Nước nào có nguy cơ theo bước Venezuela vỡ nợ?

21/11/2017 15:30 PM | Kinh tế vĩ mô

Sau khi các công ty xếp hạng tín dụng công bố việc Venezuela vỡ nợ, các nhà quản lý tài sản ở thị trường mới nổi đang nhận diện những nước có nhiều rủi ro theo bước Venezuela.

Những nước được Bloomberg nói đến dưới đây hiển nhiên không ở vào tình cảnh tồi tệ như Venezuela, vốn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi giá dầu thấp, quản lý kinh tế yếu kém và các lệnh trừng phạt của Mỹ. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn muốn đánh giá về rủi ro tín dụng tại các nước. Lebanon là một ví dụ, sau khi Thủ tướng Saad Hariri đột ngột từ chức, một lần nữa quốc gia này có thể rơi vào bất ổn trong một cuộc chiến giữa các phe phái thân Ả Rập Saudi và Iran. Hay như Ecuador - đất nước có tiền sử vỡ nợ lại đang liên tục tăng vay nợ trong thời gian gần đây.

"Đó là một hồi chuông cảnh tỉnh cho những người sở hữu trái phiếu do các quốc gia trên phát hành", Ray Jian, người quản lý khoảng 6 tỷ USD tại Pioneer Investment Management ở London cho biết. "Mọi người đã phớt lờ những rủi ro ở những nơi như Lebanon trong một thời gian dài."

Nước nào có nguy cơ theo bước Venezuela vỡ nợ? - Ảnh 1.

Phí bảo hiểm rủi ro vỡ nợ trái phiếu (credit-default swap spreads) của các quốc gia (*). Ảnh: Bloomberg

Cần lưu ý rằng trong các quốc gia rủi ro nhất, Lebanon, Ai Cập, Pakistan và Bahrain chưa bao giờ xảy ra việc vỡ nợ kể từ khi họ giành được độc lập.

1. Lebanon

Một trong những nước vay nợ nhiều nhất thế giới, tỷ lệ nợ trên GDP của Lebanon ở mức 152 % trong năm nay, theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Đây là điều rất đáng chú ý trong bối cảnh căng thẳng chính trị đang gia tăng tại nước này. Việc từ chức đột ngột của Thủ tướng Hariri vào ngày 4/11 đã gây ra một làn sóng tháo chạy dòng vốn lên đến 800 triệu USD. Nguyên nhân là do các nhà đầu tư dự đoán rằng quốc gia này sẽ trải qua những bất ổn về chính trị bởi các phe phái do 2 nước Iran và Ả rập Saudi ủng hộ.

Trong khi ngân hàng trung ương cho biết điều tồi tệ nhất có thể đã qua đi, rủi ro vỡ nợ của Lebanon đã lên đến mức cao nhất trong 9 năm.

2. Ecuador

Sau khi đi vay nợ hàng loạt, tỷ lệ nợ nước ngoài trên GDP của Ecuador trong 12 tháng qua đã lên mức cao trong 9 năm. Robert Koenigsberger, giám đốc đầu tư của Gramercy Funds Management, cho biết Ecuador có lẽ là nước có rủi ro vỡ nợ cao nhất sau Venezuela. Đất nước này sẽ dễ bị tổn thương "khi môi trường thanh khoản thay đổi và không thể đi vay thêm 2,5 tỷ USD trên thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu", ông nói. Bộ trưởng Tài chính Carlos de la Torre nói với Bloomberg trong một email hôm thứ 5 (16/11) rằng mọi cam kết nợ của Ecuador đều “không có rủi ro vỡ nợ” và nợ nần của quốc gia này không ở mức “trọng yếu”.

3. Ukraine

Trong khi rủi ro vỡ nợ của các quốc gia Tây Âu đã giảm từ mức cao vào năm 2015, việc Ukraine rơi vào khó khăn kinh tế triền miên đã khiến các trader có lý do để lo ngại. Tăng trưởng GDP của nước này đã chậm lại trong 3 quý liên tiếp và Ngân hàng Thế giới cảnh báo nền kinh tế của Ukraine đang có nguy cơ rơi vào một cái bẫy tăng trưởng thấp. Quốc hội Ukraine đã thông qua kế hoạch ngân sách năm tới với mục tiêu kêu gọi gói cứu trợ quốc tế trị giá 17,5 tỷ USD.

4. Ai Cập

Rủi ro vỡ nợ của Ai Cập đang được duy trì ở mức cao nhất kể từ tháng 9. Chi phí bảo hiểm tăng lên khi mà rủi ro chính trị của khu vực tăng lên vì Ả Rập Saudi cô lập Qatar. Trong khi Ai Cập vẫn có thể tăng cường dự trữ ngoại tệ và chuẩn bị hoàn trả 14 tỷ USD tiền gốc và lãi vào năm 2018, nợ nước ngoài của nước này đã tăng đến 79 tỷ USD từ mức 55,8 tỷ USD một năm trước đây.

5. Pakistan

Rủi ro vỡ nợ của Pakistan tăng mạnh vào cuối tháng 10. Nền kinh tế lớn thứ hai của Nam Á đang đối mặt với những thách thức như dự trữ ngoại tệ giảm sút, các khoản nợ phải thanh toán tăng lên và thâm hụt tài khoản vãng lai. Pakistan đang cân nhắc khả năng huy động thêm 2 tỷ USD từ trái phiếu vào cuối năm nay. Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Bloomberg Pakistan tuần trước, Phó Thống đốc ngân hàng trung ương Jameel Ahmad bày tỏ quan ngại về thâm hụt kép đang tăng lên.

6. Bahrain

Phí bảo hiểm vỡ nợ của Bahrain tăng đột biến vào cuối tháng 10 lên mức cao nhất kể từ tháng 1, sau khi nước này buộc phải kêu gọi cứu trợ từ các đồng minh ở vùng Vịnh của mình. Dù các quốc gia vùng Vịnh nhiều khả năng sẽ giúp đỡ Bahrain, tuy nhiên Bahrain vẫn phải đối mặt với mức thâm hụt ngân sách cao nhất trong khu vực, IMF cho hay.

7. Thổ Nhĩ Kỳ

Bất chấp lợi suất cao, các nhà đầu tư vẫn không muốn mua trái phiếu Thổ Nhĩ Kỳ. Quốc gia này đã bị ảnh hưởng bởi những cuộc khủng hoảng chính trị, làm gia tăng phí bảo hiểm vỡ nợ lên mức cao nhất kể từ tháng 5. Thổ Nhĩ Kì là nước nằm trong top “5 nước dễ đổ vỡ nhất” trong danh sách những nước dễ tổn thương nhất với việc bình thường hóa điều kiện tiền tệ toàn cầu.

(*) Nếu phí bảo hiểm vỡ nợ dành cho trái phiếu do nước A là b%, thì người mua bảo hiểm sẽ phải thanh toán cho người bán bảo hiểm số tiền b% x mệnh giá trái phiếu, trong một khoảng thời gian nhất định. Nếu trái phiếu vỡ nợ, thì người mua sẽ nhận được số tiền bằng giá trị bảo đảm.

Theo Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM