Ông Đinh Anh Huân: Mang kinh nghiệm IT vào ngành giày

06/09/2017 09:16 AM | Kinh doanh

Tên tuổi của ông Đinh Anh Huân không chỉ gắn liền với thành công của Thế Giới Di Động, giaohangnhanh.vn. Ông cũng là người sáng lập và điều hành Công ty Seedcom, rồi làm chủ thương hiệu giày Juno. Ngoài ra, ông còn đầu tư vào nhiều thương hiệu khác như Tiki, Haravan, The Coffee House, Pizza 4P's...

Dưới sự điều hành của ông, Juno như được "lột xác" và trở thành cái tên "hot" trong phân khúc giày nữ "made in Vietnam". Đây cũng là thương hiệu rất nhạy bén khi áp dụng công nghệ vào chuỗi sản xuất kinh doanh.

* Có vẻ như ông là kẻ ngoại đạo "mát tay" với lĩnh vực thời trang. Điều gì đã thôi thúc ông đầu tư vào Juno cũng như ngành giày khi thị trường đang bị giày Trung Quốc lấn lướt?

- Thị trường giày, túi xách thời trang nữ rất lớn, được đánh giá cả tỷ đô la. Đối với phân khúc bình dân, ở tầm giá 300.000 - 400.000đ/đôi, mỗi năm thị trường cần khoảng 30 - 40 triệu đôi. Nhu cầu này rất lớn so với khả năng đáp ứng của các thương hiệu giày Việt Nam hiện nay. Đó là những thông số cần thiết để năm 2015, Seedcom - Công ty chuyên đầu tư vào các startup quyết định đầu tư và chọn Juno.

Juno là thương hiệu giày có từ năm 2005, nhưng chỉ tập trung vào sản xuất và kinh doanh theo hệ thống đại lý, không kiểm soát được đầu cuối là khách hàng nên khá mờ nhạt. Đầu tư vào Juno, Seedcom không đóng vai trò của một quỹ đầu tư mà tham gia điều hành, sản xuất và cả bán hàng.

* Juno cũng là thương hiệu có bề dày, nhưng dường như sau năm 2015, thương hiệu này có hướng đi khác hẳn. Vì sao vậy?

- Chúng tôi chỉ giữ lại đúng cái tên Juno, bởi đó là tên của vị nữ thần thời La Mã cổ đại (được ví như nữ thần Hera trong thần thoại Hy Lạp) có liên quan tới sắc đẹp. Cái tên này dễ nhớ nên được chúng tôi chọn.

Còn lại mọi thứ từ khâu sản xuất, bán lẻ, hệ thống phần mềm, công nghệ, marketing đều được đầu tư làm mới. Điều này xuất phát từ kinh nghiệm điều hành của tôi từ trước đây.

Mặt khác, khi tìm hiểu thị trường giày, chúng tôi nghiệm ra rằng, ngành này không dễ "ăn" như mọi người vẫn nghĩ. Người biết sản xuất thì không biết bán hàng. Người bán hàng giỏi thì không biết sản xuất. Chính vì thế, khi tham gia vào lĩnh vực này chúng tôi đã rà soát kỹ lưỡng từng khâu, bắt đầu từ khâu cơ bản nhất. Đầu tiên là làm ra một đôi giày êm chân với mức giá tầm trung. Rồi đến sự tiện dụng cho khách hàng (hệ thống cửa hàng rộng khắp, mua online dễ dàng) cũng như chất lượng dịch vụ (chính sách đổi trả, thái độ phục vụ...).

Hiện nay chúng tôi đã làm tốt điều hạn chế của giày Việt Nam là êm chân. Chúng tôi đã dành 2 năm để làm việc này và hiện tại hơn 90% mẫu giày của Juno đã hoàn thiện yêu cầu này.

Ngoài ra, chúng tôi bắt đầu tập trung cho mẫu mã theo hướng đa dạng, thời trang, hợp xu hướng. Trong đó, điểm mấu chốt là đưa công nghệ vào sản xuất để quản lý tốt tất cả các khâu nhằm tạo thế mạnh riêng. IT chính là ưu thế của tôi cũng như những anh em đồng sáng lập Juno.

* Cụ thể, Juno đã áp dụng công nghệ vào những khâu nào trong quy trình sản xuất, kinh doanh?

