Ông Lê Quốc Vinh: Thương hiệu thành công là khi vấp ngã, có người chìa tay để nâng mình lên

06/10/2019 15:17 PM | Kinh doanh

Muốn xây dựng thương hiệu, cần đẩy thương hiệu đến mức được yêu thương. Xử lý khủng hoảng không gì hay hơn bằng phòng chống, tức xây dựng hình ảnh tốt đẹp để khi vấp ngã, có thể được cảm thông.Doanh nghiệp ngày càng dễ gặp những khủng hoảng "từ trên trời rơi xuống".

Tại NDH Talk diễn ra sáng 5/10, Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Le Invest, cho hay với đặc thù công việc của mình, mỗi tuần, ông mất khoảng 5 ngày để xử lý khủng hoảng liên quan đến vấn đề thương hiệu (của đối tác, khách hàng). Ông Vinh so sánh mục tiêu xây dựng thương hiệu với cảm xúc trong tình yêu: “Khi người ta yêu mình, họ sẽ chấp nhận mình bằng mọi giá, thậm chí sẵn sàng trả giá cao hơn một chút”.

Cụ thể, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Le Invest cho rằng muốn xây dựng thương hiệu, cần đẩy thương hiệu đến mức được yêu thương, giống như việc khi đã yêu quý ai, dù họ có lỗi lầm, chúng ta cũng sẽ nhìn lỗi lầm đó theo hướng tích cực.

Ngược lại, nếu trong toàn bộ quá trình hoạt động của doanh nghiệp, thương hiệu không chứng minh được bản thân cầu thị, hướng tới điều tốt đẹp, thì khi gặp sự cố, khách hàng sẽ không tin tưởng, cho rằng những tuyên bố trước đó là sáo rỗng.

Ông khẳng định niềm tin của người tiêu dùng với thương hiệu được xây dựng qua quá trình lâu dài.

Ông Lê Quốc Vinh: Thương hiệu thành công là khi vấp ngã, có người chìa tay để nâng mình lên - Ảnh 1.

Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Le Invest.

“Chúng tôi vẫn nói rằng xử lý khủng hoảng không gì hay hơn bằng phòng chống, tức xây dựng hình ảnh tốt đẹp để khi vấp ngã, người ta sẵn sàng chìa tay để nâng mình lên. Chúng ta chỉ đứng lên được khi người ta đặt niềm tin nào đó vào thương hiệu của chúng ta’, Chủ tịch Le Invest nói.

Cũng về chủ đề này, ông Lê Quốc Vinh cho rằng có những khủng hoảng đến ngay cả khi chúng ta đúng. Đó là một loại khủng hoảng khác, có thể gọi là “từ trên trời rơi xuống”, do ngươi ta "đổ vào đầu mình".

Loại khủng hoảng này ngày càng nhiều kể từ khi có mạng xã hội, ví dụ có người đi uống cà phê nhưng không sành về vị, họ sẽ không thích Hoian Roastery (chuỗi cà phê của một diễn giả khác trong chương trình được lấy làm ví dụ). Kể cả khi nhiều người khen nhưng một người đánh giá không tốt, hãng cà phê đã có thể gặp khủng hoảng.

“Vấn đề là chúng ta phải bảo vệ thương hiệu của mình bằng sự chân thành, bằng triết lý với thương hiệu, sống thật, thuyết phục mọi người về giá trị. Nếu như có người ném tạ vào mình thì sẽ có nhiều người đỡ lại”, người đứng đầu Le Invest nói.

Ông Vinh cũng lấy dẫn chứng về căn nhà bê tông ở Mã Pí Lèng gây xôn xao dư luận gần đây. Việc căn nhà đó xấu hay không xấu, người tẩy chay, người cho rằng căn nhà tồn tại không có ảnh hưởng gì, điều này cho thấy cảm xúc mỗi người mỗi khác. "Chúng ta không kỳ vọng thỏa mãn được tất cả nhưng cần làm tốt nhất với nhóm đối tượng cần hướng tới. Nhóm đối tượng này chính là sứ giả sau này sẽ bảo vệ thương hiệu của chúng ta", vị này nói.

“Lời khuyên của chúng tôi là hãy làm thương hiệu bằng sự chân thành để gây dựng tình yêu với nhóm khách hàng đối tượng. Họ sẽ sát cánh cùng mình vượt qua bão dông”, Chủ tịch Le Invest nhấn mạnh.

Theo Lâm Tùng

Cùng chuyên mục
XEM