Ông chủ Huy Nhật lần đầu lên tiếng sau gần 1 tháng đóng cửa chuỗi Món Huế: Bị nhà đầu tư ‘đá’ khỏi Huy Việt Nam, cũng muốn trả nợ nhà cung cấp và nợ lương nhân viên nhưng không còn quyền điều hành!

15/11/2019 00:02 AM | Kinh doanh

Gần 1 tháng sau khi 200 cửa hàng Món Huế, Phở Ông Hùng… đóng cửa, hàng chục nhà cung cấp treo băng rôn đòi nợ, ông Huy Nhật mới lên tiếng trước báo giới cho biết ông sẵn sàng chịu trách nhiệm với công ty của mình nhưng hiện không còn quyền điều hành. "Nhóm nhà đầu tư có kế hoạch giành lấy quyền điều hành và gạt tôi ra khỏi Huy Việt Nam… Tôi tin rằng Đào Chi Anh sẽ đồng cảm được tình thế của tôi. Với nhà sáng lập thì đây là một cú shock rất khủng khiếp", ông Nhật tâm sự.

"Tôi đã bị loại khỏi doanh nghiệp mình sáng lập ra"

"Tôi đã bị loại ra khỏi doanh nghiệp mình sáng lập mà không hề hay biết và hiện nay đang cố giành lại nó", Tuổi trẻ dẫn lời ông Huy Nhật - nhà sáng lập Huy Việt Nam, chủ sở hữu của gần 200 cửa hàng Món Huế, Phở Ông Hùng…

Ông chủ Huy Nhật lần đầu lên tiếng sau gần 1 tháng đóng cửa chuỗi Món Huế: Bị nhà đầu tư ‘đá’ khỏi Huy Việt Nam, cũng muốn trả nợ nhà cung cấp và nợ lương nhân viên nhưng không còn quyền điều hành! - Ảnh 1.

Ảnh: DealStreetAsia.

Đã gần 1 tháng kể từ khi các cửa hàng trong hệ thống của Huy Việt Nam đóng cửa hàng loạt, ông Huy Nhật mới lên tiếng trước báo giới, lý do ông Nhật đưa ra là "không biết phải nói gì", và "với ông, đây cũng là một cú shock lớn".

Đi cùng với việc thành công trong huy động vốn là áp lực phát triển hệ thống cửa hàng. Bài toán quản lý vận hành, nhân sự, kiểm soát chi phí, chất lượng tạo nên áp lực rất lớn

Chia sẻ trên Tuổi trẻ, ông Nhật cho biết công ty đã làm việc với các quỹ đầu tư nước ngoài chừng 6 - 7 năm, khi mới vận hành chuỗi 11 cửa hàng. Tranh chấp giữa ông và nhóm nhà đầu tư diễn ra từ khoảng tháng 5-6/2019.

"Đi cùng với việc thành công trong huy động vốn là áp lực phát triển hệ thống cửa hàng mới với số lượng tăng từ 100 lên 200. Bài toán quản lý vận hành, nhân sự, kiểm soát chi phí, chất lượng tạo nên một áp lực rất lớn".

"Trong môi trường cạnh tranh khốc liệt của ngành F&B trong 2 năm qua, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng, giá thuê mặt bằng tăng, cạnh tranh nhân lực cũng ngày càng gay gắt. Nhằm thích ứng với thay đổi của thị trường, tôi và và đội ngũ điều hành không ngừng phát triển những thương hiệu mới, mở rộng thị trường mới. Tuy vậy, áp lực và mâu thuẫn vẫn bị các nhà đầu tư đẩy lên cao", ông Huy Nhật trải lòng trên Zing.

Ông chủ Huy Nhật lần đầu lên tiếng sau gần 1 tháng đóng cửa chuỗi Món Huế: Bị nhà đầu tư ‘đá’ khỏi Huy Việt Nam, cũng muốn trả nợ nhà cung cấp và nợ lương nhân viên nhưng không còn quyền điều hành! - Ảnh 3.

Theo ông Nhật, xung đột xảy ra đỉnh điểm là khi nhóm này có kế hoạch giành lấy quyền điều hành và gạt ông ra khỏi Huy Việt Nam.