- Việc đưa công nghệ vào kinh doanh là điều chúng tôi học tập từ các công ty thương mại điện tử như Amazon, Tiki, Lazada. Tất cả quy trình từ vận chuyển, bán hàng, tồn kho... đều dựa vào công nghệ. Từ đó, Juno áp dụng công nghệ trong việc quản lý hệ thống bán hàng; kết nối giữa online và offline; tương tác với khách hàng trên mọi kênh mà họ sử dụng.

Việc áp dụng công nghệ giúp chúng tôi tạo ra dịch vụ đồng nhất ở mọi nơi, có thể quản lý từ xa mà không cần tăng nhân sự và tạo ra trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.

* Vấn đề cốt yếu của thời trang là thiết kế mẫu mã. Đây cũng là nhược điểm của ngành thời trang Việt Nam hiện nay. Ông xử lý vấn đề này thế nào?

- Nhờ công nghệ, khâu sản xuất nhanh chóng cập nhật xu hướng mới nhất, nắm bắt phản hồi từ khách hàng nhanh và đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường. Hiện tại Juno là một trong những thương hiệu hiếm hoi đủ sức ra các bộ sưu tập mới (mẫu mới) hằng tháng. Mỗi tháng, chúng tôi cho ra mắt từ 20 - 30 mẫu giày và túi xách mới. Đây là thành quả của việc áp dụng công nghệ vào quản lý và sản xuất. Chúng tôi quan niệm làm thời trang là phải "nhanh" và "nhạy" về mẫu mã.

Người tiêu dùng mong muốn có những sản phẩm giày mang thương hiệu Việt, có giá phải chăng, chất lượng đảm bảo, mẫu mã luôn mới. Để hội tụ đủ những yếu tố này không quá khó. Bởi Việt Nam là nước có lợi thế cạnh tranh trong chuỗi cung ứng về sản xuất giày. Có đến 40% giày của Nike , Adidas được sản xuất tại Việt Nam. Mỗi năm, Việt Nam gia công cho thế giới hàng tỷ đô la. Điều này cho thấy tất cả các nguyên liệu làm giày ở Việt Nam đều có, nhân công cũng sẵn. Vấn đề là chọn cách làm phù hợp, đúng thời điểm để đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường.

* Không ít ý kiến cho rằng Juno "mạnh vì gạo, bạo vì tiền" với sự phát triển nhanh rộng từ 5 cửa hàng ban đầu, đến nay có 58 cửa hàng, và theo kế hoạch sẽ có 90 cửa hàng trong cả nước. Tuy nhiên, ông nghĩ sao về câu nói "đường dài mới biết ngựa hay"...?

- Thời điểm Seedcom bắt tay với Juno, hãng giày này có công suất chỉ khoảng 3.000 đôi giày/tháng, tức khoảng 30 - 40 ngàn đôi/năm. Tuy nhiên, đến năm 2017 này, Juno dự kiến bán ra 1 triệu đôi giày, tức mỗi tháng bán hơn 80 ngàn đôi, gấp 30 lần trước đây. Trong năm sau, Juno sẽ đầu tư thêm nhà máy công suất lớn hơn, đảm bảo sản lượng 150.000 - 200.000 đôi giày/tháng và bán ra khoảng 2 triệu đôi mỗi năm. Với kế hoạch tăng công suất nhà máy, trong vòng vài năm tới, nhà máy của Juno có thể cung cấp hàng triệu đôi giày mỗi tháng.

Juno phát triển mở rộng không dựa trên cảm tính mà có kế hoạch, học cách làm chiến lược của các thương hiệu toàn cầu, trong đó có Lazada. Họ không chỉ nổi tiếng về mẫu mã đa dạng, thiết kế gần gũi mà hơn hết là khả năng cạnh tranh. Từ sản xuất ra sản phẩm, giới thiệu trên sàn diễn và ra cửa hàng chỉ trong mươi ngày, rút ngắn thời gian đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Nhờ đó, khách hàng luôn cảm thấy Juno mới mẻ.

Chúng tôi tự tin là đơn vị đầu tiên áp dụng thành công điều này trong sản xuất và điều hành cũng như kết hợp bán hàng offline tại cửa hàng với bán hàng online. Chúng tôi cũng khai thác tối đa công nghệ internet để khách hàng có thể tiếp cận những mẫu mã mới từ nhiều phương cách như Facebook, Zalo, Instagram, hotline...

