Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa: "Tôi rất đau lòng nếu làm phong trào khởi nghiệp mà lại xua các em bỏ học đi bán cà phê"

08/08/2017 14:26 PM | Kinh doanh

Vì định nghĩa Startup và khởi nghiệp rất loạn nên khi nói về tinh thần khởi nghiệp, vô hình chung nhiều phong trào như đang xua các em bỏ học đi kiếm tiền, thậm chí đi bán cà phê, đi mở vài doanh nghiệp bên ngoài để kiếm tiền, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa - Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn chiến lược VNPT – trăn trở.

Trả lời câu hỏi về sự khác biệt giữa Startup và Khởi nghiệp, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn chiến lược Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), cho biết ông đang đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học Công nghệ cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo nên phối hợp lại cùng đưa ra một chuẩn TCVN về khởi nghiệp ở Việt Nam.

“Khởi nghiệp hiện nay định nghĩa rất loạn. Chúng ta đang lẫn lộn giữa Startup và Entrepreunership (Tinh thần khởi nghiệp). Entrepreunership cần cho mọi cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa”, ông Hòa nói.

“Đã đến lúc cần nói rõ từ tiếng Anh là Startup. Nếu không, khi nói tinh thần khởi nghiệp là vô cùng tốt cho mọi người, cho các em sinh viên, vô tình lại nói thành “các em bỏ học đi, đi làm kinh doanh kiếm tiền”. Chữ khởi nghiệp, tinh thần khởi nghiệp lại bị suy diễn là chỉ có đi kiếm tiền, kinh doanh thì mới là khởi nghiệp”.

Cũng theo ông Hòa, Khởi nghiệp có nghĩa là bắt đầu.

Còn Startup là Start (bắt đầu) một công ty nhỏ đầu tiên, sau đó đẩy sự tăng trưởng (Up) nhanh, với đích đến là lên sàn (IPO) nhằm bán lại cho người khác gấp nhiều lần giá trị đầu tư ban đầu.

Ông Hòa một lần nữa khẳng định: “Khởi nghiệp không phải là vì tiền. Nguyễn Hà Đông lần đầu làm vì đam mê game chứ chưa biết là để kiếm tiền. Nguyễn Ngọc Tư viết văn cực hay chẳng lẽ không phải khởi nghiệp?”

“Trong môi trường giáo dục, tôi rất đau lòng nếu làm phong trào khởi nghiệp mà xua các em bỏ học đi kiếm tiền, thậm chí đi bán cà phê, đi mở vài doanh nghiệp bên ngoài mà gọi là chương trình khởi nghiệp, thì đây là một định nghĩa cực kỳ manh mún và sai với định nghĩa ban đầu”.

Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn chiến lược VNPT cho biết, bên cạnh việc đặt vấn đề với Bộ Khoa học Công nghệ về việc lập tiêu chuẩn TCVN về khởi nghiệp, ông cùng nhiều doanh nhân khác đang đầu tư “mua bài khởi nghiệp” một cách bài bản để giảng dạy. Ông cũng cho rằng khởi nghiệp ở Singapore, Mỹ, hay Do Thái đều được dạy theo bài, cực hữu ích để các bạn trẻ biết làm thế nào startup một doanh nghiệp.

Nói về việc xây dựng chiến lược cho các Startup, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa cho biết các Startup thường thiếu 2 chỉ số trong danh mục tài chính: Trade-off (Chỉ số trả giá) và Provisional Fund (Quỹ dự phòng về tài chính).

“Khi Startup còn nhỏ, các doanh nghiệp chưa rót tiền vào nhiều, các bạn làm Startup chưa quan tâm, nhưng khi đẩy lên IPO, mọi doanh nghiệp lên sàn đều phải có quỹ dự phòng 10% doanh thu. Đây là chỉ số bắt buộc trong các module startup sắp tới chúng tôi sẽ triển khai dạy các bạn”.

“Các bạn lao vào cuộc chơi Startup cực kỳ liều lĩnh. Các bạn như những con thiêu thân, có thể đem lại hệ lụy cho gia đình, cho xã hội và cho chính các bạn”, ông Hòa cảnh tỉnh.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM