Ông chủ Vinamit: Theo đuổi nông nghiệp hữu cơ, chúng tôi mất đến 30 năm và lỗ hàng trăm tỉ đồng

29/12/2016 13:00 PM | Kinh doanh

Ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vinamit, đã chia sẻ góc nhìn về nông nghiệp hữu cơ và kể câu chuyện Vinamit phải trả giá vì đi theo con đường nông sản sạch.

Tại Diễn đàn Kết nối doanh nghiệp - người tiêu dùng: "Thực phẩm sạch dành cho ai?" do Báo điện tử Trí thức trẻ tổ chức ngày 28/12 tại TP HCM, ông Nguyễn Lâm Viên đã có những chia sẻ về con đường nông nghiệp hữu cơ của “đứa con tinh thần” do ông sáng lập ra.

Trước khi kể câu chuyện về Vinamit, ông nêu ra cái nhìn tổng quan về nông nghiệp Việt Nam.

Theo ông, đa số người sản xuất đều đi trên nền tảng nông nghiệp hóa học. Hiện nay, theo nhu cầu của thế giới và cả trong nước, người tiêu dùng đang mong mỏi sản phẩm hướng hữu cơ, thực phẩm hữu cơ. “Chúng ta phải hiểu rằng cái gốc để có thực phẩm hữu cơ là phải nghiên cứu từ vi sinh vật, vi khuẩn học. Làm cách nào để khống chế vi khuẩn. Chúng tôi đã mất 30 năm vì chuyện này nên chúng tôi có nhiều thất bại, tốn kém”, ông Viên nói.

Người sáng lập Vinamit cho rằng trên thị trường hiện có 3 câu chuyện: Một bên đi theo nông pháp vô cơ và hóa học. Một bên đi theo nông pháp hữu cơ. Khúc chính giữa là khúc giao thời, và mọi người đi rất đông là kết hợp cả vô cơ và hữu cơ. “Vô mảnh vườn mà biểu bón phân hữu cơ là chắc chắn rồi, nhưng biểu đừng phun thuốc để trừ sâu bệnh thì không thể”.

Vinamit từng mất 150 tỷ vì không khống chế được sự phát triển của vi khuẩn

“Các bạn biết không, vào năm 2010, chúng tôi mất gần 150 tỷ vì không không chế được sự phát triển của vi khuẩn. Trong chế biến của Vinamit, chúng tôi không dùng chất bảo quản. Khi không dùng chất bảo quản là chuyện to rồi. Chỉ cần sơ suất thôi thì toàn bộ hàng hóa bị hư hết”, ông Viên kể.

Trước đó năm 1996, Vinamit cũng mất khoản tiền lớn vì đi theo nông nghiệp hữu cơ: Năm 1996, chúng tôi mất khoảng 500 nghìn USD cũng vì chuyện không khống chế được vi khuẩn. Những thách thức là làm sao để người ta tin mình. 30 năm như Vinamit còn chưa được tin, huống chi các bạn khởi nghiệp. Làm sao cho người tiêu dùng chấp nhận giá cao thuở ban đầu của các bạn. Làm bằng phương pháp vi sinh sẽ tốn kém rất nhiều và cần đầu tư rất nhiều.

Lãnh đạo Vinamit lấy ví dụ về sự gian nan trong trồng trọt hữu cơ: “Trước đây cỏ mọc đầy, chúng ta phun thuốc là xong. Nhưng nếu đi theo con đường hữu cơ, chúng ta phải cắt. Việt Nam chưa có máy cắt bằng cơ giới mà toàn máy cắt bằng tay. Cánh đồng 20 ha là đuối rồi, nhưng chúng ta phải làm”.

Vòng quay lấy lại vốn phải 6 năm

Ông Viên chỉ ra những yếu tố cần thiết trong khởi nghiệp nông nghiệp hữu cơ.

Thứ nhất, theo ông, phải cần vốn đầu tư ban đầu đủ lớn, vòng quay để lấy lại vốn phải là 6 năm. “Bạn nào mà tính dưới con số trên thì tôi tin chắc bạn đó sẽ thất bại hoặc bán giá rất cao. Lý do thường thất bại thường là do vốn không đủ, làm nửa chừng thì đuối vì không có kết quả, không có lời và đổi phương pháp làm dẫn đến thất bại. Nếu làm không tới thì không thể có niềm tin của người tiêu dùng”.

Thứ hai là, làm thế nào để canh tác về mặt hữu cơ, câu chuyện này là về sự hiểu biết, lòng quyết tâm và đội ngũ làm việc. Làm cách nào để nghiên cứu từ vi sinh học để làm được chính là thách thức. Làm sao để không dùng chất bảo quản và Vinamit đã phải trả giá đắt vì việc này.

Thứ ba, nếu làm hữu cơ thì giảm chi phí cần chọn vùng đất có hệ sinh thái đừng quá cạn kiệt, đất không còn dinh dưỡng thì sẽ rất khó khăn trong việc canh tác. Do người trồng phải nuôi đất lại. Nếu chọn sai thì đầu tư sẽ rất tốn kém.

Bên cạnh đó, cần phải hiểu, biết cách ức chế vi sinh vật. Khi trồng cây, cần nhiều vi sinh vật, nhưng khi bảo quản, người trồng lại phải tìm cách ức chế chúng để chúng không phát triển. Ông lấy ví dụ, vì sao trong siêu thị mọi người thấy chuối chín vàng, trong khi nông dân để vàng như vậy thì chỉ có cách bỏ đi vì người ta hiểu cách ức chế vi sinh vật.

Nếu ai đó còn lấn cấn chuyện sử dụng hóa chất thì “thôi xong” vì khi cho hóa chất vào, sản phẩm sẽ hoàn toàn khác đi, tính tự nhiên của sản phẩm cũng mất đi.

Một điều rất quan trọng khác là sự phối hợp giữa việc sản xuất và chế biến. Nếu trồng cây mà có bảo quản, có chế biến thì hai khâu sẽ hỗ trợ nhau. Chẳng hạn, khi bán không hết thì có thể chế biến. Do đó cần tích hợp hoặc nếu không chế biến được thì phải chơi với người làm bảo quản để chế biến.

Thế Trần

Cùng chuyên mục
XEM