Ở Trung Quốc, người ta dùng WeChat để trò chuyện, đọc báo, gọi taxi…và giờ là chơi cả chứng khoán

18/10/2017 13:37 PM | Kinh doanh

Ở Trung Quốc, các nhà đầu tư và môi giới không chỉ sử dụng email và điện thoại để chốt giao dịch. Họ còn sử dụng WeChat.

Các nhà quản lý ở những nơi khác có thể hạn chế việc sử dụng ứng dụng tin nhắn cá nhân trong giao dịch tài chính vì tính không chính thống, nhưng tại Trung Quốc, loại hình này đang nở rộ. Những người giao dịch trên thị trường trái phiếu trị giá 11 nghìn tỷ USD của Trung Quốc có thể sử dụng tài khoản cá nhân trên WeChat và QQ (ứng dụng của Tencent) để làm mọi thứ, từ phát hành báo cáo nghiên cứu đến chào mời đặt lệnh.

Theo Hao Hong, chiến lược gia chủ chốt của Bocom International Holdings tại Hong Kong, việc sử dụng các công cụ truyền thông xã hội trên thị trường tài chính Trung Quốc là một xu thế tất yếu. “Tuy nhiên, sử dụng Wechat để giao dịch cũng có thể tạo ra rủi ro vì tài khoản WeChat chủ yếu là cá nhân và không được quản lý bởi luật pháp”.

Ra đời năm 2011, WeChat nhanh chóng trở nên phổ biến tại nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu với gần một tỷ người sử dụng. Các nhà môi giới tại Trung Quốc thường tạo các nhóm trên WeChat để chia sẻ các phân tích, thông tin và cả những lời đồn.

“So với hình thức gọi điện, WeChat và QQ có hiệu quả hơn trong việc tiếp cận người khác. Khi bạn muốn vay tiền hoặc cho vay tiền, bán hoặc mua trái phiếu, chỉ cần gửi yêu cầu vào các nhóm chat. Nếu ai đó quan tâm, hai người có thể tiến hành trò chuyện riêng”, Wang Ming, Giám đốc điều hành Công ty quản lý tài sản Thượng Hải Yaozhi cho biết.

Wang cũng nói rằng công ty của ông không có quy định về việc ghi lại các đoạn hội thoại trước giao dịch, nhưng nhân viên được khuyến khích nên lưu trữ lại trên máy tính.

Hiện Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và cơ quan quản lý chứng khoán không đưa ra bất kỳ bình luận nào về xu hướng sử dụng công cụ nhắn tin cá nhân trong hoạt động kinh doanh tài chính. Các nhân viên làm việc trong ngành cũng không muốn thảo luận kỹ với truyền thông vì cho đây là vấn đề nhạy cảm.

Trung Quốc không phải là nơi duy nhất mà các ứng dụng tin nhắn cá nhân được sử dụng để trao đổi tin tức tài chính và thông tin. Ở Đài Loan có Line, ở Hàn Quốc có KakaoTalk, còn ở Ấn Độ là WhatsApp.

Tuy nhiên, thị trường các nước phát triển dường như không quen với việc này.

Ông Ziyun Wang, đối tác sáng lập Công ty đầu tư toàn cầu DeepBlue - một quỹ đầu tư của Hong Kong, cho biết công ty ông đang sử dụng WeChat như một công cụ để thu thập tin tức từ đại lục, nhưng họ phải hết sức thận trọng trong việc xác định độ tin cậy của thông tin trên đó.

Jim Veneau, chuyên gia tại AXA Investment Managers Asia chi nhánh Hong Kong cũng có chung quan điểm này. "Chúng tôi cởi mở với tất cả các nguồn thông tin và nếu nó ảnh hưởng đến những gì chúng tôi đầu tư, chúng tôi phải tìm hiểu thôi. Vấn đề là nhiều khi không phải thông tin, mà chính những tin đồn bắt nguồn từ các phòng chat có thể gây ra những tác động”.

Một số tổ chức lớn trên thế giới hiện không chấp nhận những kiểu giao dịch qua ứng dụng nhắn tin cá nhân. Deutsche Bank, một ngân hàng của Đức, đã cấm các tin nhắn văn bản và dịch vụ giống WhatsApp để tăng cường việc tuân thủ các tiêu chuẩn. Tương tự, hầu hết các ngân hàng ở phố Wall đều có chính sách ngăn chặn các cuộc giao dịch thực hiện qua ứng dụng đi động.

Alex Bouchardy, chuyên gia tại Credit Suisse Asset Management khẳng định việc giao dịch thông qua các phương tiện truyền thông xã hội không nên bị buông lỏng. "Mặc dù công nghệ đang tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường vốn phát triển, bạn vẫn cần các quy trình, cơ chế, nguyên tắc nhất định cho quá trình đặt lệnh. Nếu có vấn đề phát sinh, bạn sẽ giải quyết thế nào đây?”, vị chuyên gia đặt câu hỏi.

Nhật Anh

Cùng chuyên mục
XEM