"Đây là vấn đề mà tôi không thể thỏa hiệp. Trong 6 ghế của hội đồng quản trị (HĐQT) thì có 3 ghế của phía nhà đầu tư, 3 ghế còn lại là người của Huy Việt Nam. Khi có xung đột, nhóm này yêu cầu tăng lên 4 ghế trong HĐQT nhưng tôi không đồng ý. Chính vì tranh chấp này, hai bên đã đưa nhau ra trọng tài kinh tế ở Hong Kong để giải quyết", ông Nhật cho biết.

Trong khi vụ việc vẫn đang được trọng tài kinh tế Hong Kong phân định và chưa có kết quả cuối cùng, nhóm nhà đầu tư đã đơn phương lập Nghị quyết HĐQT mà theo ông Nhật là "không hợp pháp, không có sự tham gia của 3 thành viên HĐQT đại diện cho Huy Việt Nam, không có chữ ký của ông với vai trò Chủ tịch, không có con dấu của công ty".

"Họ đã dùng chính văn bản này, mang về Việt Nam và nộp lên Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM để thay đổi người đại diện pháp nhân Huy Việt Nam mà tôi không hề hay biết. Tình cờ bộ phận pháp lý của tôi làm việc mới phát hiện ra tôi không còn là đại diện pháp nhân của công ty. Khi đó chúng tôi mới ngỡ ngàng và đến Sở Kế hoạch và Đầu tư hỏi về sự việc và công an để khai báo", ông Nhật nói.

"Cũng muốn trả nợ nhà cung cấp và nợ lương nhân viên. Nhưng..."

Ông chủ Huy Nhật lần đầu lên tiếng sau gần 1 tháng đóng cửa chuỗi Món Huế: Bị nhà đầu tư ‘đá’ khỏi Huy Việt Nam, cũng muốn trả nợ nhà cung cấp và nợ lương nhân viên nhưng không còn quyền điều hành! - Ảnh 4.

Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, ngày 2/10/2019, đại diện pháp luật kiêm Giám đốc của Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Huy Việt Nam không còn là ông Huy Nhật, mà là ông Nguyễn Quỳnh Anh, sinh năm 1984.

Trước câu hỏi "Mâu thuẫn của Món Huế với các nhà đầu tư có giống như trường hợp của The KAfe", ông Huy Nhật cho rằng quy mô khi đó của The KAfe nhỏ hơn Món Huế rất nhiều.

Điều đáng buồn nhất là khi mình làm tốt, họ đưa mình lên đỉnh, nhưng khi khó khăn xảy ra, mình trở thành vật thế thân của các quỹ

"Thời gian tôi dành cho Món Huế là toàn bộ tuổi trẻ. Thế nhưng, tôi tin rằng Đào Chi Anh sẽ đồng cảm được tình thế của tôi. Với nhà sáng lập thì đây là một cú sốc rất khủng khiếp", ông Nhật nói.

Với câu hỏi "Ai là người chịu trách nhiệm với các nhà cung cấp và các nhân viên của Huy Việt Nam, là ông Nhật hay các nhà đầu tư", ông Nhật cho biết sẵn sàng chịu trách nhiệm với công ty của mình…

"Tuy nhiên, hiện nay tôi không còn điều hành, không còn là đại diện pháp lý nên không biết lấy tư cách gì để thanh toán cho người ta. Tôi nói chuyện với luật sư, họ nói dù muốn thanh toán công nợ cho những nhà cung cấp hay trả nợ lương nhân viên thì cũng cần dựa trên pháp lý", ông Nhật nói.

Về số liệu kinh doanh của Huy Việt Nam, ông Huy Nhật, mặc dù nắm 30% cổ phần, nhưng cho biết mình chỉ lo phát triển thị trường, vì thế các con số báo cáo Món Huế lỗ 50 tỉ hay lũy kế nợ phải trả lên 800 tỉ đồng là "chưa thể xác nhận" vì "không thể tiếp cận về thông tin tài chính lúc này".

"Những sai lầm dẫn đến kết quả cũng là người của họ nhưng họ lại cáo buộc, quy về lỗi của tôi và nhóm điều hành... Nhà đầu tư ngoại có thể họ chỉ mất tiền nhưng với bản thân tôi thì mất nhiều hơn".

"Điều đáng buồn nhất là khi mình làm tốt, họ đưa mình lên đỉnh, nhưng khi khó khăn xảy ra, mình trở thành vật thế thân của các quỹ", nhà sáng lập chuỗi Món Huế ngậm ngùi.

PV

Cùng chuyên mục
XEM