Ơ kìa, Flores thắng, lẽ ra người Việt phải vui, sao lại buồn?

15/07/2017 15:21 PM | Nhân vật

Cao thủ Vịnh Xuân võ sư Flores thắng: Có rất nhiều lý do thực sự để chúng ta thấy những tín hiệu mừng sau các chiến thắng của võ sư gốc Chi Lê.

Mong có thêm nhiều Flores …

Lý do thứ nhất, dù Flores mang quốc tịch gì, thì anh cũng là một võ sư của xuất thân từ Vịnh Xuân Việt Nam và là cao đồ của Đại sư Nam Anh, một người Việt 100%.

Chẳng phải chúng ta đã rất tự hào khi Vovinam có nhiều ngàn môn sinh đủ các màu da, sắc tộc, ngôn ngữ trên khắp thế giới?

Nếu các võ đường Việt có càng nhiều võ sư như Flores, thì vị thế của võ thuật Việt Nam trên bản đồ võ thuật thế giới càng được nâng cao.

Tại sao người Việt lại thấy nhục nhã khi chứng kiến thành tựu của một môn đồ võ Việt?

Lý do thứ hai khiến người Việt nên vui mừng là một không khí võ thuật thực sự đã sống lại ở đất nước mê Kim Dung chưởng truyện hơn cả lịch sử nước nhà.

Đã có một thời, mấy chục năm trước, phong trào tập võ thực sự và tập thể thao rèn luyện lên rất cao. Rồi sau đó, thế hệ trẻ chỉ luyện chưởng qua màn hình ti vi vi và phim chưởng chiếu rạp.

Chỉ bằng vài lời phát biểu rất thẳng thắn và quyết liệt đúng kiểu "con nhà võ", muốn phơi bày sự thật về "công phu điện giật" của chưởng môn Nam Huỳnh Đạo, cùng một chuyến bay chớp nhoáng, võ sư Flores đã khơi dậy được tinh thần quan tâm đến võ thuật thực sự của cả một đất nước. Kèm theo đó là ý thức tự tôn về sức mạnh võ Việt.

Sự ngông cuồng của Từ Hiểu Đông, theo ý kiến nhiều nhân vật lớn trong võ lâm, đã giúp võ thuật Trung Quốc tỉnh ngộ nhiều điều trong cơn bão phim ảnh và truyền thông huyễn hoặc, ảo tưởng về sức mạnh.

Thái độ điềm tĩnh, từ tốn của Flores trước, trong và sau khi giao đấu, đầu tiên giúp những võ sư như Đoàn Bảo Châu , Trần Lê Hoài Linh hiểu rõ sức mạnh và ý chí của mình, sau đó giúp làng võ Việt nhìn lại thực lực của mình.

Dù thất bại, nhưng nói như nhà báo Hoàng Hường, vợ võ sư Đoàn Bảo Châu , chồng chị đã chiến thắng chính mình.

Nhờ luyện tập với ý chí sắt đá, bất chấp đau đớn (trói chân vào giường, kéo giãn cơ thể…) mà chồng chị đã xoạc chân được 180% độ để có thể thực hiện được cú đá vòng cầu Mawashi – điều không dễ ở cái tuổi gân cơ đã cứng lại rất nhiều.

Sức mạnh của kẻ yếu

Lý do thứ ba đáng mừng, nói theo cách của người Việt là, đánh nhau vỡ đầu mới thấy anh em. Cái bắt tay, những món quà, cuốn sách, những chén trà, ly bia và mong muốn trở thành bạn tốt sau trận đấu của hai đối thủ, rất đúng với tinh thần cao thượng của võ thuật. Chúng ta còn đòi gì nhiều hơn nữa sau hơn 3 phút giao đấu?

Lý do thứ tư, nói như GS Ngô Bảo Châu là trận đấu giúp chúng ta nhận ra sức mạnh của kẻ yếu và tìm thấy thái độ đúng trong những cuộc đấu không cân sức: "Chúng ta vốn chỉ thích kẻ có sức mạnh, những kẻ thắng cuộc, chợt nhận ra rằng kẻ yếu, người thua cuộc, đến phút cuối cùng vẫn hiên ngang, hóa ra đáng yêu, đáng nể hơn nhiều so với người thắng cuộc".

Trước trận đấu, dù có thể hủy cuộc đấu theo nhiều cách vì biết rõ tuổi tác, thể trạng quá chênh lệch so với đối thủ, nhưng võ sư Châu vẫn không lùi bước. Tinh thần thượng võ không cho phép anh nghĩ ra các chiêu "ve sầu thoát xác" mà một nhà văn, nhà báo như anh không khó để nghĩ.

Sau trận đấu, điều mà võ sư Châu tiếc nhất khi tâm sự với vợ sau những giờ ngồi bất động trong bóng tối, là anh đã "không vượt qua được chính mình". Thắng thua với đối thủ không quan trọng bằng thắng thua chính bản thân mình. Đó chính là một tinh thần cốt lõi của võ học.

Võ sư Trần Lê Hoài Linh hoàn toàn có thể dừng cuộc đấu với Flores sau khi võ sư Châu thất bại.

Không ai có thể trách việc dừng đấu này khi biết tuổi tác và tầm vóc của ông. Nhưng dòng máu võ của đại sư Trần Thúc Tiển chảy trong người ông, không cho phép ông tự thua chính mình trước khi bước lên sàn giao lưu võ thuật với võ sư đô con kém ông 20 tuổi.

Tại sao làng võ Việt lại muối mặt?

Chứng kiến cuộc đấu của Flores 8 năm trước ở Hà Nội với võ sư Tuấn "Hạc" và chứng kiến hai cuộc đấu ngày hôm nay, ai cũng thấy công phu Flores tiến triển vượt trội. Cái cách Flores chiến thắng chính mình để vươn lên, cũng chính là đích đến của nhiều người tập võ.

Mục tiêu chính của Flores là chưởng môn Huỳnh Tuấn Kiệt. Rất có thể "chưởng môn điện giật" không bao giờ nhận lời thách đấu để chứng minh thực hư thứ võ công còn "ảo diệu" hơn phim chưởng của minh.

Không đấu thì đương nhiên ông Huỳnh Tuấn Kiệt sẽ không thua trên sàn đấu, nhưng ông đang bị knock out trên sàn dư luận.

Nhưng dù ông Kiệt không đấu, dù hai võ sư lớn tuổi đều đã thua Flores, thì cũng chẳng đủ lý do để suy diễn: Làng võ Việt bị muối mặt.

Rất nhiều võ sư Việt đã gửi lời mời giao đấu với Flores và tôi tin, nhiều cao thủ Việt có thể đả bại Flores. Kể cả Flores có từ chối những lời mời này, thì làng võ Việt cũng đang được nhiều hơn là mất.

Họ được đánh thức tình yêu với võ thuật. Họ được đánh thức ý chí chiến thắng chính bản thân mình. Họ được thức sự trung thực con nhà võ, nói không với những công phu lòe bịp.

Khi tặng võ sư Trần Lê Hoài Linh bức tranh vẽ con hổ để tôn vinh ý chí và sự dũng mãnh của vị võ sư già, Flores đã nói: "Nhìn vào mắt võ sư Linh, thấy rất rõ trong đó một tình yêu Kungfu lớn".

Tôi, một người nhỏ bé, không học võ, cũng chợt thấy yêu những người tập võ hơn bao giờ hết, sau hai trận đấu không cân sức trên sàn nhưng lại kết thúc rất đẹp ngoài đời.

Theo Bùi Hải

Cùng chuyên mục
XEM