Ở Trung Quốc, đi đổ rác cũng bị nhận diện khuôn mặt: Phân loại sai hay vứt rác không đúng chỗ sẽ bị phạt nặng và giảm điểm tín nhiệm xã hội

20/07/2019 09:00 AM | Công nghệ

Còn các ông lớn công nghệ như Alibaba, Tencent hay JD.com thì đua nhau giới thiệu ứng dụng giúp phân loại rác dễ dàng hơn.

Các ứng dụng đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người dân Trung Quốc và giờ đây điều này đã được đẩy lên một tầm cao mới: Bao gồm cả việc phân loại rác.

Sau khi người dân Thượng Hải phàn nàn về sự khó khăn trong việc phân loại rác thải thành bốn loại theo quy định mới có hiệu lực từ ngày 1/7, những gã khổng lồ internet của đất nước tỷ dân đã ra tay giúp đỡ bằng cách phát triển ứng dụng mới.

Luật mới ở Trung Quốc yêu cầu chất thải phải được phân loại thành bốn loại khác nhau: phân hủy sinh học, khô, độc hại và có thể tái chế. Những cư dân không tuân thủ sẽ phải đối mặt với các khoản phạt nặng và giảm điểm tín nhiệm xã hội.

Tencent, công ty vận hành ứng dụng nhắn tin phổ biến WeChat mới đây đã giới thiệu một chương trình mini mang tên Master of Trash Sorting cho người dùng ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến và Quảng Châu để hướng dẫn họ cách phân loại và vứt rác dựa trên các từ khóa.

Trước đó, Alipay (thuộc quản lý của Alibaba) đã tuyên bố triển khai trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ thực tế ảo tăng cường cho một chương trình mini để phân loại rác ở Thượng Hải và một số thành phố khác. Người dùng có thể quét hình ảnh của rác thải bằng camera trên smartphone để biết được chúng thuộc loại nào.

[Bài 20/7] Ở Trung Quốc, đi đổ rác cũng bị nhận diện khuôn mặt, phân loại sai hay vứt rác không đúng chỗ sẽ bị phạt nặng và giảm điểm tín nhiệm xã hội - Ảnh 1.

Các "ông lớn" như Alibaba hay Tencent đang tìm cách phát triển ứng dụng phân loải rác.

Alipay cho biết đến nay chương trình này đã hỗ trợ hơn 3 triệu người kể từ giai đoạn thử nghiệm beta vào đầu tháng 7. Ngoài ra, đơn vị này cũng đưa ra một chương trình mini khác cho phép người dân tại 16 thành phố trên khắp Trung Quốc bán lại rác thải có thể tái chế.

Không chịu thua kém, đối thủ thương mại điện tử của Alibaba là JD.com cho biết họ cũng sẽ cung cấp công nghệ nhận diện hình ảnh được hỗ trợ bởi AI để các doanh nghiệp phân loại rác dễ dàng hơn.

Với hơn 1,3 tỷ người, Trung Quốc đang là "nhà sản xuất" rác thải lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ. Mặc dù vậy, trong thập kỷ qua, các chiến dịch kêu gọi và thậm chí là điều luật yêu cầu phân loại rác của nước này đã đạt được một số kết quả khả quan.

Thượng Hải, thành phố đông dân thứ 2 Trung Quốc đã chủ động đưa ra các quy tắc phân loại và tái chế rác nghiêm ngặt để thử và mô phỏng thành công của chính sách tương tự ở Nhật Bản và Đài Loan.

[Bài 20/7] Ở Trung Quốc, đi đổ rác cũng bị nhận diện khuôn mặt, phân loại sai hay vứt rác không đúng chỗ sẽ bị phạt nặng và giảm điểm tín nhiệm xã hội - Ảnh 2.

Thượng Hải là một trong những thành phố đẩy mạnh phân loại rác thải.

Xu hướng tái chế cũng đã thu hút sự chú ý của các startup về game ở Trung Quốc. Đoạn video dài 15 giây về một trò chơi thực tế ảo phân loại rác của công ty VitrellaCore đã trở nên phổ biến trên mạng xã hội Trung Quốc trong thời gian gần đây.

Trò chơi này đã ra mắt tại Thượng Hải vào tháng trước và nhận được sự quan tâm lớn từ khách tham dự. Họ được trải nghiệm đeo kính VR (thực tế ảo), nhìn thấy các loại rác khác nhau và một loạt thùng rác tái chế. Khi bỏ rác vào thùng rác thích hợp, người chơi sẽ ghi điểm.

Còn tại Bắc Kinh, thùng rác với hệ thống nhận diện khuôn mặt đã được lắp đặt ở một số khu dân cư để xác định ai là người vứt rác. Theo một bài đăng trên mạng xã hội Weibo, những người bỏ rác vào đúng thùng phân loại có thể được cộng điểm tín nhiệm xã hội.

Không ít người Trung Quốc tỏ ra không thoải mái với những quy định phân loại rác mới được áp dụng nhưng khi nhìn sang nước láng giềng Nhật Bản, có lẽ họ sẽ thay đổi suy nghĩ. Ở Nhật, rác thải được phân loại một cách nghiêm túc. Từng loại rác phải được đựng trong đúng túi đựng đúng màu và bỏ vào đúng ngày thu gom. Nếu không làm như vậy, cư dân sẽ bị trả lại rác và tệ hơn nữa là đối mặt với việc bị đuổi khỏi nơi ở theo lệnh của người thi hành phân loại rác của khu vực.

Tuy nhiên, Nhật Bản cho biết họ đang phát triển các giải pháp công nghệ (không phải ứng dụng) để cải thiện việc thu gom và xử lý rác bao gồm vận chuyển chất thải hiệu quả hơn, đốt rác tự động hay cải tiến công nghệ chôn lấp rác.

Gia Vũ

Cùng chuyên mục
XEM