Ông Lê Hoàng Châu đưa ra 5 giải pháp để hạ nhiệt cơn sốt đất ảo ở TP.HCM

17/05/2017 11:12 AM | Kinh doanh

Sáng 17/5, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017.

Tại hội nghị, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng, mặc dù thị trường bất động sản còn nằm trong chu kỳ tăng trưởng nhưng thực sự đã có dấu hiệu chững lại và có những rủi ro tiềm ẩn bên trong.

Ông Lê Hoàng Châu đưa ra 5 kiến nghị tới Thủ tướng Chỉnh phủ.

Thứ nhất, một kiến nghị cũ của năm ngoái đó là kiến nghị Chính phủ cho phép hạch toán bù trừ thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản với thu nhập khác của doanh nghiệp.

Theo ông Châu, điều này đã được đưa vào nghị quyết 35 của Chính phủ nhưng cho đến nay vẫn chưa được thực hiện, nên rất mong lần này Chính phủ tiếp tục ghi nhận và thực hiện 9 nội dung đã được quy định trong nghị định 35 về quy định cho hạch toán bù trừ kinh doanh đa ngành, trong đó có kinh doanh bất động sản, để đảm bảo sự bình đẳng cho doanh nghiệp

Thứ hai, HoREA kiến nghị cho phép thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất tại nước ngoài nhưng khi xảy ra tranh chấp xử lý theo pháp luật nước ta.

Hiện nay, luật đất đai chỉ cho thế chấp trong nước, không cho thế chấp ở nước ngoài, nhưng theo ông Châu, khi đất nước hội nhập, nhà đầu tư nước ngoài cũng cần có sự thế chấp đó ở ngân hàng nước ngoài. "Chúng ta cho Việt kiều nhập cảnh hợp pháp, người nước ngoài nhập cảnh hợp pháp được mua và sở hữu nhà ở Việt Nam thì những người này cũng có nhu cầu thế chấp để vay tiền từ nước ngoài", ông Châu nói.

Thứ ba, HoREA kiến nghị chính phủ sớm trình quốc hội xem xét thông qua luật sửa đổi một số điều về đầu tư kinh doanh ngay trong năm 2017. Dự thảo luật này đã được đưa ra trong năm 2016 nhưng cuối cùng chỉ thông qua phần về sửa đổi điều kiện kinh doanh. Theo ông Châu, chúng ta dự kiến sửa đổi khoảng 15 luật, đây là vấn đề hết sức hệ trọng, nếu làm được sẽ tạo môi trường kinh doanh thông thoáng theo tiến trình hội nhập.

Thứ tư, HoREA kiến nghị Chính phủ phối hợp với UBND TPHCM để có giải pháp hiệu quả hạ nhiệt cơn sốt đất ảo ở vùng ven TPHCM

Cơn sốt này là cơn sốt đất nền, chứ không phải đất dự án. Cơn sốt hiện đang diễn ra ở Quận 9, Quận 12, Thủ Đức, Bình Tân, Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn, hiện nay lan tỏa lên Củ Chi, Cần Giờ, là điểm bất thường.

Ông Châu cho rằng, giới đầu nậu, cò đất chính là thủ phạm chính gây ra cơn sốt đất này và là bên thủ lợi, điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ lớn với thị trường bất động sản về tính bền vững

Ông Châu kiến nghị với UBND thành phố công bố rõ thông tin, bởi vì những thông tin về huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh lên quận… bị giới cò đất lợi dụng, tung tin hỏa mù. Bên cạnh đó, các dự án của tập đoàn lớn đang chuẩn bị đầu tư vào TPHCM cũng bị giới cò đất và đầu nậu lợi dụng để tung hỏa mù, đẩy giá.

Riêng hiệp hội kiến nghị chính phủ trình quốc hội sửa luật kinh doanh bất động sản. Bởi vì luật kinh doanh bất động sản quy định kinh doanh bất động sản là phải có giấy phép đăng ký kinh doanh, nhưng giới đầu nậu, cò đất hiện nay đang kinh doanh với danh nghĩa cá nhân, núp bóng người chủ đất, núp bóng doanh nghiệp, chứ không có đăng ký kinh doanh, không chịu thuế.

Thứ năm, HoREA kiến nghị sớm ban hành các quyết định thay thế QĐ-09/2007, QĐ 140/2008, QĐ-86/2010 của Thủ tướng Chính phủ để có khung pháp lý mới phục vụ quá trình cổ phần hóa của chúng ta trong thời gian tới.

Ông Châu kiến nghị sửa luật đất đai, kể cả luật đấu thầu để sửa đổi cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu sử dụng đất để đảm bảo công khai minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, khắc phục tình trạng chân gỗ, quân xanh quân đỏ, trong đấu thầu, đấu giá.

Liên quan đến việc thanh tra 60 dự án tại TPHCM, ông Châu kiến nghị cho phép các chủ đầu tư được tiếp tục dự án. Nếu thanh tra phát hiện các dự án gặp vấn đề thì chủ đầu tư có nghĩa vụ nộp tài chính bổ sung, còn nếu không phát hiện các vi phạm cụ thể thì để các chủ đầu tư tiếp tục thực hiện dự án bàn giao sản phẩm cho khách hàng

Hà My

Cùng chuyên mục
XEM