Nước nào chi nhiều tiền nhập khẩu nhiều cá tra của Việt Nam nhất?

09/05/2017 08:25 AM | Kinh doanh

Năm 2016, Mỹ chi 387 triệu USD để nhập khẩu cá tra Việt Nam. Tiếp đó là Trung Quốc và HongKong (305 tỷ USD), theo VASEP.

Tình hình nổi bật của ngành nuôi cá tra trong năm 2016 là hiện tượng xâm mặn vào đầu năm và điều kiện thời tiết không thuận lợi vào cuối quý 3. Tuy nhiên, sau thời gian đi xuống giai đoạn 2012-2015, năm 2016 là năm cá tra có tăng trưởng trở lại, tuy chưa đạt được mức đỉnh năm 2008 (1,4 triệu tấn) về sản lượng nuôi và năm 2011 về tổng giá trị xuất khẩu (1,86 tỷ USD).

Toàn ngành nuôi cá tra đạt khoảng 5.500 ha và 1,25 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2015. Tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt 1,71 tỷ USD, tăng 9,6% so với năm 2015. Các thị trường tăng trưởng nổi bật gồm Mỹ (tăng gần 23%) và Trung Quốc (tăng gần 90%). Trung Quốc đã vượt qua khối EU trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của cá tra Việt Nam. Các thị trường giảm sút bao gồm EU, Brazil, Mexico và tỷ lệ giảm lần lượt là 8,5%, 12,5% và 12%.

Toàn ngành thủy sản của Việt Nam tăng trưởng 6% với kim ngạch xuất khẩu 7 tỷ USD. Ngoài cá tra, đóng góp vào sự tăng trưởng của ngành thủy sản còn có sự phát triển đảo chiều so với năm 2015 của ngành tôm với tổng giá trị xuất khẩu đạt 3,15 tỷ USD, tăng 6,7% so với năm ngoái.

Năm 2016 cũng được đánh giá là một năm ổn định của ngành cá tra, với diễn biến khá giống năm 2015. Toàn ngành có sự tăng trưởng mạnh ở thị trường Trung Quốc với nhu cầu cao về các sản phẩm cá tra nguyên con làm cho tổng lượng tăng trưởng nhiều hơn tổng giá trị xuất khẩu, nghĩa là giá bán bình quân giảm do có sự thay đổi trong cơ cấu sản phẩm.

Thị trường Mỹ tăng trưởng tốt cả về lượng và trị giá do sự mở rộng thị phần tiêu thụ cá tra. Giá nguyên liệu tăng cao vào tháng 3, đầu tháng 4 do khan hiếm nhưng sau đó giảm, có lúc giảm mạnh cho đến khi tăng lại vào tháng 10.

Do đó, chi phí nguyên liệu bình quân cả năm khá ổn định, giúp cho các doanh nghiệp nhìn chung hoạt động hiệu quả. Thách thức về thị trường của ngành tiếp tục việc sụt giảm liên tục của khối EU do ảnh hưởng của sự trượt giá đồng tiền và hình ảnh tiêu cực của cá tra trong nhiều năm qua chưa được khôi phục. Các thị trường lớn ở Nam Mỹ giảm sút một phần do tình hình kinh tế chung, một phần do một số vấn đề về chất lượng cần phải nhanh chóng khắc phục, đặc biệt là về phía kiểm soát của cơ quan nhà nước.

Ở một góc độ khác, các thách thức này lại chính là cơ hội cho việc phát triển các sản phẩm có chất lượng cao hơn, riêng ở châu Âu còn là cơ hội tăng trưởng cho các phân khúc thị trường từ lâu đã có nhận thức và nhu cầu về sản phẩm nuôi theo tiêu chuẩn bền vững quốc tế, ví dụ điển hình nhất là thị trường Anh.

Thế Trần

Cùng chuyên mục
XEM