* Juno đã mang mô hình kinh doanh của Thế Giới Di Động, đó là dịch vụ khác biệt vào kinh doanh, ví dụ như cho đổi trả sau 3 tháng. Đây là hướng kinh doanh hiện đại nhưng đầy rủi ro vì giày là sản phẩm đặc thù, không thể còn nguyên vẹn khi đã qua sử dụng?

- Chúng tôi quan niệm rất đơn giản là khách hàng phải hài lòng khi sử dụng sản phẩm Juno. Nếu khách không hài lòng vì bất kỳ lý do gì, chúng tôi sẵn sàng giúp khách đổi trả. Chúng tôi tin khách hàng.

Cũng có trường hợp khách hàng trục lợi, nhưng chúng tôi có cách giám sát việc đổi trả hàng hóa để đảm bảo rằng khách hàng luôn hài lòng, còn chúng tôi thì phục vụ tốt.

* Chiến lược cá nhân hóa từng đôi giày cho khách hàng được Juno lên kế hoạch. Ông đánh giá tỷ lệ thành công ra sao?

- Khách hàng của Juno có thể tự thiết kế đôi giày của họ trên điện thoại hay trên máy tính cá nhân và gửi về cho Juno sản xuất và khi ấy đôi giày sẽ có giá đắt hơn. Đây là một dự án còn đang trong giai đoạn nghiên cứu thử nghiệm. Chúng tôi đánh giá nhu cầu "customised" là rất tiềm năng và đã được minh chứng ở thị trường thế giới (ví dụ mô hình của Shoesofprey.com). Còn với thị trường Việt Nam, xin phép được trả lời sau. Có thể là với mô hình này, Juno sẽ bán ra thế giới trước.

* Điều ông hài lòng và không hài lòng khi tham gia điều hành Juno cho đến thời điểm này? Quan điểm kinh doanh thành công của ông là gì?

- Điều tôi hài lòng là Juno đã đi đúng mô hình đã vạch ra. Còn điều chưa hài lòng liên quan đến con người, vì máy móc chỉ thay thế con người phần nào thôi. Con người tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, có thể có những khâu phục vụ chưa thật sự tốt. Vì thế chúng tôi không ngừng đào tạo nhân sự để thương hiệu giày Juno trở nên hoàn hảo hơn.

Tôi quan niệm rằng cứ làm điều khách hàng cần và hài lòng thì đó là kinh doanh tốt.

* Người thân của ông có mang giày Juno?

- Tất nhiên họ phải thử qua để biết được sản phẩm như thế nào. Họ cũng là kênh phản hồi tích cực nhất khi Juno ra mẫu mới. Tiếc rằng, Juno chưa sản xuất giày cho nam nên tôi chưa có cơ hội thử sản phẩm do chính mình làm ra. Tuy nhiên, giày nam cũng nằm trong kế hoạch đa dạng hóa sản phẩm của chúng tôi, nên chắc chắn tôi sẽ là khách hàng đầu tiên... đặt hàng.

* Ông từng cho rằng mình chỉ giỏi triển khai những cái mới, còn việc tối ưu hóa nó không phải là thế mạnh của bản thân. Tuy nhiên trong kinh doanh, càng chi tiết càng giảm thiểu được rủi ro, ông nghĩ sao về điều này?

- Trong kinh doanh, tính toán chi tiết là điều quan trọng, nhất là trong tình hình ngày càng cạnh tranh khốc liệt như hiện nay. Vì thế, tôi quan niệm rằng, nếu mình làm không tốt điều gì thì hãy để cho người khác đảm nhiệm, không nên quá ôm đồm để rồi cuối cùng không cái nào ra cái nào. Đó cũng là lý do vì sao tôi có những quyết định bước vào những thử thách mới.

* Ông có lời khuyên nào cho các bạn trẻ mới khởi nghiệp?

- Mỗi người đều có sự trải nghiệm riêng. Hãy cho mình những cơ hội trải nghiệm. Có thể sẽ có khó khăn hoặc thất bại, nhưng đó chính là kinh nghiệm cho lần sau.

* Cảm ơn ông về những chia sẻ.


Theo ĐỨC PHONG

Cùng chuyên mục
XEM