gạo, nhưng ông Nguyễn Văn Bình thừa nhận: Nông nghiệp Việt Nam sau gần 30 năm giờ vẫn vậy, không có gì thay đổi, vẫn lấy kinh tế hộ làm hạt nhân.

Chia sẻ về nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Văn Bình – Trưởng ban Kinh tế Trung ương, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thừa nhận: Sau 30 năm Đổi mới, từ việc từng mơ về một bát cơm trắng, không phải độn thêm khoai, sắn…, nay đã đủ ăn, ăn ngon và đã xuất khẩu được gạo.

“Trước chúng ta có khoán 10, khoán 100, hay nói cách khác, từ mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu cũ, sau chuyển lại ruộng đất cho nông dân và lấy kinh tế hộ làm hạt nhân, điều này rất đúng trong một giai đoạn lịch sử. Chính nhờ thay đổi quan hệ sản xuất mà chúng ta đã giải phóng được lao động mà chủ yếu là hộ gia đình”, ông Bình nhớ lại.

Nhờ vậy, chỉ trong một giai đoạn ngắn, từ năm 1986 – 1992, từ chỗ thiếu ăn chúng ta đã trở thành một nước xuất khẩu gạo.

Duy vật biện chứng nói mọi vật luôn thay đổi, biến động, nhưng chúng ta không biến động, và cái gì đúng cứ đúng mãi”, ông Bình chia sẻ.


Ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng ban Kinh tế Trung ương. Ảnh: Internet.

Ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng ban Kinh tế Trung ương. Ảnh: Internet.

Ông Bình cho rằng: Trong nông nghiệp, môi trường, hoàn cảnh, điều kiện thay đổi, nhưng Việt Nam vẫn kéo dài mô hình lấy kinh tế hộ làm hạt nhân quá lâu, dẫn tới những khó khăn như ngày hôm nay.

Trước chúng ta sản xuất để tự nuôi mình, nền nông nghiệp là tự cung tự cấp, để phục vụ cho gia đình, cộng đồng rồi nhu cầu trong nước. Và chúng ta đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử đó.

Nay, trong bối cảnh hội nhập, từ chỗ sản xuất hàng hóa tự cung tự cấp phải chuyển sang sản xuất hàng hóa lớn, để tham gia vào thị trường quốc tế, và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Do mục tiêu đặt ra khác với trước đây, quan hệ sản xuất cũng phải đặt ra với góc độ khác. Và sản xuất lớn thì không thể lấy hộ gia đình làm hạt nhân, mà phải lấy hợp tác xã và doanh nghiệp làm hạt nhân.

Muốn tái cơ cấu, điều đầu tiên phải làm là tích tụ được ruộng đất từ nông dân

Tư liệu sản xuất lớn nhất trong nông nghiệp là đất đai, nhưng đất nông nghiệp tại Việt Nam lại cực manh mún.

Vấn đề đặt ra là làm sao tích tụ được ruộng đất mà vẫn đảm bảo lợi ích của người nông dân? Chúng ta phải có các mô hình thành công để tạo ra một môi trường pháp lý, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân góp vào việc tích tụ ruộng đất, góp phần vào sản xuất.

Vấn đề thứ 2 trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp là kinh tế hợp tác, kinh tế tập thể.

“Nhắc đến kinh tế tập thể, thời chúng tôi cũng vẫn thấy ớn xương sống. Nhưng hợp tác xã kiểu mới ngày nay sẽ không giống ngày xưa mà là một bước tiến rất quan trọng để phát triển nông nghiệp”, ông Bình nói.

Theo ông Bình, hợp tác xã kiểu mới không ai phải góp gì, mà liên kết với nhau. Ví như chăn nuôi, thì thống nhất các khâu thức ăn, quy trình nuôi, chuồng trại, tiêu chuẩn chăn nuôi và có người bao tiêu sản phẩm.

Khi tham gia chuỗi liên kết này, người nông dân tiêm thuốc không sợ thuốc rởm, đồng thời khi đảm bảo thống nhất một quy trình, tiêu chuẩn, thì đảm bảo là chăn nuôi sạch, tất có người đến tiêu thụ với giá đảm bảo.

“Chỉ hợp tác xã đứng ra làm đầu mối mới có số lượng lớn. Và nếu có doanh nghiệp vào, thì chỉ lần liên kết với hợp tác xã là đủ, thay vì phải làm việc và kiểm soát quy trình với 1.000 hộ nông dân”, ông Bình giải thích.

Chỉ cần làm tốt 2 vấn đề này, cộng thêm cơ chế chính sách hợp lý, tất doanh nghiệp sẽ “ào ào” vào làm nông nghiệp”.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM