Ông chủ chuỗi Boo - Bò sữa: Các bạn khởi nghiệp hãy bình tĩnh, cứ làm thử những dự án thiệt hại kinh tế nhỏ trước đã!

29/05/2017 09:26 AM | Kinh doanh

Trong chương trình Cafe 8 số thứ 3 trên fanpage CafeBiz vừa qua, anh Đỗ Việt Anh, giám đốc, người sáng lập Boo - Bò Sữa đã chia sẻ những kinh nghiệm thu được trong suốt quãng đường 14 năm khởi nghiệp, từ đó đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ cũng đang có ý định bắt đầu kinh doanh.

Xuất phát từ cửa hàng rộng 20m2 tại Hà Nội nhưng Boo – Bò Sữa đã gây dựng được 20 điểm bán hàng cả trong Nam, ngoài Bắc, duy trì tốc độ tốc độ 30%/năm.

Theo anh Đỗ Việt Anh, thành công của Boo hôm nay không đơn thuần dựa vào may mắn, mà còn nhiều yếu tố khác: Thứ nhất là đam mê, thứ hai là phải thích nghi được với sự thay đổi thị trường và thứ ba là phải tạo ra được sản phẩm khác biệt.

“Từ 2003 đến giờ tôi đã chứng kiến nhiều thương hiệu nổi lên rồi vụt tắt. Tôi nghĩ yếu tố quan trọng để chạy một con đường dài là niềm đam mê, khái niệm tưởng như nhắc nhiều đến nhàm chán rồi”.

“Vấn đề thứ hai là phải thích nghi được với thị trường, thích nghi được với sự biến đổi. Việt Nam là một một đất nước đang trong thời kỳ phát triển, sự biến đổi trong xã hội, trong nhận thức của người dùng hay chính sách nhà nước diễn ra rất nhanh. Thích nghi là bài toán sống còn của các thương hiệu đi từ nhỏ lên vừa”, anh chia sẻ.

Anh lấy dẫn chứng ban đầu Boo tập trung tập trung bán sản phẩm quần áo nhập khẩu từ Thái Lan, hàng Việt Nam xuất khẩu... nhưng nhận thấy một đối thủ khác ngày ấy có sản phẩm hay hơn độc đáo hơn, anh cũng tìm cách học hỏi và nhận ra họ bán cả sản phẩm Trung Quốc.

Lúc ấy, dù không có kinh nghiệm gì, không tìm hiểu trước về thị trường, anh vẫn sang Quảng Châu, tìm đến các khu chợ bán quần áo và may mắn chọn được nhiều sản phẩm phù hợp.

Sau 5-6 năm đi nhập hàng về bán, Việt Anh nhận ra không có chiếc áo phông nào có dấu ấn Việt Nam, chủ yếu họa tiết trên áo liên quan đến Mỹ, Trung Quốc. Anh nảy ra ý tưởng sản xuất những chiếc áo có hình ảnh sáng tạo, văn hóa, đường phố... của Việt Nam, sau này trở thành dòng sản phẩm mũi nhọn của Boo.

Nhận thấy người mua nếu chỉ có mỗi mặt hàng áo phông cũng sẽ chán, năm 2013, Boo tiếp tục thay đổi bằng cách bán thêm nhiều dòng sản phẩm mới cho các bạn trẻ như phụ kiện, giày, túi xách, balo...

Tuy nhiên, cũng nhiều thương hiệu khác, Boo của Việt Anh rơi vào bài toán tăng trưởng nóng, cái bẫy theo anh các startup sau này nên chú ý để không mắc phải.

Trong khoảng 2015, Boo - Bò Sữa phát triển theo hướng bùng nổ, mỗi tháng có thêm một, thậm chí hai cửa hàng mới. Chuỗi mở không tính toán khiến quy mô tăng nhưng lợi nhuận xuống thấp kỷ lục, Boo phải đóng bớt các cửa hàng để hoạt động hiệu quả hơn.

“Tôi và nhiều người chủ thường khá tự tin vào bản thân. Dù đã được cảnh báo nhưng tôi nghĩ mình sẽ vượt qua nó không rơi vào bẫy và sự thật không phải thế. Chúng tôi đã từng phát triển quá nóng. Nguy hiểm nhất là khi công ty đã lên được tầm mà mình không nhận thức được nó đã ở tầm mới thì đã rơi vào cái bẫy”, Việt Anh chia sẻ.

Theo anh, hiện nay Boo đã vượt qua khó khăn, tiếp tục quá trình cải tạo nhưng anh luôn biết ơn vì trải nghiệm này giúp anh thay đổi hoàn toàn tư duy, cách thức quản lý.

Với các bạn trẻ ưa thích khởi nghiệp, người sáng lập Boo nhận định nhiều bạn chưa hiểu được các khó khăn, cạm bẫy mình phải vượt qua thế nào, không đánh giá hết rủi ro nên không chỉ đánh mất đồng tiền bản thân kiếm ra, mà còn là đồng tiền “mồ hôi nước mắt” của những người đã đặt niềm tin vào họ.

“Các bạn khởi nghiệp hãy từ từ thôi, đừng vội vàng. Mình có thể làm thử và tích lũy kinh nghiệm. Mình làm cái gì đó mà tác hại gây ra cho mình về mặt kinh tế nhỏ. Sau khi đã tự tin thì hãy bắt đầu. Một khi bắt đầu thì nên cộng tác với những người phủ lấp điểm yếu của mình”, Việt Anh kết luận.

Hồng Lam

Cùng chuyên mục
XEM