Ở Venezuela, một hộp bao cao su có thể có giá tới 20.000 USD mà vẫn không có hàng

20/05/2016 14:02 PM | Kinh tế vĩ mô

Tổng thống Venezuela, ông Nicolas maduro không thích mọi người nhắc đến từ “thảm họa” trước mặt mình, có lẽ bởi vì đây là ngôn từ thích hợp nhất để nói về nền kinh tế quốc gia này hiện nay.

Trong thời kỳ Tổng thống Maduro cầm quyền, nền kinh tế Venezuela đã trên đà lao dốc đến mức tệ hại mà chính phủ nước này đã buộc phải ngừng cung cấp các số liệu chính thức, bởi chúng chẳng có gì ngoài các con số tiêu cực.

Thời kỳ giá dầu tăng cao, qua đó cung cấp tài chính cho những nhà lãnh đạo như Cố Tổng thống Hugo Chavez và ông Maduro hiện nay đã qua và rõ ràng các cử tri không còn tin tưởng vào chính phủ hiện nay với hàng loạt những cuộc biểu tình diễn ra trên toàn đất nước.

Thậm chí vào cuộc bầu cử nghị viện vào ngày 6/12/2015 tại Nghị viện, Đảng đối lập MUD đã giành chiến thắng với 2/3 số ghế, điều lần đầu tiên xảy ra kể từ khi Cố Tổng thống Hugo Chavez lên nắm quyền vào năm 1999.

Tỷ lệ ủng hộ đối với Tổng thống Maduro đã xuống dưới 20% tính đến tháng 2/2016 và chính phủ nước này đang trong cơn bão chính trị. May mắn thay, Tòa Án tối cao Venezuela đứng về phía ông Maduro và giúp nhà lãnh đạo này vượt qua được những đề nghị từ chức của Nghị viện.

Dầu mỏ, vốn chiếm 95% nguồn thu ngoại hối của Venezuela từ lâu đã là yếu tố quyết định vị thế của các nhà lãnh đạo nước này. Thu ngân sách của quốc gia này từ dầu mỏ từ đầu năm 2015 đến tháng 11 cùng năm đã giảm 2/3 so với cùng kỳ trước đó. Giá dầu hiện nay dù hồi phục một chút nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều so với năm 2014.

Trong khi đó, nền sản xuất yếu kém cùng với nạn tham nhũng và quản lý kém hiệu quả khiến người dân nước này phụ thuộc khá lớn vào các mặt hàng nhập khẩu. Hậu quả là thu ngoại tệ giảm nhưng chi trả cho các mặt hàng nhập khẩu không hề đi xuống, khiến dự trữ ngoại hối của nước này tụt dốc không phanh.

Hơn nữa, đợt giá vàng giảm năm 2015 cũng khiến nước này chịu ảnh hưởng nặng bởi dự trữ ngoại hối của Venezuela phần lớn là bằng vàng.

Một ví dụ rất đơn giản hay được người dân tại đây lấy làm chuyện cười rằng thậm chí chi phí để quan hệ tình dục cũng quá đắt đỏ khi một hộp bao cao su (3 chiếc) đã có giá 200 USD theo tỷ giá chính thức (số liệu được cung cấp bởi tổ chức phi chính phủ Stop VIH), dẫu vậy mà các cửa hàng thuốc cũng hết sạch loại sản phẩm thiết yếu này.

Nếu tính theo giá chợ đen cao gấp 100 lần tỷ giá chính thức thì có lẽ một hộp bao cao su sẽ có giá 20.000 USD. Tất nhiên là không người dân nào ngốc đến mức bỏ từng đó tiền để mua và giá thực tế của sản phẩm này tại chợ đen cũng không cao đến mức đó, nhưng câu chuyện này cho thấy tình hình tồi tệ tại đây.


Đảng đối lập MUD với những vùng ủng hộ (xanh) chiếm đa số trong Nghị viện so với đảng cầm quyền (cam)

Đảng đối lập MUD với những vùng ủng hộ (xanh) chiếm đa số trong Nghị viện so với đảng cầm quyền (cam)

Lạm phát 2.200% vào năm 2017

Mặc dù chính sách khi mới lên nắm quyền của các nhà lãnh đạo Venezuela hiện nay là giúp đỡ người nghèo, nhưng giá dầu giảm buộc chính phủ phải thực hiện kiểm soát giá bán lẻ cũng như tỷ giá nhằm duy trì mức sống cho người dân cũng như bảo vệ khả năng chi trả của đất nước.

Tuy nhiên, chính sách này lại chỉ khiến các nhu yếu phẩm ngày càng khan hiếm và tỷ giá chợ đen tăng chóng mặt. Hàng đoàn người phải xếp hàng trước cửa siêu thị để mua đồ, lạm phát tăng phi mã.

Số liệu chính thức cuối cùng được công bố cho thấy lạm phát tại Venezuela đã đạt 141% vào tháng 9/2015. Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng con số lạm phát thực tế năm 2015 ít nhất phải là 200%.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thì dự đoán lạm phát tại nước này năm nay có thể đạt 720% và 2.200% vào năm 2017.

Tổ chức IMF cũng dự đoán kinh tế Venezuela sẽ giảm 8% năm 2016 và 4% năm 2017.

Tồi tệ hơn, chính phủ Venezuela không muốn điều hành đất nước theo quy luật của thị trường tự do mà trái ngược lại, họ đổ lỗi cho các yếu tố của một nền kinh tế thị trường đã khiến đất nước rơi vào tình cảnh trên. Hệ quả là ngân hàng trung ương nước này thay vì thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ và các công tụ tài chính khác để kiềm chế lạm phát thì lại đi in thêm tiền để bù đắp thiếu hụt ngân sách.

Chính quyền Caracas đã cố gắng kiểm soát thị trường ngoại hối bằng chính sách tỷ giá cố định, với tỷ lệ 10 Bolivar/USD.

Tuy nhiên, chính quyết định này lại là nguồn cơn cho tình trạng tham nhũng cũng như sự bùng phát của thị trường chợ đen, qua đó đẩy lạm phát lên cao. Theo tờ Economist, một số người có mối quan hệ trong giới quan chức tại đây có thể lấy USD với tỷ giá thấp này và bán lại ra thị trường chợ đen.

Hiện trên thị trường chợ đen, tỷ giá vào khoảng 1.000 Bolivar/USD và vẫn còn tiếp tục tăng.

Chính phủ cũng cố gắng kiểm soát giá các mặt hàng và dù chúng được niêm yết giá hợp lý tại các siêu thị thì cũng không đủ hàng, buộc người dân phải mua ở chợ đen với giá bị đẩy lên cao theo lạm phát.

Hiện tại, chính quyền Caracas đang ưu tiên trả các khoản nợ nước ngoài bởi họ cho rằng cái giá khi tuyên bố vỡ nợ là quá lớn. Nhiều tài sản tại nước ngoài của Venezuela (bao gồm các nhà máy lọc dầu và tàu chở dầu) sẽ bị chủ nợ tịch thu và quốc gia này thậm chí sẽ bị siết chặt hơn nữa khi muốn vay nợ thêm nếu tuyên bố vỡ nợ.

Dù Trung Quốc đã cho Venezuela vay một khoản tín dụng lớn và giá dầu đã ngừng rơi, nhưng chắc chắn tình hình kinh tế của nước này sẽ chẳng sáng sủa hơn nếu giá dầu không tăng mạnh trở lại. Cấu trúc kinh tế của Venezuela hiện quá yếu và cần một nguồn thu ngoại tệ lớn từ dầu mỏ để có thể khôi phục lại.

Tổ chức IMF ước tính kinh tế Venezuela đã suy giảm 10% trong năm 2015 và chính phủ nước này cũng đã thừa nhận mức suy giảm 7,1% trong quý III/2015, qua đó biến Venezuela trở thành nền kinh tế tệ nhất thế giới vào năm ngoái.

Bộ trưởng Kinh tế: In thêm tiền không gây lạm phát

Khi Cố Tổng thống Hugo Chavez lên nắm quyền, ông đã tự hào tuyên bố rằng dưới thời kỳ của mình, tỷ lệ nghèo đói sẽ giảm xuống và đúng như vậy, số người nghèo đã giảm tại Venezuela nhờ nguồn thu to lớn từ dầu mỏ. Dẫu vậy, chính phủ kế nhiệm hiện nay khó lòng suy trì sự tín nhiệm trong dân chúng khi tỷ lệ nghèo đói và mức sống bình quân của người dân đang ngày một xấu đi.

Vào tháng 1/2016, Tổng thống Maduro đã bổ nhiệm một nhóm các quan chức mới nhằm cải thiện tình hình kinh tế. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia không lạc quan lắm về đội ngũ lãnh đạo này.

Bộ trưởng kinh tế Luis Salas mới được bổ nhiệm là người có tư tưởng chống thị trường tự do và không thừa nhận việc in thêm tiền sẽ tăng lạm phát. Thay vào đó, ông này cho rằng Venezuela đang có “chiến tranh kinh tế” với những thế lực thù địch bên ngoài.

Ngoài kinh tế, tình hình an ninh xã hội ở Venezuela cũng đang xuống cấp nghiêm trọng. Mặc dù chính phủ đã ngừng công bố các số liệu liên quan đến tình hình phạm tội từ năm 2005 nhưng nhiều công tố viên trưởng tại đây cho biết tỷ lệ tội phạm giết người năm 2015 đạt 62/ 100.000 người, cao gấp 10 lần bình quân toàn cầu.

Tồi tệ hơn, có đến 90% các vụ sát hại diễn ra mà không bị trừng phạt, hoặc các cơ quan an ninh không đủ sức đưa tội phạm ra truy tố.

Với quyền lực của mình, chính quyền Caracas đã kiểm soát hầu như toàn bộ truyền thông và không đưa bất kỳ tin tức nào về những tình hình thực tế diễn ra trong xã hội. Đài truyền hình của nước này tràn ngập những bài phát biểu và tuyên truyền của chính phủ về các chính sách mới.

Dẫu vậy, những cuộc biểu tình diễn ra cho thấy người dân không “mù” và họ đã không thể kiên nhân hơn nữa vào những lời tuyên bố suông từ chính phủ.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM